Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 23/06/2024
Ngày cập nhật:
24/6/2024
Nhiều nhà vườn trồng măng cụt cho hay, năm nay thời tiết diễn biến bất thường khiến măng cụt mất mùa, nhà vườn kém vui, dù hiện tại giá măng cụt tại vườn khá cao.
Nhiều nhà vườn trồng măng cụt cho hay, nếu như năm trước, măng cụt trúng mùa, thì năm nay trái ít nên nhà vườn thất thu. So với nhiều loại cây ăn trái khác, cây măng cụt cho hiệu quả kinh tế không cao bằng, nhất là so với mít và sầu riêng.
Măng cụt giảm năng suất, lợi nhuận của nhà vườn cũng giảm theo.
Bên cạnh đó, măng cụt là loại cây không thể thu hoạch trái đồng loạt để xử lý chín mà phải chờ cho trái chín tự nhiên và phải lựa từng trái chín trên cây để thu hoạch bằng phương pháp thủ công, tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Một số tiểu thương cũng cho hay, năm nay, do măng cụt thất mùa nên lượng măng cụt được vựa thu mua hàng ngày cũng giảm mạnh so với năm trước. Hiện măng cụt loại 1 có giá 55.000-70.000 đ/kg, loại 2 giá 45.000-50.000 đ/kg và loại 3 giá 30.000-40.000 đ/kg.
Có 6 công trồng măng cụt, chú Ngô Văn Hải (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) cho hay: “Vườn của tôi có 100 gốc măng cụt đều gần 25 tuổi, vụ này cây cho trái từ giữa tháng 5, thời gian chăm sóc từ khi cây ra bông đến thu hoạch là 4 tháng, sau đó thu hoạch kéo dài trong 1,5 tháng, trung bình 1 cây có thể cho hơn 60kg trái chín.
Nhưng năm nay do ảnh hưởng thời tiết nên sản lượng chỉ đạt gần 4 tấn, giảm 50% so với năm trước. Vào mùa, ngày nào vợ chồng tôi cũng hái được từ 150-200kg măng cụt để bán, hái đến đâu bán hết tới đó, thương lái vô tận vườn thu mua, chứ không cần phải đưa đi xa.
Năm nay sản lượng ít nên giá măng cụt bán tại vườn trung bình 35.000-40.000 đ/kg (loại 8-9 trái/kg, vỏ mỏng), tăng khoảng 10.000 đ/kg so với năm trước.
Tuy nhiên măng cụt Thái Lan đi sớm nên chiếm thị trường từ đầu vụ, đến khi hàng Việt Nam vô mùa thì đã hơi lép vế về giá, hiện măng cụt đã rộ mùa nên giá bán tại chợ khoảng 45.000-60.000 đ/kg”.
“Cây măng cụt là loại cây nhà vườn khó can thiệp vào việc đậu trái, nên thường có cảnh năm trúng- năm thất, nhưng bù lại tỷ lệ tiêu thụ trên thị trường khá cao nên nhà vườn ít chịu lỗ.
Cộng thêm măng cụt nhẹ công chăm sóc, không cần phân thuốc nên nhà vườn không chịu áp lực chi phí đầu vào, dự kiến vụ này thu được khoảng 300 triệu đồng”- chú Hải cho biết.
Chị Lê Hồng Thi (xã Trà Côn, huyện Trà Ôn) cũng cho biết: “Nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật như dùng thuốc sinh học, bón phân hữu cơ, tưới nước tiết kiệm, nên vườn măng cụt cho trái đạt chất lượng và sớm hơn các vườn khác.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất năm nay giảm, nhưng bù lại giá bán cao hơn năm trước. Tôi không bán cho thương lái, mà chuyển sang bán hàng online nên giá có nhỉnh hơn ở chợ.
Tôi cũng có bán trái măng cụt dạng trái tươi để phục vụ làm món gỏi măng cụt cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng”.
Bên cạnh măng cụt chín thì nhờ món gỏi gà măng cụt cũng đã đẩy giá loại trái cây đặc sản này tăng cao. Từ đầu mùa, giá măng cụt xanh đã có giá từ 100.000-130.000 đ/kg, măng cụt xanh gọt vỏ sẵn có giá từ 550.00-650.000 đ/kg. Thậm chí loại hàng tuyển, quả to mọng, giòn được bán với giá 800.000 đ/kg.
Theo chị Thi, sở dĩ ruột măng cụt xanh có giá cao vì phải mất nhiều công đoạn, cộng với chi phí thuê nhân công gọt vỏ, và tiền nước để rửa mủ măng cụt trong quá trình sơ chế. Để có được một ký ruột măng cụt gọt sẵn phải cần từ 5-6kg măng cụt xanh nguyên vỏ.
Một số nhà vườn cho hay, cây măng cụt là loại cây ăn trái rất nhạy cảm ở các giai đoạn xử lý ra hoa, đậu trái, thu hoạch. Khó khăn lớn nhất trong sản xuất măng cụt là hiện tượng sượng trái, chủ yếu do dư nước và mất cân bằng dinh dưỡng.
Do đó, để đảm bảo năng suất, chất lượng trái, nhà vườn cần có kỹ thuật xử lý ra hoa sớm đồng loạt nhằm thu hoạch trái sớm tránh mùa mưa.
Song song đó, cần sử dụng phân bón, thuốc BVTV hợp lý, đúng liều lượng, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm an toàn đáp ứng người tiêu dùng.
Theo ông Mai Phước Nghĩa- Công chức Địa chính- Nông nghiệp xã Hòa Ninh (huyện Long Hồ): “Nắng nóng kéo dài khiến cây măng cụt không thể ra hoa, kết trái nhiều, ảnh hưởng đến sản lượng.
Tại xã, mô hình trồng măng cụt chưa phổ biến, do cây trồng chủ yếu vẫn là sầu riêng, chôm chôm và nhãn.
Nhìn chung, mô hình trồng măng cụt mang lại hiệu quả kinh tế khá, một số vườn sử dụng phân hữu cơ thay phân hóa học, hạn chế thuốc trừ sâu, giúp măng cụt cho trái nhiều, to, đẹp, bán được giá cao, đầu ra ổn định”.
Bài, ảnh: LY-TIÊN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.