Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 14/11/2023
Ngày cập nhật:
17/11/2023
Được Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) hỗ trợ, ông Huỳnh Tấn Xuyến, ấp Phú Thành, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình nuôi tôm thẻ sang nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh. Ước sản lượng tôm sau thu hoạch dứt điểm 2,7 tấn, trừ chi phí lợi nhuận hơn 110 triệu đồng.
Với đặc thù là vùng đệm, giữa vùng ngọt và vùng nước mặn ven biển, 6 tháng nhiễm mặn, 6 tháng ngọt, độ mặn thấp (gồm các xã: Ngọc Đông, Ngọc Tố, Hòa Tú 1, Hòa Tú 2 và một phần các xã Tham Đôn, Thạnh Phú, Thạnh Quới và thị trấn Mỹ Xuyên) nên những năm qua, huyện Mỹ Xuyên có chủ trương là sản xuất 1 - 2 vụ tôm thẻ trong năm, sau đó lấp lại vụ lúa hoặc tận dụng diện tích mặt nước sẵn có để phát triển nuôi loài thủy sản khác. Thực hiện theo chủ trương của huyện, ông Huỳnh Tấn Xuyến chỉ nuôi 1 - 2 vụ tôm/năm và mùa vụ còn lại thì tiến hành canh tác các giống lúa đặc sản. Tuy nhiên, trong năm 2023 này, sau khi thu hoạch dứt điểm vụ tôm thẻ, lợi nhuận không đáng kể, ông đã thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực.
Ông Xuyến chia sẻ: "Để giúp người dân phát triển nghề nuôi tôm bền vững, Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên đã hỗ trợ tôi mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực, với diện tích ao nuôi 1ha, tôi thả 100.000 con tôm giống. Hiện tại, tôm nuôi được 6 tháng đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Khác với con tôm thẻ chỉ thu hoạch 1 lần dứt điểm, thì tôm càng xanh được thu hoạch nhiều lần. Ước sản lượng tôm sau thu hoạch dứt điểm 2,7 tấn, trọng lượng tôm khi thu hoạch là 19 con/kg, giá bán được bao tiêu đầu ra là 120.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 110 triệu đồng/6 tháng nuôi”.
Nuôi tôm càng xanh ít gặp rủi ro về dịch bệnh, hiệu quả cao. Ảnh: THÚY LIỄU
Đồng chí Phạm Công Chơn - cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên thông tin: "Để tôm càng xanh phát triển tốt, cần chuẩn bị ao nuôi thật kỹ, chọn giống tôm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, diệt các loài cá tạp trong ao trước khi thả nuôi tôm. Thường xuyên kiểm tra môi trường trong ao nuôi, phải phù hợp và ổn định. Kiểm tra màu nước, nếu nước có màu xanh đậm (tảo phát triển mạnh) và pH > 9 cần điều chỉnh bằng cách thay nước. Nếu pH < 7.5 thì nâng pH bằng vôi CaCO3, liều 10 - 15kg/1.000m3 nước. Định kỳ, kiểm tra độ kiềm, nếu độ kiềm thấp hơn 80mg/lít, bổ sung bằng vôi CaCO3 liều dùng 10 - 15kg/1.000m3 nước, hay bổ sung canxi vào thức ăn cho tôm (liều dùng theo hướng dẫn) để giúp tôm cứng vỏ sau khi lột. Thời gian khoảng 10 - 15 ngày thay nước ao 1 lần và nước thay phải có các yếu tố môi trường pH, độ kiềm, độ mặn, nhiệt độ nằm trong khoảng thích hợp và không chênh lệch quá lớn với điều kiện môi trường ao nuôi, để tránh gây sốc cho tôm. Trong quá trình nuôi tôm, hộ nuôi phải thường xuyên quan sát hoạt động của tôm, nhằm kịp thời phát hiện bệnh trên tôm, có biện pháp phòng trị".
Cũng theo đồng chí Phạm Công Chơn, so với tôm sú, tôm thẻ thì tôm càng xanh ít bệnh. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp tôm càng xanh bị bệnh, bởi yếu tố môi trường bất lợi như: độ kiềm quá thấp (mưa quá nhiều); tôm không lột xác do pH và độ kiềm thấp; tôm bị đóng rong (thức ăn dư hoặc do nguyên sinh vật bám). Vì vậy, để phòng bệnh hữu hiệu cho tôm, vào những ngày trời nắng nóng hoặc mưa nhiều, thường xuyên bổ sung các chất khoáng, vitamin C, tỏi tươi xuyên suốt quá trình nuôi vào trong thức ăn cho tôm để tăng cường sức đề kháng và sự tăng trưởng của tôm. Định kỳ sử dụng các khoáng chất như: Daimetin, Zeolite, men vi sinh để xử lý đáy ao phân hủy các chất hữu cơ.
Theo đồng chí Liễu Nghĩa Tín - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng, việc triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh tại hộ ông Huỳnh Tấn Xuyến cho thấy rõ hiệu quả của tôm càng xanh, thông qua việc tôm nuôi ít gặp rủi ro dịch bệnh, tỷ lệ sống cao, tôm nuôi được quanh năm và đầu ra của tôm thương phẩm ổn định, đem về lợi nhuận tốt cho hộ nuôi. Từ hiệu quả kinh tế mô hình đem lại, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tăng cường công tác vận động, tuyên truyền và nhân rộng mô hình đến hộ dân nuôi tôm càng xanh tại các vùng nuôi tôm trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
THÚY LIỄU
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.