• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kiên trì sử dụng ong ký sinh phòng trừ sâu đầu đen

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 03/12/2024
Ngày cập nhật: 7/12/2024

Tỉnh Bến Tre hiện có vườn dừa lớn nhất cả nước, với hơn 80.000ha, phân bố nhiều nhất tại huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam. Trước tình trạng vườn dừa bị nhiễm sâu đầu đen (SĐĐ), ngành nông nghiệp đã hướng dẫn biện pháp phòng trừ đồng bộ giữa sử dụng thuốc hóa học và sinh học. Tuy nhiên, diện tích nhiễm bệnh vẫn còn lây lan, có nguy cơ diễn biến phức tạp trong thời gian tới nếu không có giải pháp hiệu quả hơn.

Vườn dừa nhiễm sâu đầu đen nặng làm chết cây ở xã Phú Hưng, TP. Bến Tre.

Nói về thực trạng tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường cho biết: Rất băn khoăn, lo ngại về tình hình SĐĐ đang ảnh hưởng nặng nề đến vườn dừa của huyện. Ngành nông nghiệp cần có sự đánh giá sát thêm. Thời gian qua, ngành có khuyến cáo phòng trừ bằng đồng bộ nhiều giải pháp. Về phía người dân cũng lo sợ vườn dừa bị sâu hại nên áp dụng các biện pháp. “Nhưng qua theo dõi đến nay thấy rằng, SĐĐ có thể kháng thuốc. Tình hình sâu bệnh chưa giảm nhiều và còn diễn biến đáng quan ngại. Do đó, cần có đánh giá sâu hơn các yếu tố bất lợi, để có giải pháp hiệu quả hơn. Việc nhập khẩu dừa từ các nước về địa bàn Mỏ Cày Nam cũng rất nhiều. Do đó, cần quan tâm kiểm soát chặt chẽ, an toàn dịch bệnh của dừa nhập khẩu vào địa bàn tỉnh…”, Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường cho biết.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho biết, diện tích dừa nhiễm SĐĐ từ đầu năm 2024 đến nay là 882ha; trong đó đã phục hồi 350ha, còn lại 532ha đang bị nhiễm bệnh. Tỷ lệ sâu nhiễm nhẹ 40%. Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương và hướng dẫn các biện pháp xử lý SĐĐ bằng các hình thức hóa học và sinh học. Tuy nhiên, một số địa phương áp dụng chưa đồng bộ theo đúng hướng dẫn nên hiệu quả chưa cao.

Thực trạng hiện nay là trên địa bàn tỉnh có bán rất nhiều loại thuốc phòng trừ SĐĐ. Ngành nông nghiệp không khuyến khích sử dụng phòng trừ bằng thuốc hóa học mà áp dụng đồng bộ giữa hóa học và sinh học. Ngành cũng đã khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc hóa học 1 lần. Nhưng đa phần, người dân vội vã sử dụng hóa học nhiều lần, dẫn đến việc kháng thuốc.

Theo đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo việc lạm dụng thuốc hóa học trừ sâu trong phòng trừ SĐĐ dẫn đến hệ quả không tốt. Cần lưu ý việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để trừ SĐĐ lần đầu khi can thiệp vào ổ dịch SĐĐ chỉ có ý nghĩa như là cách giảm mật số sâu nhanh lúc đầu, làm giảm nguy cơ gây thiệt hại cây dừa. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho giải pháp quản lý bằng sinh học (thả ong ký sinh) tiếp theo.

Về mặt cơ sở khoa học và thực tiễn phòng trừ SĐĐ tại những năm qua cho thấy, nhiều nơi chỉ sử dụng biện pháp phun thuốc hóa học từ 3 - 4 lần vẫn không hiệu quả và sâu đã gây hại nặng cho dừa. Nguyên nhân do hiệu lực việc sử dụng phương pháp phun thuốc đối với SĐĐ thường không cao (Trong thực nghiệm quy mô nhỏ của ngành nông nghiệp cho thấy hiệu lực có khả năng đạt khoảng 60 - 70%. Ngoài phun đại trà bằng máy, Drone… hiệu lực trừ sâu chỉ khoảng 50%), do SĐĐ (giai đoạn sâu non và nhộng) làm ổ rất kín đáo, vị trí trên cao, khó tiếp cận thuốc trực tiếp. Hiệu quả phòng trừ không cao cũng là nguy cơ kháng thuốc và tái diễn bùng phát dịch hại.

Việc lạm dụng và phun thuốc không đúng kỹ thuật trên dừa là nguyên nhân rất lớn gây tiêu diệt các ong ký sinh và các thiên địch có lợi khác trong tự nhiên. Vì phun trên vườn dừa có không gian rộng, vị trí trên cao nên thuốc trừ sâu có khả năng khuếch tán rất xa. Ngoài ra, còn tác hại đến môi trường, sức khỏe cộng đồng…

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh, đầu tháng 12-2024, ngành sẽ ra quân triển khai đồng loạt giải pháp phòng trừ SĐĐ trên địa bàn các huyện, thành phố. Ngành nông nghiệp đặc biệt lưu ý các địa phương cần xác định rõ việc thả ong ký sinh là giải pháp phòng trừ SĐĐ trọng tâm vì môi trường tự nhiên hiện nay bị thay đổi, các loài sinh vật có ích (thiên địch) có khả năng tấn công tiêu diệt sâu (chim sâu, kiến vàng, bọ ngựa, nhện…) còn rất ít trong tự nhiên. Cho nên, việc thả ong ký sinh là giải pháp quan trọng để cân bằng sinh thái. Thực tiễn trong sản xuất, nhiều nơi đã chứng minh muốn kết thúc ổ dịch thì cuối cùng hết là phải thả ong số lượng đủ lớn. Dùng ong ký sinh không gây hiện tượng kháng của sâu, rất ít xảy ra hiện tượng tái nhiễm sâu và bảo vệ tốt môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Các loài ong ký sinh là sản phẩm được nghiên cứu công phu về mặt khoa học và được chứng minh trong thực tiễn. Đây là côn trùng thiên địch SĐĐ có cơ chế tiếp cận và tấn công sâu rất rõ. Ví dụ, ong ký sinh trên sâu non có râu đầu rất nhạy cảm, nó sẽ cảm nhận được vị trí của con SĐĐ trong lá, sau đó dùng ống đẻ trứng chích xuyên qua tổ vào bên trong cơ thể sâu để đẻ trứng, ống đẻ trứng của ong ký sinh nó có thể kéo dài tùy vị trí của sâu hại.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang