Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 27/12/2024
Ngày cập nhật:
28/12/2024
“Từ khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa dừa vào danh mục các cây công nghiệp chủ lực đã giúp ngành hàng dừa có sự thay đổi rõ nét. Tuy nhiên, khi các Hiệp định thương mại được ký kết, thuế suất xuất khẩu dừa giảm xuống còn 0% vừa là điều kiện thuận lợi vừa là thách thức nếu chúng ta không có chiến lược cụ thể...”, ông Lê Thanh Hòa - Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nêu nhận định và dự báo như thế, trong một diễn đàn về ngành dừa tại tỉnh mới đây.
Đa dạng các sản phẩm từ dừa được trưng bày, giới thiệu tại Ngày hội đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2024.
Nâng cao thu nhập cho nông dân
Trả lời cho vấn đề đang được nhiều người đặt ra: “Lợi nhuận cho cây dừa đang nằm ở đâu?”, ông Lê Thanh Hòa - Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, hiện nay, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách phát triển ngành dừa. Các địa phương cần tận dụng các chính sách này để hỗ trợ hoạt động sản xuất của người dân.
Về phía các doanh nghiệp (DN) đã có nguồn nguyên liệu chất lượng cao thì phải có chiến lược nâng giá bán sản phẩm ở các thị trường, để lấy phần gia tăng đó quay trở lại hỗ trợ giá mua cho người dân, thay vì tìm cách thu mua nguyên liệu giá rẻ và bán giá rẻ như hiện tại.
Với định hướng của Bộ NN&PTNT, cây dừa đã trở thành một cây công nghiệp. Do đó, chiến lược và phát triển định hướng cây dừa sẽ có những điểm khác so với cây nông nghiệp như lúa, ngô, khoai, sắn. Ngoài ra, Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nên để thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng dừa, một số mặt hàng xuất khẩu khác từ các nước sẽ vào Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT): “Không chỉ vì mục tiêu xuất khẩu chúng ta mới làm chất lượng, mà phải xác định là cần làm vì chính người dân, cuộc sống và sinh kế của họ”. Bên cạnh việc sản xuất và xuất khẩu dừa tươi, công nghiệp chế biến dừa hiện đã rất phát triển, chiếm tới hơn 70% giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, cây dừa còn là loại cây được tận dụng gần như tất cả. Đây cũng là tiền đề quan trọng trong nhiệm vụ phát triển nông nghiệp tuần hoàn.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết: Trong 10 năm trở lại đây, các DN tiếp cận thị trường thế giới đã hiểu được xu thế và đầu tư nhiều máy móc hiện đại. Tại Việt Nam, công nghệ chế biến dừa tương đương với quốc tế. Với sự đầu tư của DN vào máy móc, cần sự hài hòa lợi ích giữa DN và người nông dân.
Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Trần Anh Thuy, hiện nay, tỉnh đang tổ chức tiếp nhận Trung tâm Dừa Đồng Gò từ Bộ Công Thương, đề nghị cơ quan quản lý quan tâm hơn đến các giống dừa, cũng như công nghệ chế biến sản phẩm dừa.
Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre kêu gọi DN xuất khẩu tuân thủ đúng những quy định trong Nghị định thư. Từ đó, tạo giá trị bền vững cho ngành hàng dừa. Ông Trần Anh Tuấn bày tỏ sự băn khoăn về các thống kê liên quan tới ngành hàng dừa. Dù đây được xem là mặt hàng “tỷ đô” nhưng có vẻ như số liệu chưa thật sự đồng bộ, mang tính định hướng cho người sản xuất. Cùng chuẩn hóa với số liệu, cơ quan quản lý cần xem xét việc miễn, giảm thuế đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu dừa, tạo động lực cho người dân, DN mở rộng sản xuất.
Giải quyết các khó khăn
Tại diễn đàn về phát triển ngành dừa, bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam cho hay: Ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu nghiêm trọng. Nhiều DN đã đầu tư cơ sở vật chất, nhà máy tại tỉnh nhưng sản lượng cung ứng của tỉnh không đủ cho tất cả hoạt động. Nhiều DN đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng với công suất chỉ đạt 10 - 15%.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết thêm, trong những năm gần đây, nguyên liệu dừa khô thuế suất 0%, nên nhiều DN đặt cơ sở sơ chế dừa khô rồi đưa sang Trung Quốc chế biến sâu. Ngoài ra, từ ngày 1-1-2025, Indonesia là thị trường xuất khẩu dừa khô hàng đầu đã áp dụng thuế xuất khẩu dừa 80% để bảo vệ nguyên liệu trong nước và kêu gọi đầu tư.
“Nguyên liệu dừa khô phục vụ xuất khẩu cho DN Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nếu không sớm có chính sách thuế, tạo hàng rào thuế quan để giữ lại nguồn nguyên liệu dừa cho ngành công nghiệp chế biến trong nước thì ngành dừa của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, bà Nguyễn Thị Kim Thanh dự báo.
Chia sẻ thêm một số thách thức đang đặt ra hiện nay, Th.S Nguyễn Phong Phú - Giám đốc Kỹ thuật Vina T&T Group, một DN có nhà máy sơ chế đóng gói dừa tươi xuất khẩu tại huyện Châu Thành cho biết: Hiện có nhiều tổ chức sau khi được cấp mã số vùng trồng đã vi phạm quy định bằng cách bán lại hoặc cho thuê, làm sai lệch thông tin xuất xứ sản phẩm. Thậm chí, một số vùng trồng không duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn đăng ký, dẫn đến việc vi phạm kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng xuất khẩu mà còn khiến các nước nhập khẩu tăng cường kiểm soát hoặc đình chỉ nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này gây thiệt hại lớn cho nông dân và DN chân chính.
Một số DN xuất khẩu ngành dừa tại tỉnh cũng cho hay, xuất khẩu dừa sang Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật, chất lượng và an toàn thực phẩm. Sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước sản xuất dừa khác như Thái Lan, Indonesia. Điều này đòi hỏi DN phải cải tiến sản phẩm và giữ giá hợp lý.
Ngoài ra, các thay đổi về chính sách nhập khẩu; chi phí vận chuyển, bảo quản và xử lý hậu cần vẫn là một thách thức, đặc biệt với dừa tươi yêu cầu bảo quản kỹ càng. Sự phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc dễ dẫn đến rủi ro nếu thị trường này thay đổi đột ngột. Do đó, việc tối ưu hóa chất lượng, nâng cao năng lực sản xuất và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Liên quan vấn đề này, ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để quản lý hiệu quả vùng trồng dừa hữu cơ và việc cấp mã số vùng trồng, tỉnh đã quyết liệt đưa việc phát triển dừa vào các nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, lấy việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất làm nền tảng để phát triển cây dừa. Bởi lẽ, khi chuỗi liên kết lớn mạnh mới huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nông dân.
Tỉnh được mệnh danh là “thủ phủ dừa” của cả nước với diện tích trồng trên 80 ngàn ha, chiếm 88% diện tích dừa vùng đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước. Cây dừa được xác định là cây trồng chủ lực và nguồn thu nhập của hơn 200 ngàn hộ dân khu vực nông thôn của tỉnh. Do đó, việc cần thiết phải có giải pháp kịp thời, nhằm thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao giá trị cây dừa và thu nhập cho nông dân là vấn đề luôn được quan tâm.
Tỉnh hiện có vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt trên 20.700ha, có 133 vùng trồng dừa được cấp 133 mã số với diện tích hơn 8.300ha. Đồng thời, có 14 DN được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Các sản phẩm dừa hữu cơ đã xuất khẩu nhiều thị trường như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc…
Bài, ảnh: Cẩm Trúc
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.