• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Năm nay cá khá hơn tôm

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 17/10/2023
Ngày cập nhật: 18/10/2023

Đó là nhận định của anh Võ Điền Trung Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Đại Ngư Nghiệp cũng như một số hộ nuôi cá chẽm khác khi so sánh hiệu quả kinh tế của nghề nuôi cá chẽm với nghề nuôi tôm nước lợ ở vụ nuôi năm 2023 này.

Anh Ngô Thanh Tuấn, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cũng là một trong số hộ nuôi cá chẽm quy mô lớn ở Sóc Trăng không giấu niềm vui khi nói về vụ cá chẽm năm nay: “Giá cá chẽm những tháng đầu năm rất cao, có thời điểm lên đến 90.000 đồng/kg và kéo dài hơn 1 tháng, còn bình quân cũng được khoảng 80.000 đồng/kg. Tính ra mỗi ký cá chẽm người nuôi có lời từ 10.000 - 20.000 đồng, nên năm nay người nuôi cá chẽm ăn đứt những người nuôi tôm”. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá cá chẽm đã giảm lại và hiện chỉ còn 73.000 - 75.000 đồng/kg nên một số hộ đã tạm ngưng chờ động tĩnh tới đây ra sao rồi mới quyết định. Anh Tuấn chia sẻ: “Hiện chỉ còn có công ty Vạn Đức ở Tiền Giang "ăn hàng" nên lượng tiêu thụ cũng hạn chế, kéo giá cá giảm. Giá thành nuôi cá hiện vào khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg nên giá cá như hiện tại lợi nhuận sẽ không cao lại nhiều rủi ro, nên sau khi thu hoạch lứa cá chẽm vừa rồi tôi đã tạm ngưng để chờ nghe ngóng thị trường rồi mới quyết định”.

Thu hoạch cá chẽm sau 8 tháng nuôi với trọng lượng bình quân 1,2 - 1,5kg/con. Ảnh: TÍCH CHU

Hôm chúng tôi đến, trang trại của anh Dũng đang thu hoạch ao cá chẽm để giao cho khách hàng ở chợ Bình Điền (Thành phố Hồ Chí Minh). Lứa cá này, theo anh Dũng đã nuôi được 8 tháng và kích cỡ đã đạt 1,2 - 1,5kg/con, hiện đang có giá 75.000 đồng/kg. Mức giá này đã giảm khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg so với những tháng đầu năm, nên lợi nhuận vì thế cũng kém hấp dẫn hơn. Nhưng nếu nuôi đạt tỷ lệ sống và thời gian không kéo dài, người nuôi vẫn có lời từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Anh Dũng chia sẻ: “Riêng công ty tôi, sản lượng cá biển mỗi năm khoảng 4.000 tấn; trong đó, có khoảng 2.000 tấn liên kết với hộ nuôi bên ngoài và 2.000 tấn tự nuôi. Riêng con cá chẽm chiếm khoảng 85% tổng sản lượng này”.

Nếu như trước đây, mỗi hécta nuôi cá chẽm chỉ cho thu hoạch khoảng 20 - 25 tấn thì hiện tại con số này bình quân lên đến 50 tấn, thậm chí có người đạt đến 100 tấn. Với năng suất trên, tính ra những tháng đầu năm, nếu vụ nuôi suôn sẻ, mỗi hécta người nuôi cá chẽm có lời từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, một con số mà ngay cả những người nuôi tôm thẻ siêu thâm canh cũng ghen tị. Anh Dũng chia sẻ: “Chỉ cần có thị trường xuất khẩu thì việc mở rộng diện tích nuôi, gia tăng sản lượng là không khó vì hiện tại từ con giống cho đến thức ăn, quy trình nuôi… trong nước mình đều chủ động được. Riêng công ty của tôi, với sản lượng hằng năm khoảng 4.000 tấn, được chia đều cho cả xuất khẩu lẫn nội địa, nên khâu tiêu thụ khá ổn định, chỉ có hộ nuôi nhỏ lẻ không có liên kết với doanh nghiệp là còn bấp bênh”.

Cũng như một số đối tượng nuôi thủy sản khác, con cá chẽm cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức, nên thu nhập của người nuôi vẫn thường hay bấp bênh. Theo anh Dũng, do nghề nuôi cá chẽm chủ yếu là nhỏ lẻ, không tập trung, dẫn đến có sự chồng chéo, kéo theo tình trạng thừa, thiếu cục bộ đã từng xảy ra thời gian qua. Hệ quả là giá cá không ổn định, khiến doanh nghiệp chưa thể chủ động thiết lập đơn hàng dài hạn với đối tác, dẫn đến xuất khẩu gặp khó, quay lại tác động đến giá cá trong nước. Thêm nữa là một khi chúng ta xác định nghề nuôi quy mô công nghiệp thì sản xuất giống cũng phải được nâng lên tầm sản xuất công nghiệp thì mới có con giống đạt các tiêu chuẩn về giá thành, tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng, độ đồng đều, giá thành hợp lý… Một vấn đề muôn thuở của ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực thủy sản nói riêng là về vốn. Anh Dũng đúc kết: “Hơn 10 năm làm nông dân, tôi nghiệm ra rằng với lãi suất 10 - 12% thì người nông dân sống không nổi với nghề. Do đó, chúng ta phải làm sao có cơ chế về lãi suất dài hạn thấp và cần có sự luân phiên dòng vốn xoay đều cho các đối tượng vay”. Do đó, theo anh Dũng, chúng ta cần định vị lại vị trí của con cá chẽm trong lĩnh vực nuôi biển để tập trung phát huy thế mạnh của con cá chẽm nhiều hơn nữa.

Hiến kế cho phát triển đối tượng nuôi cá chẽm, theo anh Dũng, vấn đề là làm sao để kiến nghị cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định con cá chẽm là đối tượng nuôi chủ lực của nghề nuôi biển, có khả năng bù vào sản lượng khai thác biển để có cơ chế, chính sách cũng như giải pháp phát triển phù hợp với vai trò đối tượng mũi nhọn. Anh Dũng cho biết thêm: “Khi thị trường xuất khẩu được đẩy lên rồi, có tín hiệu rồi thì một loạt các vấn đề về sau tự thân nền kinh tế trong nước sẽ điều tiết hết. Tôi lấy ví dụ như ngân hàng, họ sẽ nhìn thấy cơ hội, doanh nghiệp cá tra, doanh nghiệp giống nhìn thấy cơ hội họ sẽ điều tiết một phần nguồn vốn, cơ sở sản xuất… sang con cá chẽm. Hay nói cách khác, tự thân nền kinh tế sẽ điều tiết hết các vấn đề còn lại”.

TÍCH CHU

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang