Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 15/12/2023
Ngày cập nhật:
17/12/2023
Mùa khô 2023 - 2024 được dự báo sẽ gặp khó khăn đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS), do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn. Do đó, cần có những giải pháp điều tiết nước hợp lý để phục vụ cho nuôi trồng trên địa bàn tỉnh.
DỰ BÁO ĐỘ MẶN TĂNG
Dưới tác động của nắng nóng kéo dài, các yếu tố môi trường nước thay đổi theo hướng bất lợi cho NTTS, nhiệt độ biến thiên lớn giữa ngày và đêm, độ mặn tăng, nhất là các vùng nuôi tôm ven biển có độ mặn cao. Trong khi nguồn nước ngọt phụ thuộc vào nước mưa và nước ngầm, nếu hạn hán sẽ không có đủ nước ngọt để pha loãng, độ mặn trong ao nuôi tôm tăng cao dẫn đến thiệt hại có thể xảy ra, nhất là ở vùng ven biển và khu vực cuối nguồn nước ngọt. Để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, ông Huỳnh Thanh Toàn - Trưởng phòng Kinh tế TX. Giá Rai, cho biết: “Giá Rai đang phối hợp với Ban Điều tiết nước tỉnh theo dõi độ mặn, khi mặn xâm nhập đến vùng lúa - tôm thu rút nước ra. Riêng các xã Phong Thạnh A, Phong Tân, Phong Thạnh Đông thì tiến hành đắp đập để ngăn mặn bảo vệ các trà lúa”.
Vùng Bắc Quốc lộ 1A, khi mực nước ở các kênh xuống thấp không đủ cung cấp cho NTTS, tăng nguy cơ xâm nhập mặn, đồng thời độ mặn tăng cao trong các vuông nuôi, có khả năng gây thiệt hại cho tôm nuôi. Trong khi đó, El Nino xuất hiện hạn hán, xâm nhập mặn, rất dễ bùng phát mạnh dịch bệnh do các loại vi-rút, vi khuẩn gây bệnh trên tôm nuôi.
Bơm nước ngọt pha loãng độ mặn để phục vụ nuôi tôm. Ảnh: M.Đ
CÁC GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ
Theo dự báo năm 2024, lĩnh vực nông nghiệp nói chung, hoạt động NTTS nói riêng phải đối mặt thêm với tình trạng nắng nóng, hạn hán kéo dài, hiện tượng El Nino sẽ tác động mạnh đến hầu hết các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Do đó, ngành Nông nghiệp đưa ra nhiều giải pháp để ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.
Theo đó, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT và các địa phương chủ động xây dựng và ban hành lịch thời vụ, kịch bản ứng phó biến với đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Phổ biến, tuyên truyền đến người dân biết, chủ động có kế hoạch sản xuất phù hợp. Đồng thời, đề ra một số giải pháp kỹ thuật như tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng NTTS; bám sát dự báo xâm nhập mặn, điều chỉnh thời gian thả giống và mật độ nuôi cho từng đối tượng phù hợp với điều kiện, tình hình thời tiết cụ thể trong năm 2024.
Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời khuyến cáo người dân chủ động trong sản xuất. Quản lý chặt chẽ vật tư đầu vào như giống, thức ăn, thức ăn bổ sung, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong NTTS. Đặc biệt, để sản xuất thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, người nuôi tôm phải có ao lắng đúng quy cách, thực hiện biện pháp an toàn sinh học trước khi thả giống và trong quá trình nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước để đảm bảo sức khỏe tôm nuôi và giữ môi trường bền vững.
Về vấn đề xuống giống tôm trong điều kiện hạn mặn, ông Nguyễn Hoàng Xuân - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Đối với vùng sản xuất phía Nam Quốc lộ 1A, ảnh hưởng El Nino có thể xảy ra nắng nóng kéo dài và xâm nhập mặn vào mùa khô 2023 - 2024 nên độ mặn trên hệ thống kênh rạch và trong các ao nuôi tăng cao. Do đó, cần xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho khu vực này và khuyến cáo bà con thả giống khi đủ điều kiện. Đối với TP. Bạc Liêu thì khuyến cáo người nuôi tôm thả giống vào các thời điểm đảm bảo nguồn nước từ tháng 12/2023 - 1/2024 và từ tháng 4 - 6/2024.
Đối với vùng Bắc Quốc lộ 1A, tùy tình hình điều tiết nước thực tế của tỉnh, một số xã có diện tích nuôi tôm đầu nguồn thuộc xã Tân Thạnh, một phần xã Tân Phong (TX. Giá Rai) có thể thả tôm nuôi sớm hơn so với lịch thả giống đã khuyến cáo. Riêng đối với các khu vực hằng năm thiếu nguồn nước mặn vào đầu vụ nuôi tôm thuộc huyện Phước Long, Hồng Dân và một số địa bàn gần khu vực cuối nguồn nước cấp, cần theo dõi chặt thông báo điều tiết nước và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng lấy nước khi độ mặn đảm bảo để sản xuất”.
Cần thả giống với mật độ thưa trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn
Khi thời tiết nắng hạn, ngành chức năng khuyến cáo người nuôi tôm thực hiện giải pháp ương san nhiều giai đoạn đối với nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh.
Mật độ thả giống thưa hơn so với bình thường (nuôi tôm thẻ siêu thâm canh dưới 220 con/m2; tôm thẻ thâm canh dưới 50 con/m2; tôm sú thâm canh dưới 20 con/m2; tôm sú bán thâm canh dưới 14 con/m2), duy trì mực nước trong ao tối thiểu từ 1,3 - 1,5m; chạy quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, tăng cường oxy, giảm 15 - 30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng. Đối với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến - kết hợp, khuyến cáo người dân chủ động gia cố bờ bao chắc chắn để chống rò rỉ nước trong ao nuôi, giữ nước mặt trảng ao nuôi tối thiểu 0,5m, giữ mực nước mương bao đảm bảo từ 1,2m trở lên.
Cần bố trí thời gian nghỉ ngắt vụ giữa các vụ nuôi: 1 tháng đối với những ao nuôi đạt hiệu quả và ngắt vụ đối với những ao nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh.
MINH ĐẠT - NHẬT MINH
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.