• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi lươn không bùn cho sản lượng cao

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 07/12/2023
Ngày cập nhật: 9/12/2023

Con lươn là một trong những loài thủy sản dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp và không cần diện tích đất lớn, có đầu ra ổn định, giá bán tốt. Nhận thấy ưu thế của con lươn, ông Võ Thành Phượng, ấp Nhất, xã Châu Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã phát triển nuôi lươn nhiều năm qua, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Diện tích nuôi lươn thương phẩm của ông Phượng là 42m2, chia thành 7 ao nuôi, mỗi ao được xây dựng bằng bêtông kiên cố. Trước đây, ông xây dựng chuồng nuôi heo. Do nhiều năm nuôi heo bị lỗ nặng, ông chuyển sang nuôi lươn không bùn. Ông đã đến Hậu Giang để tìm tòi, học hỏi cách nuôi lươn không bùn đạt hiệu quả kinh tế cao. Khi nắm bắt được một số kinh nghiệm nuôi lươn, ông Phương cải tạo lại chuồng heo đã bỏ trống thời gian dài sang nuôi lươn thương phẩm. Ông chọn nuôi lươn không bùn bằng giá thể là những sợi dây gân. Ban đầu, ông Phượng thả nuôi thử nghiệm 3.000 con lươn giống, qua 8 tháng nuôi đã thu hoạch được 1 tấn, giá 220.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 150 triệu đồng.

Ông Võ Thành Phượng, ấp Nhất, xã Châu Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) (bìa trái) thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ nuôi lươn không bùn. Ảnh: THÚY LIỄU

Thấy lợi nhuận cao, ông Phượng quyết định tăng số lượng đàn lươn nuôi lên theo từng năm. Tính đến thời điểm hiện tại, mỗi năm ông nuôi 15.000 con lươn thương phẩm để cung ứng ra thị trường. Để có được số lượng lươn nuôi, kể từ năm thứ 2 nuôi lươn thương phẩm, ông Phượng đã lựa chọn những con lươn tốt từ đàn lươn thương phẩm để làm giống bố mẹ sinh sản. Lươn sinh sản được ông Phượng nuôi trong ao phía sau vườn, xung quanh ao được rào lưới tránh cho lươn thoát ra bên ngoài, phía trên ao che bằng lưới, tránh mưa nắng và các loài ăn thịt tấn công. Với 400 con lươn giống, mỗi năm sinh sản hàng ngàn lươn con, ngoài số lượng để nuôi tại hộ, ông Phượng xuất bán khoảng 6.000 con/năm, giá bán 3.500 đồng/con, trừ chi phí lợi nhuận hơn 18 triệu đồng/năm. Riêng lươn nuôi thương phẩm với số lượng 15.000 con/năm, thu hoạch hơn 3 tấn/8 tháng nuôi, trọng lượng 4 con/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/năm.

Ông Võ Thành Phượng cho biết: “Tính đến nay, tôi đã nuôi lươn hơn 5 năm. Để nuôi lươn thành công thì nguồn nước cấp cho ao nuôi đóng vai trò rất quan trọng. Chính vì vậy, chỉ với diện tích nuôi lươn 6m2/ao, tôi đều thiết kế hệ thống cấp, thoát nước riêng cho từng ao nuôi, mặc dù các ao nuôi liền kề nhau, nhằm đảm bảo hệ thống cấp, thoát nước hoạt động nhanh khi đưa nước vào và xả nước thải ra bên ngoài. Nước trong ao nuôi lươn phải đảm bảo luôn sạch, do đó phải thay nước 2 lần/ngày, nước được lắng lọc kỹ không bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Lượng nước trong ao vừa phải, khoảng 2,5 tấc nước từ đáy ao lên, nếu mật độ thả nuôi 400 con/m2. Phân loại lươn nuôi theo kích cỡ ra từng ao nuôi khác nhau, vừa tiện chăm sóc, vừa dễ lựa chọn khi xuất bán. Cho lươn ăn điều độ, tránh dư thừa thức ăn, bổ sung thêm các loại vitamin cần thiết cho lươn trong quá trình nuôi cũng như có biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho lươn theo hướng dẫn của ngành chuyên môn”.

“Lươn là một loài không ưa ánh sáng nên bể nuôi phải có mái che, hoặc làm giàn trồng cây leo tránh sự thay đổi nhiệt độ. Lươn thích sống chui rúc, ưa tối nên phải có hệ thống giá thể. Giá thể có thể làm bằng khung nẹp tre hoặc nhựa PVC, sợi nilon tối màu bó thành từng bó. Chọn lươn giống tốt nhất cỡ 30 - 40 con/kg. Thường xuyên theo dõi chất lượng nước, luôn giữ môi trường nước sạch; theo dõi lượng thức ăn của lươn và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp; trộn vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn cho lươn, giúp lươn tăng sức đề kháng và tiêu hóa tốt thức ăn; định kỳ 2 tháng xổ giun sán cho lươn 1 lần”, đồng chí Liễu Nghĩa Tín - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng chia sẻ.

THÚY LIỄU

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang