• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tìm hướng gỡ khó tiêu thụ tôm hùm bông

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 26/11/2023
Ngày cập nhật: 29/11/2023

Ngày 25-11, tại TP. Nha Trang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hòa Nam; Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch cùng chủ trì hội nghị. Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng tôm hùm bông đang bị ách tắc khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tắc đầu ra do chính sách mới của nước nhập khẩu

Nghề nuôi tôm hùm bông và tôm hùm xanh phát triển tại Khánh Hòa đã hàng chục năm nay, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Từ đầu năm đến nay, người dân trên địa bàn tỉnh đã thả nuôi 74.330 lồng tôm hùm, sản lượng thu hoạch đạt hơn 1.517 tấn. Tôm hùm nuôi trên địa bàn chủ yếu được xuất sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay, việc xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc bị ách tắc. Do đó, việc tiêu thụ tôm hùm bông (chủ yếu được nuôi trên vịnh Vân Phong) gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, do không có thương lái thu mua nên giá tôm hùm bông giảm nhiều so với trước (chỉ còn 1,3 triệu đồng/kg tôm loại 1); riêng tôm hùm xanh vẫn được thương lái thu mua ổn định với giá 1,1 triệu đồng/kg loại 3 - 5 con/kg.

Tại hội nghị, ông Võ Văn Thái - Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản - Du lịch Vân Phong (huyện Vạn Ninh) lo lắng: “Hợp tác xã đang tồn đọng gần 100 tấn tôm hùm bông. 32 xã viên hợp tác xã đứng ngồi không yên vì hơn 2 tháng nay không bán được tôm. Người nuôi lo lắng nguy cơ phá sản, lâm vào nợ nần. Chúng tôi cần biết thông tin vì sao tôm ứ đọng, hướng giải quyết của cơ quan từ Trung ương đến địa phương như thế nào?”. Còn bà Nguyễn Thị Ánh Quyên - người nuôi tôm hùm ở phường Vĩnh Nguyên (TP. Nha Trang) nói: “Hơn 30 năm nuôi tôm hùm chưa khi nào chúng tôi gặp khó khăn như hiện nay, thậm chí lúc bị dịch Covid-19 bùng phát cũng không điêu đứng như hiện tại. Do không bán được tôm nên không có tiền mua thức ăn nuôi tôm? Vay ngân hàng thì có hạn, còn vay ở ngoài thì lãi suất cao, thế nhưng họ cũng không dám cho vay do tôm không bán được”.

Lý giải về tình trạng xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc gặp khó khăn, ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) thông tin: Trong các thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam, Trung Quốc chiếm 98 - 99%. Tháng 5-2023, Trung Quốc ban hành luật về bảo vệ động vật hoang dã và danh mục các loài động vật hoang dã cần được bảo vệ. Tôm hùm bông nằm trong danh sách này. Đến tháng 8-2023, việc xuất khẩu tôm hùm bông bị ngưng trệ do hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông nhập khẩu. “Qua làm việc với Cục Hải quan Trung Quốc, phía Trung Quốc yêu cầu Việt Nam phải chứng minh tôm hùm bông nuôi có truy xuất nguồn gốc, không đánh bắt trực tiếp, quy trình nuôi như thế nào, nếu con giống khai thác từ tự nhiên thì cũng được coi là khai thác từ tự nhiên, không được coi là tôm hùm nuôi. Trung Quốc cũng yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc muốn nhập khẩu các loài động vật hoang dã, trong đó có tôm hùm bông phải xin giấy phép của Cục Ngư nghiệp, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về nhập khẩu các sản phẩm có liên quan đến động vật hoang dã. Tôi nắm được, đến nay chưa có nhà nhập khẩu nào của Trung Quốc xin được giấy phép này” - ông Anh chia sẻ.

Tìm hướng tháo gỡ

Để tháo gỡ khó khăn cho đầu ra của tôm hùm bông, ông Lê Bá Anh kiến nghị: “Cục Thủy sản cần có ý kiến với các địa phương hướng dẫn cơ sở nuôi, lượng nuôi của từng loài, phương thức nuôi, nguồn giống để cung cấp cho Hải quan Trung Quốc. Ngoài ra, Cục Thủy sản cần trao đổi song phương với Cục Ngư nghiệp Trung Quốc để làm rõ thêm về danh mục, đối tượng thủy sản nguy cấp, quý hiếm, phương thức kiểm soát của Trung Quốc để hướng dẫn cho sản phẩm tôm hùm bông. Đồng thời, chủ động hướng dẫn đối với mặt hàng thủy sản khác thuộc danh sách này. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường sẽ có hướng dẫn kê khai thông tin theo biểu mẫu mới của Trung Quốc”.

Tôm hùm bông được nuôi trên vịnh Vân Phong đang khó khăn về đầu ra

Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, những quy định mới của thị trường Trung Quốc đối với tôm hùm bông là rào cản lớn đối với mặt hàng xuất khẩu này; bởi hiện tại, Việt Nam chưa có cơ sở nuôi tôm hùm nào được cấp phép, cấp mã số. Trong khi đó, việc cho tôm hùm sinh sản nhân tạo để có con giống nuôi thương phẩm vẫn chưa có nước nào trên thế giới thực hiện được. Vì thế, Việt Nam cần nhanh chóng nghiên cứu sản xuất tôm hùm giống; quy hoạch không gian biển, quy hoạch vùng nuôi để giao mặt nước biển phục vụ nuôi trồng thủy sản… Trước mắt, tôm hùm xanh vẫn được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc nên nghiên cứu chuyển sang đẩy mạnh xuất khẩu tôm hùm xanh.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, đối với tôm hùm bông, mỗi năm, cả nước nuôi khoảng 45-50 triệu con. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang xúc tiến với phía Trung Quốc để ký kết nghị định thư về xuất khẩu hải sản khai thác tự nhiên, hải sản sống. Trong thời gian chờ phía Trung Quốc cung cấp thông tin, biểu mẫu đăng ký mới, Cục Thủy sản phối hợp với địa phương hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị tôm hùm thực hiện nghiêm quy định của Luật Thủy sản. Trong đó, phải thực hiện các thủ tục điều kiện về nuôi trồng thủy sản; xác nhận đăng ký nuôi lồng bè; cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển; xác nhận nguồn gốc loài… Sau khi phía Trung Quốc cung cấp đủ thông tin, biểu mẫu đăng ký mới, Cục Thủy sản tổ chức rà soát, thẩm tra, hoàn thiện danh sách các cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các quy định của Việt Nam và Trung Quốc, chuyển Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường để gửi cho phía Trung Quốc. “Tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ cùng với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đàm phán với phía Trung Quốc, tháo gỡ khó khăn trước mắt cũng như lâu dài. Đặc biệt, từ nay đến Tết Nguyên đán phải giải phóng nguồn tôm hùm bông của người dân đã nuôi. Đối với tôm hùm nói riêng và lĩnh vực nuôi biển nói chung sẽ phải tập trung tháo gỡ các vấn đề về thị trường, con giống, thức ăn - dinh dưỡng, chuỗi liên kết, việc giao mặt nước biển...”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

HẢI LĂNG

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang