Nguồn tin: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, 10/11/2023
Ngày cập nhật:
14/11/2023
Với lợi thế bờ biển dài và các hệ sinh thái quan trọng như: cửa sông, rừng ngập mặn, bãi triều, cỏ biển, san hô,... Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản kết hợp với du lịch.
Thu hoạch hàu trên sông Chà Và.
Nuôi biển gắn phát triển du lịch
Ngoài trữ lượng hải sản tự nhiên dồi dào, Bà Rịa-Vũng Tàu còn hấp dẫn du khách bởi mô hình nuôi trồng thủy sản trên các làng bè ở xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu).
Vừa trở về sau chuyến du lịch Vũng Tàu, các con của chị Trần Thị Thúy Lan (du khách TP.HCM) náo nức, thi nhau nói về những điều hay, lạ mới khám phá từ con cá, con hàu ở Long Sơn. Chị Lan cho biết, gia đình chị thường xuyên đi Vũng Tàu. Trước đây, gia đình chủ yếu là tắm biển, ăn hải sản rồi về, nhưng chuyến này đi tham quan các làng bè nuôi trồng thủy sản ở xã đảo Long Sơn. Gia đình được thưởng thức các món: hàu tái chanh, nướng, sốt chanh dây, cháo do đầu bếp HTX Như Ý Long Sơn thực hiện. Đây là mô hình du lịch mà chị đánh giá khá thú vị, nhất định sẽ quay lại cũng như giới thiệu cho bạn bè.
Xã đảo Long Sơn là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để kinh doanh dịch vụ du lịch, kết hợp ăn uống trên các bè nổi. Trên sông Chà Và, sông Dinh, sông Rạng (xã Long Sơn) có hơn 300 cơ sở với hơn 13.600 lồng nuôi, diện tích mặt nước 3.000ha cùng các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như: hàu, tôm kẹt, cá mú, bớp, chẽm, chim.
Sản lượng các loài thủy sản tại Long Sơn đạt 15.000-20.000 tấn/năm, trong đó hàu chiếm số lượng khá lớn. Vì vị trí gần biển, nồng độ muối phù hợp, tập trung nhiều sinh vật phù du, là nguồn thức ăn tự nhiên, giàu dinh dưỡng... nên hàu ở Long Sơn có vị ngọt đậm, giá trị dinh dưỡng cao được đưa tiêu thụ khắp nơi và rất được ưa chuộng. Đây là cơ hội phát triển cho ngành du lịch và nghề nuôi trồng thủy sản.
Tương tự tại Côn Đảo, tham quan mô hình nuôi trai lấy ngọc và mua sắm ngọc trai đã trở thành hoạt động không thể thiếu khi du khách đến tham quan hòn đảo này. Nghề nuôi trai lấy ngọc ở Côn Đảo trải qua hơn chục năm hình thành và phát triển, giờ đây đã tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ nhu cầu mua sắm trang sức, quà lưu niệm của du khách. Với diện tích nuôi trồng hơn 100ha mặt nước, nghề nuôi trai lấy ngọc đã giúp hàng ngàn lao động sinh sống trên quần đảo này nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản: Bà Rịa-Vũng Tàu có lợi thế về du lịch lẫn nuôi trồng thủy sản (nuôi biển và trên bờ) nên việc lấy thủy sản để nuôi du lịch và lấy du lịch để nuôi lại thủy sản là một chính sách phát triển rất hợp lý. Địa phương có thể tổ chức hội chợ, các cuộc triển lãm, giao lưu ẩm thực để thu hút du khách cũng như xúc tiến thương mại cho ngành thủy sản. Điều quan trọng là tỉnh phải kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, dịch bệnh và truy xuất nguồn gốc.
Còn nhiều tiềm năng
Theo bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, du lịch và thủy hải sản là hai trụ cột kinh tế của tỉnh. Sở đang nghiên cứu, nhân rộng mô hình nuôi biển, nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch trên địa bàn. "Đây là hướng đi mới không chỉ cho ngành du lịch mà còn là mô hình điểm của ngành nông nghiệp tỉnh”, bà Na nói.
Hiện nay sản lượng đánh bắt bình quân hàng năm của tỉnh đạt khoảng 300.000 tấn/năm. Diện tích tiềm năng nuôi trồng thủy sản là 16.153ha, với sản lượng nuôi thương phẩm hàng năm trung bình 20.486 tấn. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển thủy sản tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 với mục tiêu phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu đến năm 2030 có tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 23.000 tấn/năm, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản có tính giải trí, mỹ nghệ, trang sức theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch và xuất khẩu.
Thời gian qua, trong tỉnh đã hình thành nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, các HTX nuôi tôm công nghệ cao như: Quyết Thắng (TP.Bà Rịa), Chợ Bến, Liên Giang (huyện Long Điền), mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của Công ty Minh Phú (huyện Đất Đỏ) hay các mô hình nuôi cá chình, cá lóc ở xã Suối Rao (huyện Châu Đức) đều có thể phát triển du lịch sinh thái, làng nghề. Điển hình như HTX Nông nghiệp Thủy sản Suối Giàu (xã Suối Rao, huyện Châu Đức), tận dụng vị thế đất thấp, trũng có sẵn suối hồ tự nhiên, HTX cải tạo thành ao, hồ nuôi cá chình, cá lóc rồi làm thêm nhà chòi, hồ bơi, trồng hoa cảnh, dừa,... trang trí mô hình đẹp mắt, thu hút khá đông du khách đến câu cá, vui chơi, giải trí, ăn uống cuối tuần.
Ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết, huyện đang đẩy mạnh phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, giúp tăng thu nhập cho nông dân, trong đó có các mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái đang phát triển mạnh ở xã Suối Rao. Ngoài HTX Suối Giàu, huyện cũng đang hỗ trợ cho 20 hộ thành viên nuôi cá nước ngọt: trắm, mè, chép, rô phi,… (ở tổ 2, thôn 1, xã Suối Rao) phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn, từ đó giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng doanh thu, thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.