Nguồn tin: Báo Tây Ninh, 08/08/2024
Ngày cập nhật:
10/8/2024
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, thị trường xuất khẩu nông sản hiện nay, sầu riêng là trái cây hàng đầu mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân tại Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, ngoài những điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, thì tiềm ẩn nhiều vấn đề từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.
Nông dân thu hoạch sầu riêng trên địa bàn xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu.
Để ngành sản xuất và xuất khẩu sầu riêng được phát triển bền vững, tạo uy tín nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới thì các vùng trồng và cơ sở đóng gói trên cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng cần chung tay liên kết các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu, chủ động ứng phó, thực hiện giải pháp, định hướng các phát sinh biến động bằng nhiều biện pháp.
Cần phải có mã số vùng trồng trước khi xuất khẩu
Hiện toàn tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái khoảng 23.637 ha, với nhiều chủng loại cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao như: mãng cầu (5.600 ha), sầu riêng (3.260 ha), xoài (2.467 ha), chuối (1.805 ha), mít (1.454 ha), bưởi da xanh (1.245 ha)... Xu hướng đang tăng mạnh diện tích sản xuất với nhiều giống cây trồng khác nhau nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Riêng với cây sầu riêng đang được phát triển mạnh tại Tây Ninh trong những năm trở lại đây với diện tích sản xuất tính đến tháng 7 năm 2024 là 3.260 ha, sản lượng đạt 28.688 tấn.
Sầu riêng được trồng chủ yếu tại các huyện Gò Dầu với diện tích khoảng 1.379,5 ha, chủ lực là xã Bàu Đồn có diện tích trên 950 ha), thị xã Trảng Bàng (491,8 ha), Dương Minh Châu (462,3 ha), Tân Châu (427,9 ha), Tân Biên (190,4) ha. Các giống sầu riêng được trồng phổ biến là RI 6, Monthong, Musang King . Diện tích đạt chứng nhận VietGAP là 39,5 ha.
Thời gian thu hoạch sầu riêng thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 6. Về chất lượng, sầu riêng của tỉnh được đánh giá là ngon, luôn cho trái có vị ngọt đậm đà, cơm vàng tươi bắt mắt, mùi thơm nồng nhất là khi trồng tại xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu, nông sản cần phải có mã số vùng trồng trước khi xuất khẩu. Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định trong sản xuất nông nghiệp tốt để bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và đăng ký cấp mã số vùng trồng.
Đến nay, tỉnh đã cấp 38 mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng, trong đó có 7 mã số vùng trồng xuất khẩu với tổng diện tích là 226,8 ha đã được nước nhập khẩu phê duyệt, còn lại là 31 mã số với tổng diện tích là 794,5 ha đang chờ nước nhập khẩu phê duyệt.
HTX cây ăn trái Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) đề xuất các cấp chính quyền địa phương cần vận động các hộ nông dân có mã số vùng trồng cũng như chưa có mã số vùng trồng tích cực tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã. Qua đó, nâng cao và chuẩn hóa kiến thức canh tác, cũng như tuân thủ tuyệt đối về sử dụng phân bón, thuốc phòng ngừa dịch hại.
Tuân thủ các giải pháp, hướng đến xuất khẩu
Dự kiến diện tích trồng sầu riêng trên địa bản tỉnh đến năm 2025 là 3.900 ha, sản lượng khoảng 36.750 tấn. Với nhịp độ tăng trưởng nóng về diện tích và sản lượng sầu riêng hiện nay cho thấy, bên cạnh việc cây sầu riêng đang mang về thu nhập cao cho nông dân thì cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong trường hợp thị trường tiêu thụ, xuất khẩu phát sinh biến động.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực tế hiện nay, ngành hàng sầu riêng cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng đang gặp nhiều vấn đề từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, xuất khẩu như: quá trình canh tác chịu ảnh hưởng của hạn hán, biến đổi khí hậu; chưa có nhiều nghiên cứu về giống phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu; tình hình sinh vật gây hại diễn biến phức tạp; liên kết sản xuất chưa bền vững, chưa hình thành được vùng nguyên liệu gắn với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; chưa bảo đảm độ chín của trái khi thu hoạch; còn tình trạng tranh mua tranh bán, hủy cọc, bẻ kèo; một số lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật, vi phạm về an toàn thực phẩm…
Để ngành hàng sầu riêng được phát triển bền vững sau nhiều nỗ lực mở cửa thị trường xuất khẩu, tạo uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới; bên cạnh việc tích cực triển khai thực hiện giải pháp, định hướng của các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của chính quyền địa phương, của các Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu thì các vùng trồng và cơ sở đóng gói trên cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng cần chung tay, chủ động, tích cực kiểm soát chặt chẽ các đối tượng sinh vật gây hại mà nước nhập khẩu quan tâm thực hiện giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm; khi thu hoạch trái phải bảo đảm đủ độ chín sinh lý, tuyệt đối không thu hái trái non; thực hiện nghiêm việc ghi chép nhật ký sản xuất, đóng gói và theo quy định của Nghị định thư để phục vụ yêu cầu truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.
Chủ động tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân tại vùng trồng và người lao động tại cơ sở đóng gói nắm được các quy định, yêu cầu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói của nước nhập khẩu. Liên kết các vùng trồng với cơ sở đóng gói; hình thành vùng nguyên liệu gắn với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sầu riêng; tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm đầu ra của sản phẩm và quyền lợi các bên tham gia.
Nhi Trần
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.