Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 02/10/2023
Ngày cập nhật:
4/10/2023
So với những địa phương khác, Bạc Liêu giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển nghề nuôi và chế biến tôm xuất khẩu. Con tôm đã thành một trong những “trụ cột” quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng trăm ngàn lao động địa phương. Song, ô nhiễm môi trường đã đặt ra hàng loạt các thách thức cho phát triển bền vững, khi nghề nuôi tôm chưa bao giờ gặp khó như hiện nay.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại huyện Đông Hải.
CẢNH BÁO Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Với diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) hơn 145.000ha và cho tổng sản lượng trên 343.400 tấn/năm, Bạc Liêu được xếp vào tốp 3 về nuôi tôm trong cả nước. Trong đó có nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả như: siêu thâm canh (STC), thâm canh, bán thâm canh, tôm - lúa, tôm - rừng… Đây chính là những tiền đề quan trọng để Chính phủ chọn Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm cả nước.
Tuy nhiên, có một điều đáng quan tâm và cảnh báo hiện nay chính là dù Bạc Liêu đã chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển các mô hình nuôi tôm sinh thái và tôm công nghiệp từ năm 2000, nhưng đến nay đã gần 23 năm vẫn chưa giải quyết được bài toán về ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm. Đặc biệt, sự phát triển nóng của mô hình nuôi tôm thâm canh và STC đã làm cho ngành quản lý và nhiều địa phương gần như “bó tay”, hệ quả là tình trạng tôm chết hàng loạt và người nuôi tôm bị đẩy vào cảnh tha hương.
Theo nghiên cứu và điều tra của Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường đại học Cần Thơ) tại các vùng nuôi tôm trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, đối với các ao nuôi tôm STC, việc hút bùn đáy ao diễn ra thường xuyên với trung bình 1 lần/ngày (hay còn gọi là xi phông đáy ao). Theo đó, các chất thải từ hoạt động xi phông đáy ao bao gồm: vỏ tôm, phân tôm và thức ăn thừa… là nguồn gây ô nhiễm lớn trong quá trình nuôi. Nếu lượng chất thải này không được thu gom xử lý đúng quy chuẩn mà thải trực tiếp ra môi trường, không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước mặt mà còn gây ra quá trình phân hủy yếm khí trong mạng lưới kênh rạch và tạo ra các khí thải độc hại như: NH3, H2S, CH4… tác động rất xấu đến môi trường xung quanh, làm giảm môi trường sống cho các loài thủy sản khác và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng NTTS.
Ông Nguyễn Thanh Danh (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) búc xúc cho biết: “Phần lớn nông dân của xã lâu nay đều phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái theo hình thức quảng canh, nhưng từ khi nhiều hộ chuyển sang hình thức nuôi tôm STC thì gần như tất cả các hộ nuôi tôm sinh thái đều thất mùa, vì lượng nước thải, chất thải từ các hộ nuôi tôm STC lén lút thải trực tiếp ra kênh nội đồng. Khổ nỗi, tất các cả hộ nuôi khác đều phải lấy chung nguồn nước cấp này để nuôi tôm. Việc nuôi tôm STC tự phát này đã được nông dân phản ánh nhiều lần, nhưng đến nay ngành quản lý vẫn chưa có giải pháp xử lý”.
Cùng với những khó khăn quản lý trong xả thải từ các mô hình nuôi công nghiệp, việc quản lý nước thải và các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu (CBTSXK) hiện nay cũng trở thành vấn đề nóng, khi phần lớn các nhà máy được xây dựng cạnh các con sông lớn và tạo ra điều kiện thuận lợi cho các cơ sở này “vô tư” xả thải trực tiếp xuống sông, nhất là tranh thủ xả thải vào các ngày nước lớn, hoặc tổ chức xả thải vào ban đêm nên rất khó phát hiện. Hiện nay, Bạc Liêu có hơn 30 nhà máy CBTSXK và hàng trăm cơ sở thu mua, sơ chế tôm, với công suất từ vài trăm đến hơn 1.000 tấn sản phẩm/năm. Thế nhưng đến nay chỉ mới có hơn 10 nhà máy CBTSXK đăng ký công bố điểm xả thải và đây là điều rất đáng lo ngại. Bởi trong quá trình chế biến thủy sản làm phát sinh nhiều nguồn thải như: chất thải rắn, nước thải, khí thải và mùi hôi từ chế biến, môi chất lạnh và các loại chất thải nguy hại khác… gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Do vậy, việc các nhà máy CBTSXK chưa quan tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, ngoài tạo ra hàng loạt các hệ lụy gây ô nhiễm môi trường từ các chất thải trực tiếp, còn tạo ra mùi hôi thối trong môi trường không khí làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của các hộ dân sinh sống khu vực gần nhà máy.
CẦN NHÂN RỘNG NHỮNG MÔ HÌNH HAY
Để góp phần hóa giải các nguy cơ, thách thức do chính quá trình sản xuất tạo ra và cộng đồng trách nhiệm trong việc thi đua xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước, các nhà khoa học của Khoa Nông nghiệp (Trường đại học Bạc Liêu) đã nghiên cứu và đề xuất nhiều quy trình, mô hình và công nghệ quản lý môi trường trong NTTS. Điển hình như áp dụng công nghệ đất ngập nước kiến tạo trong hệ thống tuần hoàn nước (RAS). Nguyên lý hoạt động của công nghệ này chính là nước thải từ ao nuôi sau khi qua bể lắng sơ bộ để loại bỏ các chất rắn có kích thước lớn sẽ được đưa vào hệ thống đất ngập nước. Tại đây, hệ thực vật kết hợp với hệ vi sinh vật sẽ tiến hành phân giải và hấp thu các chất thải trong nước. Nước thải sau khi được xử lý ở hệ thống đất ngập nước sẽ được tuần hoàn trở lại ao phục vụ cho vụ nuôi mới. Ưu điểm của công nghệ này là mang lại hiệu quả cao trong xử lý nước thải chứa hợp chất ni-tơ. Quá trình ứng dụng công nghệ không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, chi phí cho xử lý bằng thực vật thủy sinh không cao và trong nhiều trường hợp không cần cung cấp năng lượng. Do đó, việc ứng dụng thực vật thủy sinh để xử lý nước ô nhiễm ở những vùng chưa có điện đều có thể thực hiện dễ dàng. Hiệu quả xử lý ổn định đối với nhiều loại nước ô nhiễm thấp. Sinh khối tạo ra sau quá trình xử lý được ứng dụng và sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như: làm nguyên liệu cho thủ công mỹ nghệ (lục bình, cỏ năn tượng); làm thực phẩm cho người và cả làm thức ăn phục vụ cho chăn nuôi (củ sen, bông súng, rau muống, bèo tây, bèo tấm) và tận dụng cả cho việc làm phân xanh, sản xuất khí sinh học…
Song, muốn thực hiện công nghệ này cần diện tích lớn gấp 2,7 lần so với diện tích ao nuôi. Ngoài ra, các hệ thống đất ngập nước có tốc độ tải thủy lực thấp hơn và thời gian lưu thủy lực lâu hơn để đạt được hiệu quả loại bỏ chất ô nhiễm. Do đó, thời gian xử lý sẽ lâu hơn các công nghệ khác. Thế nhưng, khó khăn này có thể được hóa giải bằng cách xây dựng các hệ thống đất ngập nước nhỏ có tải trọng thủy lực cao, khả thi về mặt kinh tế và loại bỏ được 80% tổng chất rắn lơ lửng và đó chính là hệ thống aquaponics.
Hay mô hình sử dụng vi tảo trong NTTS thông qua chuyển đổi chất hữu cơ trong nước thải phú dưỡng thành sinh khối nhờ sự phát triển của vi tảo và khai thác sinh khối có giá trị gia tăng để thay thế một phần thức ăn và tăng cường khả năng miễn dịch cho thủy sản. Việc xây dựng hệ vi tảo giúp đẩy nhanh quá trình cố định carbondioxide. Đồng thời, thúc đẩy giải phóng oxy, chúng hoạt động như máy bơm sinh học và tạo môi trường tốt cho động vật thủy sinh. Vi tảo hấp thụ các chất dinh dưỡng trong nước thải NTTS để sinh trưởng và phát triển. Từ đó, tạo ra sinh khối có thể được thu hoạch và sử dụng làm thức ăn cho NTTS. Tất cả những hệ thống NTTS được hỗ trợ bằng vi tảo đều vượt trội so với hệ thống NTTS thông thường.
Mô hình đất ngập nước kiến tạo trong hệ thống tuần hoàn.
Hoặc mô hình NTTS sử dụng kết hợp rong biển để xử lý nước. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc nuôi kết hợp 2 hoặc nhiều loài tương thích trong cùng một hệ thống sẽ mang lại những hiệu quả tích cực. Chúng có thể sống trong cùng môi trường sống, không cạnh tranh về thức ăn và không gian sống. Như nuôi kết hợp tôm, cá với rong biển, rồi chất thải của tôm, cá là nguồn phân hữu cơ cho rong, hoặc thức ăn cho đối tượng khác trong hệ thống và như thế giúp cân bằng hệ sinh thái. Lợi ích của hệ thống nuôi kết hợp rong biển với các đối tượng nuôi biển để tái hấp thu chất dinh dưỡng thừa đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững nghề NTTS ở vùng ven biển. Qua kết quả một số công trình nghiên cứu, tôm sú được nuôi kết hợp rong câu và chế độ cho ăn khác nhau giúp tăng cường đáp ứng miễn dịch và tăng tỷ lệ sống cho tôm sú khi cảm nhiễm với Vibrio parahaemolyticus và tỷ lệ tôm chết thấp hơn so với nuôi độc canh con tôm…
Ngoài các quy trình, mô hình và công nghệ quản lý môi trường trong NTTS, Khoa Nông nghiệp (Trường đại học Bạc Liêu) còn giới thiệu nhiều mô hình khác trong hội thảo khoa học về xử lý môi trường nước thải trong nuôi trồng và chế biến thủy sản mới đây. Tất cả những quy trình, mô hình và công nghệ quản lý môi trường này cần được các ngành quan tâm và đầu tư chuyển giao cho người nuôi tôm, nhằm góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường vốn được xem là nội dung hàng đầu trong phát triển bền vững.
* Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Ngô Nguyên Phong: Sẽ tăng cường đầu tư hạ tầng thủy lợi theo hướng cấp - thoát riêng
Để góp phần bảo vệ môi trường sản xuất và hướng đến phát triển bền vững, việc tăng cường đầu tư cho thủy lợi phải được xem là một trong những giải pháp hàng đầu.
Theo đó, đối với vùng nuôi tôm công nghiệp trọng điểm của tỉnh (vùng sinh thái mặn phía Nam Quốc lộ 1A), ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường đầu tư hạ tầng thủy lợi theo hướng cấp - thoát riêng. Đồng thời, sẽ tổ chức thực hiện tốt quy hoạch vùng nuôi tôm STC trong phạm vi kênh Trường Sơn hướng ra đê biển Đông, vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh từ kênh Trường Sơn trở vào kênh Cà Mau - Bạc Liêu. Song, để thống nhất vận hành hệ thống cấp - thoát riêng, cần đẩy mạnh vận động nông dân tham gia tổ hợp tác và hợp tác xã theo từng nhóm liền kề và theo từng ô thủy lợi.
Bên cạnh đó, đầu tư cải tạo hệ thống kênh các cấp gồm: Hệ thống kênh trục, cấp I và cấp II bố trí cấp thoát kết hợp, không bố trí cống đầu kênh để giải quyết vấn đề giao thông thủy, tạo môi trường thông thoáng, tăng nhanh khả năng cấp nước, hạn chế bồi lắng. Từ kênh cấp III trở xuống bố trí cấp thoát riêng biệt, có thể bố trí cống để cấp thoát riêng biệt và quản lý môi trường. Cũng như, đẩy nhanh tiến độ thi công các cống dưới đê biển Đông để thông dòng lấy nước mặn và ngăn triều cường, chống ngập. Đặc biệt, sớm triển khai Dự án “Hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ NTTS vùng phía Nam Quốc lộ 1A” để cấp ngọt, kiểm soát mặn mùa khô và tăng hiệu quả sản xuất.
Song song đó, kiến nghị các bộ, ngành trung ương hỗ trợ và giúp tỉnh Bạc Liêu nghiên cứu, chuyển giao những công nghệ xử lý nước thải, chất thải trong nuôi tôm STC, thâm canh và bán thâm canh phù hợp quy mô nông hộ. Thực hiện quan trắc môi trường nước theo hướng tự động, đồng bộ, thông tin kịp thời kết quả quan trắc, nhằm chủ động cảnh báo giúp nông dân chủ động trong sản xuất, hạn chế rủi ro…
* Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Trịnh Khánh Ngọc: Cần sớm triển khai quy hoạch cho từng vùng nuôi
Có thể thấy, NTTS kéo theo nhiều tác nhân gây biến động môi trường với quy mô ngày càng lớn và hết sức đa dạng. Một trong những khó khăn trong công tác quản lý và xử lý các vi phạm về gây ô nhiễm môi trường trong NTTS chính là đến nay Bạc Liêu vẫn chưa có quy hoạch chi tiết đối với mô hình nuôi tôm STC, thâm canh và bán thâm canh nên tình trạng nuôi tự phát và xen kẽ với các mô hình nuôi khác ngày càng nhiều và rất khó quản lý. Trong khi đó, hệ thống thủy lợi lại chưa được đầu tư đồng bộ nên dễ xảy ra tình trạng dịch bệnh, hoặc ô nhiễm môi trường nếu có hộ dân xả thải chưa qua xử lý xuống sông hay các kênh rạch.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là việc xử lý các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường đối với mô hình nuôi tôm STC, thâm canh và bán thâm canh còn ít và chưa đủ sức răn đe (do đa số các hộ nuôi tôm STC thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện và UBND cấp xã)…
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ môi trường (BVMT) và hướng đến xây dựng các mô hình tăng trưởng xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững, Chi cục BVMT đề xuất ngành quản lý cần sớm triển khai quy hoạch cho từng vùng nuôi, ngành Tài nguyên - Môi trường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức pháp luật và giới thiệu các mô hình hay trong quản lý và BVMT.
Cùng với đó, tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công khai địa điểm xả thải có sự giám sát của cộng đồng và hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về xử lý chất thải, nước thải. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ quy trình thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, giám sát việc đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền quản lý cấp tỉnh, đặc biệt là với mô hình nuôi tôm STC, thâm canh và bán thâm canh.
KIM TRUNG - L.D (thực hiện)
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.