• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cây trồng bị ảnh hưởng do nắng hạn

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai, 26/04/2024
Ngày cập nhật: 29/4/2024

Vụ thu hoạch trái cây hè năm nay, nhiều loại cây ăn trái như xoài, sầu riêng, chôm chôm… bị giảm sút về năng suất. Nguyên nhân do mùa khô nắng nóng gay gắt, khô hạn kéo dài hơn mọi năm, nhiều nơi bị thiếu nước sản xuất ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng.

Vườn cà phê bị ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài của nông dân tại xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ

Để hạn chế thiệt hại, nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều giải pháp bảo vệ cây trồng chống chọi với nắng nóng, khô hạn. Trong đó, giải pháp hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu là sản xuất theo hướng tuần hoàn, bảo vệ môi trường, bảo vệ đất, bảo vệ nguồn nước.

Cây trồng giảm năng suất

Hiện nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bắt đầu vào vụ thu hoạch hè. Theo nông dân trên địa bàn tỉnh, hiện nhiều loại trái cây hè bị giảm năng suất năng suất so với mọi năm. Nguyên nhân nắng nóng gay gắt, kéo dài ảnh hưởng đến cây trồng. Trong đó, nhiều địa phương, năng suất cây sầu riêng bị giảm năng suất so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Văn Sơn, nông dân trồng sầu riêng tại xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc nhận xét, năm nay, nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái nói chung, cây sầu riêng nói chung bị giảm năng suất. Riêng với cây sầu riêng, nhà vườn nào ra bông sớm hơn thì năng suất vẫn đạt, nhưng những nhà vườn ra bông trễ hơn vào cao điểm những đợt nắng nóng thì xuất hiện tình trạng khô bông, rụng trái non khiến cây trồng giảm năng suất.

Điều vốn là cây trồng chịu hạn. Hiện đa số diện tích cây trồng này, nông dân không đầu tư hệ thống tưới, nên khi thời tiết khô hạn, nắng nóng gay gắt kéo dài, cây trồng này bị ảnh hưởng lớn. Theo nông dân trồng điều tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom, vụ thu hoạch năm nay, cây điều cho năng suất kém hơn hẳn mọi năm. Thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài trong khi cây trồng này hầu như không được đầu tư hệ thống tưới nước nên bị ảnh hưởng lớn về năng suất. Hiện giá điều bán ra ở mức nông dân không có lợi nhuận, chỉ khoảng 20 ngàn đồng/kg. Giá bán thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do hạt điều bị nhỏ, chất lượng hạt kém vì ảnh hưởng của thời tiết khô hạn.

Nhiều nông dân trồng cà phê cũng đang lo lắng vì cây trồng này cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi thời tiết khô hạn. Ông Nguyễn Văn Huy, nông dân tại xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ cho biết, hiện nhiều nhà vườn đã cạn nguồn nước tưới khiến cây trồng bị suy kiệt. Ngay cả nhà vườn có giếng sâu, nguồn nước vẫn đủ tưới thì cây trồng vẫn bị ảnh hưởng. Ông Huy dẫn chứng: “Mọi năm, khoảng cách giữa 2 đợt tưới trên cây cà phê là 25 ngày thì năm nay, tôi rút ngắn thời gian chỉ cách nhau 15 ngày. Tuy được tưới nước thường xuyên hơn, đẫm nước hơn nhưng nắng gắt thiêu đốt khiến lá cây bị co rút không phát triển được, thậm chí bị héo lá, khô lá. Cây bị suy kiệt, nông dân tốn chi phí tưới, chi phí phân bón chăm sóc hơn nhưng dự báo vụ thu hoạch tới có thể bị giảm năng suất”.

Đây cũng là nỗi lo chung của nông dân trồng tiêu tại xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ. Đặc biệt, nhiều nông dân trồng tiêu ở khu vực ấp 5, xã Lâm San càng lo lắng vì nguồn nước ở các giếng khoan cạn hơn so với mọi năm. Do nguồn nước ngầm bị giảm mạnh so với cùng kỳ mọi năm, nguồn nước yếu hơn nên nhiều nông dân phải kéo dài thời gian tưới, chi phí điện tưới tăng cao hơn nhưng cây trồng vẫn bị thiếu nước. Tình trạng thiếu nước trong thời tiết nắng nóng gay gắt khiến cây bị suy kiệt. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng trong vụ tới mà có thể cần nhiều năm dưỡng, khôi phục lại sức cây.

Vườn sầu riêng tại xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ vẫn đạt năng suất cao nhờ nông dân ứng dụng giải pháp tưới tiết kiệm và sản xuất theo hướng hữu cơ.

Nhiều giải pháp bảo vệ cây trồng

Trong mùa khô hạn, nông dân càng chú trọng thực hiện đồng loạt các giải pháp trữ nước, tưới nước, chăm cây đúng cách... Theo đó, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ quan tâm đào ao để trữ nước, đảm bảo nguồn nước tưới. Nông dân cũng đầu tư hệ thống tưới công nghệ mới với nhiều cải tiến, vừa tiết kiệm nguồn nước tưới, vừa giảm công lao động. Việc ứng dụng các giải pháp sinh học và ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ chăm sóc giúp cây trồng sinh trưởng tốt hơn vào mùa khô hạn cũng được nhiều nông dân áp dụng.

Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San, huyện Cẩm Mỹ nhấn mạnh, một trong những nút thắt cổ chai của sản xuất nông nghiệp là nguồn nước tưới. Ở đây cần chính sách riêng về nước cho nông nghiệp. Hiện, tình trạng nước tưới của nông dân trồng tiêu ở Lâm San và nhiều vùng lân cận rất căng thẳng vì nông dân phụ thuộc vào nguồn giếng khoan. Mùa khô hạn, nguồn nước này bị giảm sút nghiêm trọng. Giải pháp lâu dài là phải giữ được nguồn nước ngầm. Muốn giữ nước ngầm thì phải giữ được đất vì đất với nước đi đôi với nhau. Theo ông Luân: “Một trong những giải pháp hữu hiệu là chuyển đổi sang canh tác hữu cơ để tăng độ mùn cho đất, vừa chống xói mòn, vừa giữ nước cho đất. Bên cạnh đó, về lâu dài cần đầu tư về thủy lợi, ứng dụng các giải pháp tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước. Ngoài ra, phải bảo vệ nguồn nước mặt, nước ngầm không bị ôn nhiễm do sản xuất nông nghiệp và công nghiệp”.

Ông Nguyễn Văn Mười, Trưởng cơ quan phụ trách phía Nam, Hội Làm vườn Việt Nam gợi ý, tuần hoàn nước là giải pháp để tiết kiệm cũng như sử dụng hiệu quả tối đa nguồn nước nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng như hiện nay. Trong đó, phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng theo hướng nông nghiệp tuần hoàn là rất quan trọng vì vai trò của ao hồ sẽ quay trở lại phục vụ cho chăm sóc cây trồng, trữ nước, thoát nước và có tác dụng điều hòa tiểu khí hậu trong vườn cây.

Một trong những giải pháp để cây trồng phát triển bền vững hiện nay là hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc hóa học, khuyến khích phát triển các mô hình tái sử dụng phế phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái bảo vệ môi trường.

Song Lê

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang