• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Măng cụt chậm cho trái, giá đầu vụ không cao

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 05/05/2024
Ngày cập nhật: 6/5/2024

Theo kinh nghiệm của nhà vườn, tiết trời mùa đông, nhất là ban đêm càng lạnh, đó là tín hiệu vui về mùa măng cụt năng suất cao. Nhưng cuối năm 2023, mùa đông không quá lạnh, nông dân trồng măng cụt ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) vô cùng lo lắng, dự cảm một vụ mùa thất thu. Đến cuối tháng 2 âm lịch, nhà vườn mới thở phào nhẹ nhõm vì cây đã có trái. Hiện tại đã chớm vào mùa măng cụt, thế nhưng giá thu mua cũng không cao.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm trồng măng cụt, ông Phan Văn Bảy ở ấp Hòa Phú, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách định bụng năm nay chắc có mùa măng cụt “không ngọt”. “Cứ nghĩ năm nay thất mùa mà không ngờ cây ra hoa kết trái trễ. Nhưng có lẽ năng suất không bằng năm rồi. Năm 2023, 76 gốc măng cụt phủ đều trên 5 công vườn, tôi thu hoạch được 3,5 tấn, giá bình quân 25.000 đồng/kg, tôi cũng bỏ túi 87,5 triệu đồng, trừ chi phí không có bao nhiêu. Hiện nay còn nửa tháng tôi bắt đầu thu hoạch, thời gian kéo dài đến 3 tháng lận. Giá măng cụt cũng khó nói lắm, lên xuống thất thường. Cũng hy vọng đến lúc tôi thu hoạch rộ, bán được giá tốt”, ông Bảy chia sẻ.

Ông Phan Văn Bảy ở ấp Hòa Phú, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) (bìa trái) hy vọng đến khi thu hoạch măng cụt bán được giá tốt. Ảnh: NGỌC HẢI

Thấy thời tiết không “hạp” với cây măng cụt, ông Lê Thống Nhất, Ấp 8, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách cũng không mặn mà bón phân, thêm thuốc kích thích cây ra hoa, kết trái. Ông Nhất lý giải: “Loại cây này trồng thuận theo thời tiết, tôi không khiển được trái nghịch mùa hay biết chăm cho cây tăng năng suất. Cũng có năm vô phân, phun thuốc, mà cây tốt chứ trái cũng không nhiều như mong đợi. Vườn măng cụt nhà tôi diện tích 20 công, trồng trên 300 cây. Tính đến nay cây cũng được 27 - 28 năm rồi. Có năm tôi trồng trúng hái bán 7 - 8 tấn, năm thất thu hoạch chỉ được 2 - 3 tấn trái thôi. Vườn tôi năm nay cho trái trễ, hơn 1 tháng nữa tôi mới bắt đầu thu hoạch”.

Để đảm bảo nguồn thu nhập cho gia đình, ông Nhất chọn “tỉa thưa” cây măng cụt để xen canh thêm sầu riêng, ổi ruby… “Trước đây, vườn tôi trồng 400 cây măng cụt lận, tới giờ cũng đốn bỏ hết 100 cây rồi”, ông Nhất liệt kê. Ông Phan Văn Bảy cũng không trồng thêm măng cụt trong vườn mà xen canh cây mít, sầu riêng để tăng thêm thu nhập. Ông Bảy chép miệng: “Cái cây trồng hai mươi mấy năm đốn bỏ cũng tiếc. Nên tôi trồng chen cây nọ, cây kia chứ không chuyên măng cụt. Thua cây này còn trông được cây khác”.

Theo Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kế Sách Trần Văn Toàn, hiện nay diện tích trồng măng cụt toàn huyện 309,2ha. Trong đó, xã Xuân Hòa có diện tích măng cụt nhiều nhất là 128,6ha; kế đó là xã Trinh Phú 64,7ha, thị trấn An Lạc Thôn 38,7ha, xã Phong Nẫm 17,5ha. Hầu hết các vườn măng cụt ở Kế Sách tuổi cây có từ 25 - 40 năm. Mùa vụ thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm.

Trong thời gian qua, diện tích cây măng cụt có chiều hướng giảm dần, do nhiều nguyên nhân. Từ khi trồng đến khi cho trái thu hoạch mất thời gian từ 8 - 10 năm. Năng suất không ổn định, thấp hơn một số chủng loại cây ăn trái khác. Giá bán còn thấp, lợi nhuận chưa nhiều. Mỗi năm cây chỉ cho trái 1 vụ và phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Theo tìm hiểu, năm nay măng cụt cho trái trễ, năng suất dự đoán không bằng so với năm ngoái. Đến thời điểm này có một số vườn chỉ bán lai rai, thương lái thu mua lượng trái không nhiều. Giá mua cũng không cao so với năm ngoái. Như vựa trái cây Lý, ấp Phèn Đen, xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, giữa tháng 4/2024 thu mua măng cụt chín giá 65.000 đồng/kg, đến cuối tháng 4, giá còn 60.000 đồng/kg. Chủ vựa này cũng dự báo là giá sẽ còn thấp vì sắp tới măng cụt vào vụ rộ.

Năm nay, thị trường măng cụt không còn sôi động như năm ngoái. Tuy nhiên, nhà vườn vẫn nuôi hy vọng vào vụ sẽ bán được mức giá hợp lý, đảm bảo thu nhập. So với cây trồng khác thì măng cụt cũng không tốn chi phí trồng cao, công lao động không nhiều, nên số tiền bán măng cụt, chủ vườn cũng được giữ lại kha khá sau khi trừ chi phí. Nhà vườn cũng đang trông mưa, như vậy măng cụt mau chín hơn, thu hoạch rộ với số lượng lớn.

NGỌC HẢI

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang