• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bạc Liêu: Nỗ lực cho chỉ tiêu xuất khẩu tôm

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 12/08/2024
Ngày cập nhật: 15/8/2024

Một trong những chỉ tiêu quan trọng về kinh tế được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu khóa (XVI) đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh phải đạt 1,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm phải đạt 1,3 tỷ USD. Trong điều kiện xuất khẩu thủy sản phải đương đầu với nhiều khó khăn và cạnh tranh về giá, chất lượng với các quốc gia có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, đây rõ ràng là chỉ tiêu khá nặng nề.

THAY ĐỔI ĐỂ CẠNH TRANH

Là thế mạnh kinh tế hàng đầu của Bạc Liêu, tính đến nay, toàn tỉnh có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với tổng công suất thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực này cũng chiếm trên 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Thời gian qua, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Công thương và sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các cấp, các ngành, cùng sự nỗ lực, năng động của cộng đồng các doanh nghiệp, xuất khẩu thủy sản luôn giữ vững được tăng trưởng. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 776,15 triệu USD (trong đó tôm đông là 755,49 triệu USD); năm 2022 đạt 853,16 triệu USD (trong đó tôm đông là 830,31 triệu USD); năm 2023 đạt 1 tỷ USD (trong đó tôm đông là 973,66 triệu USD) và 7 tháng của năm 2024 đạt 561,27 triệu USD (trong đó tôm đông ước đạt 534,64 triệu USD).

Đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng này, TX. Giá Rai được xem là địa phương dẫn đầu cả tỉnh khi các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đều nằm trên địa bàn. Với 90 công ty, doanh nghiệp thu mua, phân cỡ, sơ chế, chế biến, xuất khẩu hàng thủy sản, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và liên quan đến ngành thủy sản, trong đó có 24 công ty, doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn/năm, chế biến thủy sản xuất khẩu được xem là ngành kinh tế mũi nhọn chủ lực, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nền kinh tế của TX. Giá Rai.

Một công đoạn chế biến thủy sản xuất khẩu.

Thời gian qua, tình hình hoạt động của các công ty, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản trên địa bàn thị xã đã từng bước ổn định và phát triển. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của thị xã đã năng động vượt khó thông qua việc tổ chức lại sản xuất, đầu tư công nghệ sản xuất mới để nâng cao khả năng cạnh tranh; đẩy mạnh xây dựng liên kết chuỗi sản xuất với nông dân nhằm tạo vùng nguyên liệu sản xuất ổn định phù hợp với từng vùng sản xuất.

Nếu như những năm trước đây, phần lớn các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu chỉ tập trung xuất tôm đông và chủ yếu là xuất thô với giá trị không cao, thì hiện nay một số doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến việc chế biến các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Có thể kể đến một số sản phẩm chủ yếu như: PTO (lột vỏ còn đuôi), PD (lột vỏ rút tim), tôm hấp đông lạnh, tôm tươi đông Block IQF; tôm luộc đông IQF; tôm Nobashi, Sushi; tôm hấp, trụng đông IQF; tôm tẩm bột đông lạnh; Semi IQF, IQF Block; tôm tẩm bột sơ chiên đông lạnh… Đây cũng được xem là một trong những giải pháp giúp tăng khả năng cạnh tranh với các nước có nền công nghiệp nuôi tôm lớn. Đồng thời, hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí nguồn nguyên liệu và hướng đến thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu bằng việc đa dạng các mặt hàng chế biến sâu, chế biến giá trị gia tăng cao để thâm nhập ngày càng sâu, rộng hơn vào các thị trường xuất khẩu lớn, thị trường mới và khó tính… bên cạnh các thị trường truyền thống.

VẪN CÒN NHIỀU CƠ HỘI CHO CON TÔM

Xuất khẩu thủy sản tuy không ngừng tăng trưởng, nhưng bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn không ít khó khăn làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của tỉnh như: Hậu quả của dịch bệnh COVID-19, xung đột ở các khu vực trên thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế thế giới; giá cả nguyên vật liệu đầu vào, chi phí logistics đều tăng cao; các vấn đề pháp lý liên quan đến bảo hộ thương mại…

Cùng với đó, nguồn tôm nguyên liệu đáp ứng yêu cầu và chất lượng phục vụ cho chế biến xuất khẩu có những thời điểm còn khó khăn, chưa bền vững, do thời tiết bất thường, chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định. Doanh nghiệp trên địa bàn đa số có quy mô vừa và nhỏ, năng lực kinh doanh còn hạn chế, thiếu kiến thức về thị trường thế giới và luật pháp quốc tế; chưa đủ khả năng nhận biết và tránh né các rào cản kỹ thuật, lúng túng trong việc tìm biện pháp xử lý, tháo gỡ, e dè trong việc tiếp cận thị trường mới…

Vì vậy, đối mặt với những khó khăn, đã có một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản thiếu vốn sản xuất, giảm quy mô hoạt động, chuyển thành xưởng sơ chế, tạm ngưng chế biến hoặc cho thuê xưởng chế biến. Một số doanh nghiệp xuất khẩu chỉ dám hoàn thành các đơn hàng đã ký kết trước đó, chưa mạnh dạn đầu tư và tăng công suất chế biến, hoặc chưa cải tiến công nghệ để chế biến sâu, mở rộng hay phát triển thêm các thị trường mới, nên phần nào ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu tôm. Thực trạng này được dự báo sẽ tác động không nhỏ vào việc hoàn thành chỉ tiêu 1,3 tỷ USD cho xuất khẩu con tôm của cả tỉnh vào năm 2025.

Song, cùng với những khó khăn, thách thức trên, thì cơ hội cho xuất khẩu tôm Việt Nam nói chung và của Bạc Liêu nói riêng vẫn còn rất lớn. Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): “Trong thời gian tới, doanh nghiệp muốn xuất khẩu tôm vào thị trường EU thì phải tăng cường các thế mạnh như: sản phẩm hữu cơ, bền vững, giá trị gia tăng, có biện pháp bán hàng và thanh toán phù hợp. Cũng như, tận dụng triệt để các lợi thế từ Hiệp định EVFTA để nâng sức cạnh tranh”.

Có một điều đáng mừng là TX. Giá Rai có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm trực tiếp sang Trung Quốc - thị trường chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam. Theo khuyến nghị của VASEP, các doanh nghiệp cần phải linh động với hình thức xuất khẩu, lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp; cập nhật các chính sách nhập khẩu của quốc gia này để tận dụng tốt những cơ hội đang có nhằm đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường lớn. Về phía địa phương, bên cạnh việc sắp xếp, chấn chỉnh lại hệ thống nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn, cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng thêm các kho chứa hàng có quy mô lớn và kỹ thuật bảo quản hiện đại. Có như vậy thì các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản mới có thể thâm nhập ngày càng sâu, rộng hơn vào các thị trường nhập khẩu lớn, thị trường khó tính yêu cầu hàng hóa chất lượng cao… góp phần hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Giám đốc Sở Công thương - Trần Thanh Mến: Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất:

Để phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,158 tỷ USD vào năm 2024, tăng 15% so với cùng kỳ (trong đó tôm đông là 1,130 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ) và hướng đến kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2025, Sở Công Thương sẽ tập trung cung cấp thông tin kịp thời về tình hình xuất khẩu để doanh nghiệp yên tâm và chủ động trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến xuất khẩu các mặt hàng mới, các dòng sản phẩm chế biến sâu vào các thị trường mới, nhằm đa dạng hóa mặt hàng. Đồng thời đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường và tuân thủ các quy định tại các thị trường xuất khẩu. Tăng cường tham dự các chương trình hội thảo, diễn đàn, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế do các địa phương, cơ quan Trung ương tổ chức để tăng cường kết nối trực tiếp. Cũng như, tiếp tục duy trì tốt các thị trường truyền thống như: Nhật, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và đặc biệt là duy trì tốt thị phần tại những thị trường cạnh tranh cao như Mỹ và các nước châu Âu.

Cùng với đó, ngành cũng sẽ chủ động phối hợp với các ngành, các cấp tiếp tục tham mưu, đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đảm bảo đủ nguồn điện phục vụ cho sản xuất - kinh doanh, nhất là sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Đặc biệt, sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Song song đó, tăng cường công tác quản lý thị trường; xử lý kịp thời các hành vi mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại, ảnh hưởng đến sản xuất và chất lượng nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Kiên quyết ngăn chặn triệt để hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, các hành vi vi phạm về giá trong thu mua nguyên liệu và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

Giám đốc Sở NN&PTNT - Lưu Hoàng Ly: Tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi trồng thủy sản theo “chuỗi giá trị ngành tôm”:

Để góp phần hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2025, ngành NN&PTNT đã, đang và sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu mà trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao (CNC), quản trị hiện đại, liên kết theo chuỗi giá trị.

Cùng với đó là tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo hướng tập trung, sản xuất theo “chuỗi giá trị ngành tôm”. Phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu với vai trò là hạt nhân và nòng cốt có vai trò dẫn dắt đối với ngành tôm của tỉnh, là hạt nhân tác động, dẫn dắt và nhân rộng các mô hình nuôi tôm CNC. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng CNC, thâm canh, bán thâm canh để gia tăng sản lượng và chất lượng phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Phát triển bền vững mô hình nuôi tôm sạch tại các vùng sinh thái đặc trưng: Mô hình tôm - rừng ở vùng phía Nam QL1A; mô hình tôm - lúa, tôm càng xanh xen lúa ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A nhằm giữ lợi thế cạnh tranh về sản phẩm tôm sạch trên thị trường thế giới.

Ứng dụng công nghệ thông tin, phương pháp quản trị tiên tiến trên thế giới vào quản lý; áp dụng công nghệ tin học, viễn thám để quản lý môi trường, dịch bệnh và các khâu trong chuỗi sản xuất ở các vùng nuôi. Xây dựng thành công nhãn hiệu “Tôm sạch Bạc Liêu”, bảo vệ thương hiệu và nâng cao giá trị thương hiệu được chứng nhận bao gồm cả số lượng và chất lượng. Đặc biệt, tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển ngành Chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2030, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến sản phẩm ăn liền để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm tôm. Đẩy mạnh việc thực hiện liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp để giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị, tạo nguồn nguyên liệu ổn định…

KIM TRUNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang