Nguồn tin: Báo Bình Phước, 02/01/2024
Ngày cập nhật:
3/1/2024
Các loại cây điều, sầu riêng, xoài, bưởi - những cây trồng chủ lực, làm giàu của nông dân Bình Phước đang vào mùa ra hoa, kết trái và đây là quãng thời gian bận bịu nhất với người nông dân. Nhiều hộ dân cùng ăn, cùng ở, cùng làm với hoa, với trái, kỳ vọng về vụ mùa thắng lợi. Gặp những nông dân cần mẫn trên vườn cây, chúng tôi gọi họ là người thêu những mùa hoa trái.
Sầu riêng - “hoa vua”
Cây sầu riêng mấy năm gần đây phát triển mạnh trên vùng đất Bình Phước, mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều nhà nông. Là cây trồng mang giá trị kinh tế cao nên sầu riêng được quan tâm đầu tư, canh tác theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nhà nông Nguyễn Duy Thanh, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng có vườn sầu riêng 2 ha đã được cấp mã số vùng trồng cho biết: Cây sầu riêng dễ bị các loài sâu bệnh hại tấn công như nấm hồng, nứt thân xì mủ, khô cành, chết cây… Canh tác sầu riêng phải theo hướng VietGAP mới đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, phải đầu tư vốn lớn cho công nghệ tự động tưới nước, bón phân, phun thuốc, kiểm soát độ ẩm vườn cây cũng như dinh dưỡng trong đất…
“Cây sầu riêng đang trong giai đoạn ra hoa, đậu trái, chăm sóc đúng kỹ thuật thời điểm này sẽ quyết định năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Tiêu chí chăm sóc giai đoạn ra hoa là cây hình thành được mầm hoa, ra hoa đồng loạt, phát triển mạnh và lựa chọn giữ lại một đợt hoa ra tập trung nhất để chăm sóc, nuôi trái. Hoa ra đồng loạt và phát triển mạnh thì mới dễ chăm sóc trái sau này” - anh Thanh cho biết.
Bên cạnh đó, phải thường xuyên thăm vườn, theo dõi thời tiết, kịp thời phòng trừ nhiều loài sâu bệnh hại tấn công như nhện đỏ, rầy phấn trắng. Giai đoạn này cây rất cần các nguyên tố trung lượng, vi lượng để hình thành hạt phấn, sức sống của hạt phấn và tạo độ dai chắc cho cuống hoa nên sử dụng phân bón qua lá để cung cấp dinh dưỡng nuôi hoa, trái.
Kỳ công nhất là việc thụ phấn cho hoa sầu riêng, nếu để cây tự thụ phấn thì tỷ lệ đậu trái thấp, trái dễ bị méo mó, không cân đối, khuyết múi, ảnh hưởng chất lượng, mẫu mã của trái. Do đó, khi hoa sầu riêng nở rộ, khoảng từ 17-22 giờ cần thụ phấn bổ sung cho cây nhằm tăng năng suất, chất lượng cho trái.
Thụ phấn bổ sung cho hoa sầu riêng
“Vương quốc” hoa điều
Cây điều là cây trồng quen thuộc với nông dân Bình Phước hàng chục năm qua, là cây công nghiệp đa mục đích, chủ lực và mang tính chiến lược của Bình Phước. Chính vì vậy, địa phương đã có những nghiên cứu sâu về lai tạo giống mới, sinh lý thực vật, công nghệ sinh học và kỹ thuật thâm canh để tìm ra nguyên nhân và giải pháp cải thiện năng suất, sản lượng điều ở Bình Phước. Thời điểm này, nông dân đang tất bật cho việc chăm sóc cây điều thời kỳ ra hoa, đậu trái, kỳ vọng vụ mùa bội thu.
Ông Trần Kim Kính ngụ ấp 9, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú có hàng chục năm gắn bó với cây điều. Bằng kinh nghiệm của mình, ông cho rằng muốn có sản phẩm tốt nhất định phải có cây giống tốt. Bên cạnh đó, cây điều còn phải được chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật mới đạt năng suất cao.
“Hoa điều mẫn cảm với thời tiết bất lợi, sương muối hay những cơn mưa cuối mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh hại như thán thư, sâu đục chồi, đục nõn phát triển mạnh. Bọ trĩ rất khó phát hiện bằng mắt thường, đặc biệt bọ xít muỗi, loài chích hút nguy hiểm nhất gây hại trên cây điều thời kỳ ra hoa, đậu trái. Nếu mức độ gây hại nặng sẽ làm khô chồi non, rụng lá, khô hoa, rụng trái non hoặc gây chết cành. Vết thương do bọ xít muỗi chích là điều kiện thuận lợi cho các loại nấm bệnh tấn công, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất vườn điều” - ông Kính chia sẻ thêm.
Thời điểm để phòng bọ xít muỗi là khoảng tháng 9 âm lịch, đây là lúc cây điều bắt đầu ra chồi non, đến khi điều ra hoa được khoảng 20% tiếp tục xịt thuốc thêm một lần nữa để tiêu diệt triệt để. Bọ xít muỗi thường xuất hiện nhiều vào sáng sớm và chiều mát, nên việc phòng trừ cũng cần thực hiện trong khoảng thời gian này mới hiệu quả. “Thời gian cây điều ra hoa, đậu trái, mình phải túc trực, thăm vườn thường xuyên, bổ sung dinh dưỡng nuôi hoa, trái, phân biệt được các loại sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ thích hợp, tốt nhất là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học” - ông Kính cho biết thêm.
Hoa bưởi ngọt ngào
Bưởi da xanh là một trong nhiều loại cây trồng tuy mới bén duyên với nông dân Bình Phước nhưng cho thu nhập rất khá, diện tích tăng đều mỗi năm. Hiện nay, hầu hết nhà nông trồng bưởi đã thực hiện liên kết trong canh tác theo chuẩn VietGAP, nâng cao năng suất, chất lượng, từng bước đưa bưởi da xanh vào quy trình đánh giá chứng nhận sản phẩm OCOP. Từ đó hình thành vùng nguyên liệu bưởi mang thương hiệu đặc trưng riêng của địa phương và có tính cạnh tranh cao.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã bưởi da xanh Đa Kia Hồ Quang Bình chia sẻ, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, năng suất, chất lượng bưởi được nâng lên, người tiêu dùng ưa chuộng, thu nhập của các thành viên hợp tác xã cũng cao hơn.
Để có bưởi bán quanh năm với giá tốt, gần đây một số nông hộ đã chia vườn cây thành nhiều khu vực và can thiệp bằng các giải pháp kỹ thuật để cây cho trái nghịch vụ thay vì tập trung vào một thời điểm. Cách làm này đang cho thấy hiệu quả rõ rệt, nhưng đòi hỏi công sức người trồng bưởi bỏ ra rất nhiều mới có thành quả như mong đợi.
Theo nhiều nông dân trồng bưởi, không hẳn bất cứ nhà vườn nào cũng thành công khi trồng bưởi. Đặc biệt thời kỳ chăm sóc, xử lý ra hoa, đậu trái cho cây bưởi là quá trình đòi hỏi kiên nhẫn, kỹ thuật và hiểu biết về cây trồng.
Để tăng khả năng ra nhiều hoa, cây không mất sức, suy yếu, ảnh hưởng tới bộ rễ thì cần bổ sung các loại phân hữu cơ, sinh học để tăng sức cho cây, giúp cây phân hóa mầm hoa tốt, ra nhiều hoa, nụ hoa mập, dễ đậu và nuôi trái tốt.
Đất trời Bình Phước đang vào xuân, đến thăm những vườn cây trái bạt ngàn, nhìn những chồi non, lộc biếc, hoa đơm, trái kết đua khoe hương sắc, ta mới cảm nhận và trân quý đức tính cần cù, chịu khó của người nông dân. Bằng những kinh nghiệm quý và nhạy bén ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, nông dân Bình Phước nay đã tự tin bước ra thị trường thế giới với hoa thơm, trái ngọt do chính đôi tay mình nâng niu, chăm sóc với bao tâm huyết cho người, cho đời.
Huỳnh Nguyên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.