Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 25/10/2024
Ngày cập nhật:
29/10/2024
Đề tài “Xây dựng biện pháp tổng hợp để chẩn đoán, quản lý dưỡng chất và bệnh hại có nguồn gốc từ đất bằng phương pháp sinh học cho cây khóm Hậu Giang” đã đề ra nhiều giải pháp để loài cây đặc trưng này của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Đề tài điều tra, khảo sát thực tế hiện trạng canh tác khóm trên địa bàn thành phố Vị Thanh.
Cây khóm đang gặp vấn đề gì ?
Khóm Cầu Đúc là loại nông sản đặc trưng của Hậu Giang. Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.200ha đất trồng khóm, tập trung chủ yếu ở một số xã trên địa bàn thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Qua gần trăm năm bám rễ, loại cây này đã cho thấy hiệu quả kinh tế, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân địa phương. Tuy nhiên, quá trình canh tác khóm hiện còn đang gặp nhiều trở ngại.
Bà Trần Thị Thu Kiểu, ở ấp Mỹ Hiệp 2, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, nhớ lại: “Ngày xưa trồng khóm khỏe lắm, trồng một vụ là ăn được suốt mấy năm trời. Cây khóm phát triển tốt, bụi khóm cao mà cho trái to không à. Còn bây giờ thì cứ trồng ăn qua đợt là phải trồng lại, mà cây khóm cũng yếu ớt, phải bón thêm phân hoài. Tôi đoán là đất trồng riết nên hết dinh dưỡng rồi”.
Không chỉ có người nông dân, mà nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hạn chế trong canh tác khóm hiện nay là bón phân không cân đối và chưa có biện pháp phòng trừ dịch hại hiệu quả. Để vùng khóm phát triển bền vững, cần đánh giá tình trạng dinh dưỡng của cây khóm. Từ đó, tìm ra giải pháp hiệu quả để quản lý dưỡng chất và bệnh hại cho loại cây này.
Năm 2019, tỉnh đã triển khai thực hiện đề tài “Xây dựng biện pháp tổng hợp để chẩn đoán, quản lý dưỡng chất và bệnh hại có nguồn gốc từ đất bằng phương pháp sinh học cho cây khóm Hậu Giang”, là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, do PGS.TS Nguyễn Quốc Khương làm chủ nhiệm, Trường Đại học Cần Thơ là tổ chức chủ trì.
Qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, đề tài đã có nhiều giải pháp và kiến nghị hữu ích dành cho canh tác khóm trên vùng đất phèn của tỉnh.
Kỳ vọng mới cho vùng khóm
Triển khai đề tài, Ban Chủ nhiệm đã điều tra hiện trạng canh tác khóm của 60 nông hộ tại thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Khảo sát đặc điểm hình thái của phẫu diện đất phèn trồng khóm trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy người canh tác khóm tại địa phương chủ yếu bón phân hóa học nhưng tỷ lệ không cân đối. Các chế phẩm sinh học hay phân bón hữu cơ rất ít được sử dụng để cung cấp dưỡng chất cho cây. Ngoài ra, một số loại bệnh và sinh vật gây hại cũng làm ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng khóm.
Dựa trên hàm lượng dưỡng chất trong lá, đề tài đã xây dựng bộ dữ liệu về hệ thống chẩn đoán và khuyến cáo tích hợp cho cây khóm. Đề nghị công thức phân bón phù hợp bằng phương pháp quản lý dưỡng chất theo địa điểm chuyên biệt. Theo đó, thành lập công thức bón phân cụ thể cho khóm vụ tơ, khóm vụ gốc trên đất phèn ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ.
Đề tài còn xây dựng biện pháp cải thiện độ phì nhiêu đất, chất lượng đất và nâng cao năng suất khóm bằng biện pháp sinh học. Xây dựng chế phẩm vi sinh từ các dòng vi khuẩn “quang dưỡng không lưu huỳnh màu tía” và biện pháp bón chế phẩm này. Sử dụng các dòng nấm Trichoderma spp. để phân hủy dư thừa thực vật từ cây khóm và phòng trị bệnh hại khóm trên đất phèn. Từ đó đề xuất các quy trình phù hợp để người trồng khóm có thể ứng dụng hiệu quả.
Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ, nhận xét: “Đề tài có phương pháp nghiên cứu rất chỉn chu và có tính học thuật cao. Trong thời gian tới, ban chủ nhiệm đề tài cần tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài. Chuyển giao cho người nông dân ứng dụng hiệu quả để đáp ứng kỳ vọng của tỉnh trong canh tác khóm”.
ĐANG THƯ
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.