Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 08/12/2024
Ngày cập nhật:
11/12/2024
Gần đây, trái dừa tươi Tiền Giang được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Lô hàng dừa tươi đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vào chiều ngày 24/10/2024 vừa qua do Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Công ty Cổ phần FADO iExport với quy mô 03 container và số lượng gần 70 tấn dừa tươi bằng đường sắt liên vận quốc tế trong niềm vui của các cấp, các ngành và người trồng dừa tại địa phương.
Theo ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang, đây là sự kiện quan trọng đối với địa phương trong nỗ lực xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng trái cây chủ lực chính ngạch đi thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Từ trồng dừa hữu cơ đến xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang Trung Quốc đang mở ra cơ hội mới cho ngành dừa địa phương phát triển bền vững, tiếp tục có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang.
Ông Phạm Tấn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần FADO iExport, đơn vị liên kết với Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát (huyện Chợ Gạo) tổ chức xuất khẩu lô dừa tươi đầu tiên sang Trung Quốc cho biết, triển khai Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đến nay, Việt Nam đã có 15 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, trong đó có mặt hàng dừa tươi mới được Trung Quốc chấp thuận cho nhập khẩu chính ngạch từ Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của đối tác Trung Quốc, Công ty Cổ phần FADO iExport phối hợp cùng Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát xuất khẩu dừa tươi. Mặt khác, doanh nghiệp còn liên kết Công ty Cổ phần Proship xây dựng giải pháp vận chuyển dừa tươi bằng container lạnh tự hành thế hệ mới, ổn định nhiệt độ và độ ẩm trong suốt hành trình, đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
Quả dừa được bảo quản lạnh ổn định 2 - 3 độ C, độ ẩm 30%, thông gió: 25CBM/H trong suốt quá trình vận chuyển. Giải pháp này đảm bảo chất lượng trái dừa tươi khi sang đến Trung Quốc không bị suy giảm, giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc.
Hơn thế, ưu điểm của phương thức vận chuyển đường sắt có thủ tục thông quan xuất nhập khẩu nhanh chóng, không bị ùn ứ tại cửa khẩu, chi phí vận chuyển có lợi thế cạnh tranh hơn đường bộ.
Tỉnh Tiền Giang có khoảng 20.500 ha dừa tập trung tại các huyện, thành phố phía Đông tỉnh với sản lượng mỗi năm khoảng 234.000 tấn quả. Là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, ngành dừa cho sản phẩm phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu, mang lại nhiều ngoại tệ, góp phần xây dựng quê hương Tiền Giang.
Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều cơ chế ưu đãi, cách làm mới giúp thúc đẩy hoạt động trồng và chế biến dừa trên địa bàn tỉnh; cụ thể là khuyến khích nông dân trồng dừa theo hướng GAP, trồng dừa hướng hữu cơ, trồng dừa trong các mô hình thích ứng biến đổi khí hậu. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục hỗ trợ về chính sách, nhân rộng các mô hình hay, mang lại giá trị kinh tế lớn thúc đẩy ngành công nghiệp dừa tại địa phương phát triển mạnh mẽ, giúp nông dân tăng thu nhập và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp vào mục tiêu đưa cây dừa Việt Nam thành cây xuất khẩu tỷ đô trong tương lai.
Huyện Chợ Gạo là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về phát triển các vùng chuyên canh dừa, tạo giá trị nông sản hàng hóa cao, giải quyết việc làm và thu nhập cho nông dân, góp phần giảm nghèo nông thôn.
Toàn huyện Chợ Gạo có gần 7.700 ha dừa, tăng hơn 890 ha so với năm trước. Trong đó, diện tích dừa đang cho trái trên 6.500 ha. Thời gian qua, việc ứng dụng khoa học - công nghệ nâng cao chất lượng vùng chuyên canh dừa tại địa phương đã đạt kết quả tốt.
Với việc khuyến khích ứng dụng khoa học - công nghệ vào thâm canh đã giúp tăng năng suất dừa tại địa phương lên 24 tấn/ha/năm. Huyện có 10 ha dừa sản xuất theo tiêu chí GlobalGAP, 20 ha sản xuất theo tiêu chí GlobalGAP.
Nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh cây dừa trong nền nông nghiệp hàng hóa, Đảng bộ huyện Chợ Gạo ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 01/12/2021 về lãnh đạo phát triển vùng sản xuất chuyên canh dừa đến năm 2025 và các năm tới theo quy mô tập trung, hình thành vùng chuyên canh; chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và thu nhập cho nông dân, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, nâng cao chuỗi giá trị để ngành dừa phát triển bền vững.
Theo ông Cao Tấn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo, trọng tâm là chuyển đổi tư duy và tập quán canh tác truyền thống sang trồng dừa hữu cơ xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 4.000 ha dừa sản xuất hữu cơ.
Huyện Chợ Gạo đã thành lập Ban Quản lý Đề án phát triển cây dừa đến năm 2025. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp: quy hoạch vùng trồng, chuyển giao kỹ thuật, tổ chức sản xuất gắn liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị... Tiến tới, xây dựng mã vùng trồng, nhãn hiệu hàng hóa cho trái dừa hữu cơ Chợ Gạo... Đồng thời, phối hợp cùng Công ty Cổ phần công nghiệp thực phẩm THABICO có trụ sở tại xã Bình Ninh triển khai hướng dẫn nông dân quy trình trồng và chứng nhận dừa hữu cơ tại 03 xã trọng điểm: Hòa Định, Xuân Đông, Bình Ninh trên diện tích 300 ha.
Công ty Cổ phần Công nghiệp thực phẩm THABICO Tiền Giang còn đầu tư nhà máy chế biến trái cây và các sản phẩm từ trái dừa tại xã Bình Ninh, công suất chế biến 300.000 trái dừa/ngày đêm, sẵn sàng bao tiêu dừa hữu cơ cho nông dân.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo phối hợp cùng các địa phương mỗi năm tổ chức hàng trăm cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ cho nông dân vùng chuyên canh về các nội dung như: lợi ích, yêu cầu và quy trình trồng dừa hữu cơ; hướng dẫn bà con phải sử dụng phân và thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục được phép, ghi chép nhật ký canh tác, không sử dụng các chất bị cấm và đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch...
Xã Bình Ninh có tổng diện tích dừa trên 850 ha, là một trong những xã trọng điểm về chuyên canh dừa tại huyện Chợ Gạo. Thích hợp với thổ nhưỡng, dễ trồng, chăm sóc, chi phí thấp là những ưu điểm của cây dừa trên vùng đất Bình Ninh. Chưa kể đến thuận lợi lớn là trên địa bàn xã có doanh nghiệp chuyên chế biến dừa xuất khẩu (THABICO) và mạng lưới 16 cơ sở thu mua, sơ chế sản phẩm từ trái dừa góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm của nông dân. Để phát huy tiềm năng kinh tế lớn này, xã quy hoạch vùng trồng, đầu tư chuyển giao khoa học - kỹ thuật thâm canh cho nông dân, định hướng sản xuất theo quy trình GAP hoặc hữu cơ gắn kết doanh nghiệp THABICO thu mua, chế biến, tiêu thụ. Xã Bình Ninh phấn đấu đến năm 2025, mở rộng diện tích dừa lên trên 900 ha, trong đó có khoảng 500 ha dừa hữu cơ.
Mộng Tuyết
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.