Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 11/10/2023
Ngày cập nhật:
12/10/2023
Tận dụng diện tích mặt nước tự nhiên, một số hộ dân tại thị trấn Phước Cát, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) đã phát triển mô hình nuôi cá chạch lấu trong lồng bè trên sông Đồng Nai, qua đó tạo thêm nguồn thủy sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình.
Mô hình nuôi cá chạch lấu trong lồng bè với dòng nước chảy trên sông Đồng Nai của gia đình ông Ngô Văn Hải có những ưu thế riêng
Được sự giới thiệu của Hội Nông dân huyện Cát Tiên, chúng tôi tìm đến mô hình nuôi cá chạch lấu trong lồng bè trên sông Đồng Nai của gia đình ông Ngô Văn Hải, Tổ dân phố 4, thị trấn Phước Cát, huyện Cát Tiên. Đây là một trong những hộ dân tiên phong đưa cá chạch lấu vào việc phát triển kinh tế gia đình trên địa bàn.
Ông Hải cho biết, nuôi cá chạch lấu là mô hình phát triển kinh tế không quá xa lạ ở các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, tại tỉnh Lâm Đồng, mô hình này vẫn còn mới với người nông dân. Nhận thấy các mô hình nuôi cá chạch lấu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên từ tháng 10/2022, gia đình ông đã chọn cho mình một hướng đi mới, quyết chí khởi nghiệp với mô hình nuôi cá chạch lấu.
Để thực hiện mô hình, ông Hải đã cất công đi tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình lân cận; đồng thời, trước khi thực hiện nuôi, ông Hải đã nhờ các chuyên gia về khảo sát, đo đạc các chỉ số về chất lượng nguồn nước sông Đồng Nai chảy qua địa bàn như hàm lượng ô xy hòa tan, độ PH của nước. Theo ông Hải, cá chạch lấu là loài cá nước ngọt có thân màu xanh đậm hoặc đen xám, trên thân có nhiều đốm, thịt cá ăn rất chắc, dai, ko bị bở và có thể chế biến thành nhiều món ăn. Hiện, nhiều địa phương đã nhân rộng nuôi loại cá này trong bể sục khí hoặc ao đất… Tuy nhiên, nuôi trong lồng bè trên sông với dòng nước chảy lại có những ưu thế riêng.
Khi tiến hành nuôi cá chạch lấu, ông Hải đã thiết kế các lồng nuôi có diện tích 3x15 m, phía bên trong lồng nuôi, ông cho thả các ống đen, buộc lại với nhau để cá chui vào. Nuôi loại cá này trên sông có ưu thế là có dòng nước chảy, nước sạch, không ô nhiễm nên 11.000 con cá giống ban đầu sinh trưởng, phát triển tốt, lượng hao hụt gần như không đáng kể.
Cá giống ban đầu ông Hải nhập mua về có chiều dài 5-8 cm, giá thành 8.000 đồng/con, sau thời gian nuôi khoảng 8 tháng là có thể xuất bán. Ông Hải cho hay, chạch lấu là loài cá nước ngọt có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường nước ngọt, lợ, phân bổ ở hầu hết các kênh rạch, ưa sống tại nơi có dòng nước chảy, hàm lượng ô xy hòa tan cao. Ban đầu, thức ăn chủ yếu của chạch lấu là giun, ấu trùng, côn trùng, giáp xác, khi lớn, chúng ăn côn trùng trưởng thành, tôm tép, cá nhỏ. Tuy nhiên, với hình thức nuôi và quy mô như gia đình ông Hải đang thực hiện thì thức ăn chính của cá là cám công nghiệp.
Thời điểm này, mỗi con cá thương phẩm sẽ đạt trọng lượng xuất bán từ 0,5 - 1 kg, ông Hải đã bán được gần 3.000 con. Hiện, 6 lồng bè trên diện tích 200 m2 mặt nước của ông Hải đang còn khoảng 8.000 con cá thương phẩm, với giá bán trên thị trường hiện khoảng 220.000 - 250.000 đồng/kg, dự kiến gia đình ông Hải sẽ có doanh thu lên tới hàng trăm triệu đồng.
Anh Phan Văn Thành - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phước Cát cho biết, xét tổng quan, mô hình nuôi chạch lấu thương phẩm của gia đình ông Ngô Văn Hải vẫn là hướng đi mới đầy triển vọng. Sau thời gian dài tìm hiểu, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố, Hội Nông dân xã cũng nhận thấy chạch lấu có thể sinh trưởng, phát triển tốt với điều kiện sinh thái của địa phương, cũng như đáp ứng được trình độ kỹ thuật, điều kiện đầu tư của người dân.
Để đồng hành, hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm cá chạch lấu và một số loại cá nuôi trong lồng bè, Hội Nông dân thị trấn Phước Cát đã vận động các hộ dân thành lập Tổ hội nghề nghiệp Nuôi cá lồng bè với 6 hộ dân tham gia. Qua đó, giúp các hộ nông dân có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ nhau trong quá trình phát triển chăn nuôi thủy sản trên địa bàn. Mặt khác, Hội Nông dân xã cũng đã tư vấn cho các hộ dân được tiếp cận với nguồn vay ưu đãi với lãi suất thấp từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện với số tiền vay 50 triệu đồng/hộ.
Việc nuôi cá chạch lấu thương phẩm thành công tại địa phương đã góp phần đa dạng thêm mô hình phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đây là mô hình mới trên địa bàn, do đó vấn đề đầu ra cho sản phẩm bước đầu cũng chưa được thuận lợi. Bên cạnh việc tích cực hỗ trợ người nông dân, hiện nay, việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm cá chạch lấu cũng như các sản phẩm cá nuôi lồng bè tại Cát Tiên đang được các ngành chức năng, địa phương quan tâm, tháo gỡ - ông Thành cho hay.
HOÀNG SA
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.