Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 06/02/2023
Ngày cập nhật:
9/2/2023
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2023 là xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Song, muốn hoàn thành nhiệm vụ mang tính chiến lược này thì đòi hỏi phải làm rõ các khó khăn, thách thức mà Bạc Liêu đã và đang và sẽ phải đối mặt.
TẠO ĐỘT PHÁ CHO CON TÔM
Thực tiễn những năm qua đã chứng minh, nuôi trồng thủy sản (NTTS) là thế mạnh kinh tế hàng đầu của Bạc Liêu, đóng vai trò động lực quyết định đến tăng trưởng kinh tế trong hiện tại và tương lai.
Năm 2022, tuy còn ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 trước đó, nhưng thế mạnh này vẫn tăng trưởng và góp phần cho tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản đạt 460.960 tấn (trong đó, con tôm chiếm 234.730 tấn).
Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể thì ngành NTTS tăng trưởng chưa nhiều và chưa khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có, nhất là chưa tạo được những đột phá trong thực hiện mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành công nghiệp tôm của cả nước. Trong đó, các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) và mô hình nuôi tôm siêu thâm canh chưa lan tỏa mạnh để tạo ra những sức bật mới, nhất là về sản lượng. Cả năm 2022, toàn tỉnh chỉ có 25 công ty, đơn vị và 818 hộ dân đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh và nuôi tôm 2 giai đoạn. Trong khi đó, diện tích thả giống cho các mô hình nuôi tôm này chỉ chiếm trên 4.600ha so với tổng diện tích NTTS cả tỉnh trên 145.450ha.
Nếu diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh được tăng lên thì chắc chắn sẽ tạo ra một sản lượng không nhỏ và góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Bởi thời gian qua, các mô hình này đã tạo nên những đột phá về sản lượng và cả lợi nhuận cho người nuôi tôm. Cụ thể, với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong bể tròn nổi 500m3 (3 vụ/năm) cho năng suất bình quân 17,86 tấn/ha và cho tổng doanh thu trên 3,2 tỷ đồng/ha/năm, trừ chi phí 1,5 tỷ đồng/ha/năm, mang lại lợi nhuận cho người nuôi trên 1,7 tỷ đồng/ha/năm (tính giá tôm thương phẩm 180.000 đồng/kg và cỡ tôm 25 - 30 con/kg). Hay mô hình nuôi tôm trong ao đất trải bạt (diện tích 1.000m3/bể và 1ha bố trí 2 ao nuôi) cũng cho năng suất đạt trên 15 tấn/ha/2 vụ/năm và cho tổng doanh thu trên 2,7 tỷ đồng/ha/năm, sau khi trừ chi phí gần 1,5 tỷ đồng, mang lại lợi nhuận cho người nuôi gần 1,3 tỷ đồng/ha/năm (tính giá tôm thương phẩm 180.000 đồng/kg và cỡ tôm 25 - 30 con/kg)…
Từ những mô hình nuôi tôm cho năng suất và mang lại giá trị cao cho thấy, Bạc Liêu muốn hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước thì các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh và nuôi tôm ƯDCNC phải được lan tỏa mạnh, nói cách khác là không ngừng mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp.
Xét ở góc độ kinh tế, đánh giá về sự tăng trưởng của một lĩnh vực thì đầu tiên phải nói đến sự tăng trưởng về sản lượng. Bởi sự tăng trưởng về sản lượng phản ánh quy mô, tốc độ tăng trưởng và chính là yếu tố, tiền đề quyết định đến chất lượng. Vậy, Bạc Liêu đã trở thành thủ phủ ngành công nghiệp tôm chưa khi diện tích, sản lượng đều phát triển thấp hơn một số tỉnh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí kim ngạch xuất khẩu thủy sản thấp hơn tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng (kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng trong nhiều năm liền đều đạt trên 1 tỷ USD, nhưng Bạc Liêu vẫn dừng ở con số hơn 850 triệu USD)? Đáng quan tâm hơn, trong danh sách 10 doanh nghiệp nằm trong tốp đầu về xuất khẩu thủy sản năm 2022 không có các doanh nghiệp của tỉnh Bạc Liêu mà chủ yếu là doanh nghiệp của tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau.
Mạnh dạn nhìn nhận thực tế này để thấy rằng, việc có ngay các giải pháp, chính sách, cơ chế để tạo sự lan tỏa và mở rộng diện tích nuôi tôm ƯDCNC thật sự là vấn đề cấp bách và có tính chiến lược hiện nay. Đây cũng là việc quan trọng phải làm để tạo ra những khởi sắc và đột phá, nhằm làm thay đổi căn bản chiến lược tăng trưởng trong giai đoạn đầu trong xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.
Việc tăng diện tích nuôi tôm sẽ góp phần tăng sản lượng phục vụ cho xuất khẩu thủy sản.
PHẤN ĐẤU TĂNG TRƯỞNG THÊM 10%
Với việc mở rộng diện tích nuôi tôm ƯDCNC cũng đặt ra nhiều thách thức cho phát triển bền vững, nhất là trong điều kiện hạ tầng phục vụ phát triển con tôm (điện, thủy lợi, giao thông) còn yếu và thiếu như hiện nay. Trong đó, vấn đề ô nhiễm về môi trường đã đến lúc phải cảnh báo. Năm 2022, diện tích NTTS của tỉnh bị hiệt hại 5.800ha và qua phân tích của ngành Nông nghiệp, nguyên nhân bị thiệt hại do môi trường, thời tiết chiếm đến 36%. Do vậy, ngành Nông nghiệp, ngành Tài nguyên - Môi trường và các địa phương cần thiết phải có giải pháp ứng phó.
Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm giữ vững tăng trưởng và tiếp tục phát huy thế mạnh từ con tôm, năm 2023 Bạc Liêu phấn đấu tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 507.000 tấn, tăng thêm khoảng 10% so với cùng kỳ (trong đó, sản lượng tôm đạt 257.000 tấn).
Để hoàn thành mục tiêu này, ngành Nông nghiệp sẽ chỉ đạo các địa phương phát triển, mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh; đồng thời tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn trong dân.
Cùng với phát triển con tôm công nghiệp là phát triển ổn định, bền vững mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm sạch (tôm - lúa, tôm - rừng, rừng - tôm) và ứng dụng rộng rãi NTTS có chứng nhận như: VietGAP, GlobalGAP, Organic, ASC, MSC…
Bên cạnh đó, sẽ tăng cường đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ NTTS, nhất là Khu nông nghiệp ƯDCNC phát triển tôm Bạc Liêu (giai đoạn 2); các vùng nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình khép kín trong nhà kín, nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nuôi trong nhà lưới, nhà màng. Xúc tiến xây dựng vùng sản xuất giống thủy sản ƯDCNC; đầu tư các công trình thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững và Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Song song đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng vật tư phục vụ NTTS, quản lý môi trường, công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tiếp tục thực hiện cấp mã số cơ sở nuôi để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc; thực hiện kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các công ty, doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư vào Khu nông nghiệp ƯDCNC phát triển tôm Bạc Liêu, làm cơ sở lan tỏa và từng bước đầu tư xây dựng khu, vùng nông nghiệp ƯDCNC trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với nông dân một cách chặt chẽ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp. Tổ chức lại sản xuất các vùng NTTS theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị ngành tôm, phát triển bền vững, hiệu quả gắn với xây dựng cánh đồng lớn; khuyến cáo nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị khép kín của Công ty TNHH Việt - Úc Bạc Liêu; xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo khuyến nghị của Tổ chức Thú y thế giới và yêu cầu của Úc để xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con sang Úc và các nước khác…
KIM TRUNG
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp phát triển con tôm năm 2023, các địa phương đã chủ động ban hành nhiều giải pháp trên tinh thần quyết liệt, khẩn trương, nhằm góp phần xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.
* Ông Hồ Văn Linh - Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình: Xây dựng vùng sản xuất phía Nam Quốc lộ 1A trở thành trung tâm nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao
Trong chiến lược xây dựng Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành công nghiệp tôm của cả nước, huyện Hòa Bình được xác định là “mỏ tôm” của tỉnh với việc tập trung phát triển nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC).
Để khai thác thế mạnh này và góp phần cùng với Đảng bộ tỉnh xây dựng Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành công nghiệp tôm của cả nước, huyện Hòa Bình sẽ giữ vững và ổn định 16.465ha diện tích canh tác thủy sản. Trong đó, khuyến khích phát triển nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ƯDCNC và tập trung xây dựng vùng sản xuất phía Nam Quốc lộ 1A trở thành trung tâm nuôi tôm ƯDCNC.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ƯDCNC đạt 2.000ha và có trên 30% diện tích NTTS được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; sản lượng tôm nuôi đạt 70.000 tấn và tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân từ 3,5 - 4%/năm; giá trị gia tăng cho các sản phẩm chế biến tăng bình quân từ 3,3 - 3,8%/năm.
Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện sẽ tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành tôm và xem đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Đó là tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi tôm thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ và các hợp tác xã đóng vai trò hạt nhân trong liên kết.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98. Ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và tăng cường thu hút, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật như: giao thông, thủy lợi, điện cho các vùng sản xuất giống, vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh… thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Thúc đẩy nghiên cứu, xúc tiến mạnh mẽ công tác chuyển giao ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ và kỹ thuật, phát triển các hình thức nuôi áp dụng tiêu chuẩn thực hành NTTS tốt, NTTS có chứng nhận (VietGAP, BAP, CoC, ASC...); tổ chức đánh số vùng nuôi để chủ động quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khuyến khích, mời gọi sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ cao và ưu tiên cho các dự án, đề tài nghiên cứu về công nghệ sản xuất giống chất lượng cao, sạch bệnh, công nghệ cao trong nuôi tôm, công nghệ nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, công nghệ xử lý nước thải trong NTTS với chi phí hợp lý, công nghệ bảo quản và chế biến nông sản…
* Ông Nguyễn Trọng Hán - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải: Quy hoạch các vùng nuôi tôm tập trung để xử lý môi trường một cách triệt để
Để khai thác và phát huy thế mạnh từ con tôm, huyện Đông Hải đã quy hoạch, đầu tư để các xã phía Đông phát triển thành vùng sản xuất tập trung về nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và các xã phía Tây là vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến và nuôi theo các mô hình sản xuất kết hợp theo hướng bền vững, chất lượng cao. Đến nay, tổng diện tích NTTS của huyện trên 39.500ha; tuy nhiên, việc quản lý môi trường trong nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh hiện nay gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với mô hình nuôi siêu thâm canh.
Để bảo vệ môi trường sản xuất, huyện đã thành lập Tổ kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện. Trong năm 2022, huyện đã tiến hành 11 lượt kiểm tra, giám sát và đã đề nghị các tổ chức, cá nhân cam kết chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Qua đó, phối hợp với các ngành chức năng tỉnh, huyện xử lý vi phạm hành chính 3 trường hợp xả thải gây ô nhiễm môi trường (mô hình siêu thâm canh với số tiền 11 triệu đồng tại xã Long Điền Đông). Đồng thời, cho ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường đối với 95 hộ nuôi còn lại trên địa bàn huyện để họ xây dựng hệ thống xử lý nước thải, không gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến các hộ NTTS xung quanh.
Về định hướng phát triển lâu dài và đảm bảo cho phát triển bền vững, năm 2023 này, huyện Đông Hải sẽ quy hoạch các vùng nuôi tôm tập trung để xử lý môi trường một cách triệt để. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong quá trình nuôi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm thiểu chi phí sản xuất.
Cùng với đó là tổ chức rà soát, quy hoạch tổng thể hệ thống điện và hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm siêu thâm canh, nhằm đảm bảo đủ nguồn điện, kiểm soát được độ mặn của nước và các chỉ tiêu chất lượng nguồn nước cho vùng nuôi. Cũng như tổ chức kiểm tra hệ thống sản xuất và phân phối con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ nuôi tôm trên địa bàn huyện; kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các vùng nuôi tôm tập trung; giám sát chặt chẽ nguồn nước cấp, nước thải của các cơ sở, hộ nuôi tôm.
Bên cạnh đó, phát huy mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm siêu thâm canh. Thu hút các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp đầu tư, phát triển mô hình siêu thâm canh, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị. Tiếp tục tổ chức triển khai kế hoạch cấp mã số xác nhận cho cơ sở nuôi các đối tượng chủ lực theo quy định tại Luật Thủy sản năm 2017 trên địa bàn huyện và phấn đấu cuối năm 2023 đạt theo kế hoạch của tỉnh giao…
K.T (thực hiện)
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.