• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Doanh nghiệp chế biến thủy sản lao đao về thuế

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, 02/10/2024
Ngày cập nhật: 6/10/2024

Doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác minh, bổ sung giấy tờ để được hoàn thuế về số lượng nguyên liệu đã thu mua của ngư dân từ năm 2016-2017.

Các DN thủy sản đang gặp khó trong việc xác minh giấy tờ tàu cá để hoàn thành các thủ tục về thuế VAT, thu nhập DN. Trong ảnh: Nhân viên Baseafood 1 (TP.Bà Rịa) thu mua hải sản từ ngư dân.

Khó kham nổi khoản truy thu và phạt

Theo Hội Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian gần đây, Cục Thuế tỉnh tổ chức việc thanh, kiểm tra thuế từ năm 2016-2017 tại hầu hết các DN chế biến thủy sản xuất khẩu trên trên địa bàn tỉnh.

Quá trình thanh, kiểm tra Cục Thuế phát hiện các DN chế biến thủy sản kê khai thu mua nguyên liệu từ một số tàu thuyền đánh bắt hải sản chưa có giấy phép khai thác. Do đó, Cục thuế đã loại tất cả chi phí thu mua nguyên liệu từ những tàu thuyền này ra khỏi danh mục được hoàn thuế, đồng thời truy thu thuế thu nhập DN 20% trên toàn bộ chi phí nguyên liệu này.

Bên cạnh đó, Cục Thuế cũng phạt DN chậm nộp thuế (tính từ năm 2016 đến nay) tương đương 20%, tổng cộng 2 khoản gần 40% chi phí nguyên liệu. Đây là một số tiền rất lớn, có nguy cơ đẩy các DN rơi vào tình trạng đóng cửa, ngưng hoạt động.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Baseafood cho biết, công ty bị thanh, kiểm tra thuế trong 2 năm 2016 và 2017. Do ngư dân không có hóa đơn nên khi mua nguyên liệu từ tàu cá, DN đã thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư 96/2015/TT-BTC lập bản kê 01/TNDN với đầy đủ các mục khai báo về họ tên, địa chỉ, CMND người bán, số lượng mua…

“Bản kê chỉ yêu cầu số CMND mà không yêu cầu phải có các loại giấy tờ khác của tàu cá như giấy phép khai thác, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, đăng kiểm… nên thời điểm đó, chúng tôi không đề nghị chủ tàu cá cung cấp. Nay Cục Thuế yêu cầu bổ sung các loại giấy tờ này là vô cùng khó khăn”, ông Dũng nói.

Một thống kê cho thấy, từ thời điểm 2016 đến nay, số lượng tàu cá của tỉnh đã giảm hơn 1.900 tàu (hiện còn 4.345 tàu), với các lý do: tàu đã bán, giải bản, mất tích, chìm, cháy,… Nhiều ghe tàu đã không còn hoạt động, chủ ghe đã chuyển nghề, chuyển đi nơi khác sinh sống.

Do đó, với hơn 30% số nguyên liệu mà Baseafood mua của ngư dân trong 2 năm 2016, 2017 không tìm được chủ tàu để xác minh, bổ sung các loại giấy tờ. Chính vì thế, Baseafood sẽ bị truy thu thuế thu nhập DN và phạt đóng thuế chậm, tổng cộng gần 40% giá trị nguyên liệu, tức khoảng 20 tỷ đồng. Đó là chưa tính các năm từ 2018 đến nay.

“Đây là một số tiền rất lớn trong tình hình khó khăn hiện nay, DN không thể nào đảm đương nổi, sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản”, ông Dũng khẳng định.

Hội Thủy sản lên tiếng

Ông Nguyễn Thành Lộc, Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 37 DN chế biến thủy sản đang gặp khó khăn trong việc bổ sung thủ tục, giấy tờ hợp lệ về nguyên liệu đã thu mua từ các tàu cá, giai đoạn 2016 đến nay.

Do yêu cầu xuất khẩu, các DN mua nguyên liệu từ tàu cá khắp nơi trong cả nước. Nhiều DN phải đi cả ngàn km chỉ để xác minh một lô nguyên liệu, rất tốn kém chi phí và thời gian.

Hội Thủy sản đã gửi kiến nghị đến lãnh đạo Cục Thuế tỉnh và Tổng cục Thuế xem xét, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN. Hội Thủy sản kiến nghị thời gian xác minh giấy tờ tàu thuyền đánh bắt hải sản nên bắt đầu từ năm 2023 thay vì từ năm 2016-2017, vì từ đó đến nay đã có rất nhiều thay đổi về cả bối cảnh hoạt động kinh tế - xã hội và cả các chính sách pháp luật của Nhà nước.

Ngoài ra, Hội Thủy sản đề xuất sửa đổi điểm 2.4, Khoản 2, Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính theo hướng để cho các nậu, vựa được bán hải sản trực tiếp cho DN chế biến thay vì ngư dân. Vì thực tế, số lượng nguyên liệu mà DN thủy sản thu mua để phục vụ nhu cầu xuất khẩu là rất lớn với chất lượng và kích cỡ từng chủng loại khác nhau. Do đó, DN không thể trực tiếp thu mua của từng ngư dân trong cả nước mà phải thông qua một bộ phận trung gian là chủ vựa, thương lái phân loại và vận chuyển đến DN chế biến xuất khẩu.

Hội Thủy sản cũng kiến nghị ngành thuế cho doanh nghiệp chế biến thủy sản kê khai thu hộ cho nậu, vựa hoặc ngư dân khi DN chế biến lập bảng kê 01/TNDN. DN chế biến thủy sản sẽ nộp thuế thay cho các nậu, vựa và ngư dân đã bán nguyên liệu cho DN dưới hình thức thu thuế khoán cá nhân kinh doanh đối với ngành thủy sản để không thất thoát thuế của Nhà nước.

Bài, ảnh: NGỌC MINH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang