• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông dân Đồng Tháp học làm phân hữu cơ theo kinh nghiệm Nhật Bản

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Đồng Tháp, 13/07/2024
Ngày cập nhật: 15/7/2024

Sáng thứ Bảy (ngày 13/7), không gian Tâm Quê hội quán (xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp) trở nên rộn ràng hơn khi nơi đây có hơn 20 nông dân là thành viên các tổ hợp tác, hội quán và nhiều cán bộ chuyên môn ngành nông nghiệp cùng tham dự lớp Tập huấn Kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ truyền thống theo kinh nghiệm Nhật Bản.

Ông Phạm Hữu Lợi - phụ trách Trường cấp ba nông nghiệp tỉnh Nam Định và ông Cao Quang Ninh - chuyên viên Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định và một số giáo viên của Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng hướng dẫn cho nông dân, cán bộ nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Trong buổi khai giảng đầu tiên có sự tham dự của ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với trách nhiệm và tâm huyết vì sự phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan luôn động viên, khích lệ nông dân đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và đặc biệt là sản xuất sạch, an toàn, “tử tế”, để vừa tạo ra nông sản chất lượng, giá trị cao, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và cả chính người làm ra sản phẩm.

Việc ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng, cách làm này tuy không mới đối với nông dân. Mặc dù vậy, kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ truyền thống theo kinh nghiệm từ Nhật Bản vẫn có những cái mới nên nông dân cần nghiêm túc học hỏi, đối chiếu với cách làm hiện tại của mình để rút ra câu trả lời vì sao nông nghiệp Nhật Bản phát triển, giá trị nông sản Nhật luôn ở mức cao – Bộ trưởng đề nghị.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong khóa tập huấn lần này, nông dân không chỉ học về kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ mà còn là học hỏi tinh thần làm việc tỉ mẫn, sự sáng tạo, chăm chỉ của người Nhật. Bộ trưởng mong muốn, từ điểm tập huấn tại Tâm Quê hội quán này sẽ lan tỏa, nhân rộng đến các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Mọi sự thay đổi đều khó khăn nhưng nếu không thay đổi thì càng khó khăn hơn nữa – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, làm nông nghiệp hữu cơ là “cuộc cách mạng về nông nghiệp”, ngành nông nghiệp Đồng Tháp phải xem đây là một trong những nhiệm vụ chính của mình.

Lớp tập huấn diễn ra từ ngày 13/7 đến 21/7, địa điểm học chủ yếu tại Tâm Quê hội quán. Ngay sau phần khai giảng, các học viên là nông dân, cán bộ nông nghiệp được hướng dẫn lý thuyết và trực tiếp thực hành công thức ủ phân hữu cơ, thực hành đảo phân đã làm.

Theo đó, các chuyên gia hướng dẫn về làm phân ủ theo phương pháp hiếu khí của tỉnh Miyazaki (Nhật Bản). Phân ủ có hiệu quả cải tạo và bồi bổ đất trồng rau, cây ăn trái, trồng lúa. Đây là kỹ thuật mà các chuyên gia nông nghiệp tỉnh Miyazaki đã hướng dẫn cho tỉnh Nam Định trong 03 năm: 2016 đến 2018.

Nguyên liệu gồm có: Rơm (băm nhỏ), cám, phân gà, phân bò. Quy trình ủ phân: Ủ phân chín, kiểm nghiệm phân và làm ruộng đối chứng. Trước tiên, cân khối lượng riêng từng nguyên liệu; dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ phân ủ để theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của các vi sinh vật có lợi cho quá trình làm phân ủ; ghi chép nhật ký quá trình làm.

Đảo phân 01 tuần/ một lần nhằm làm đống ủ thoáng khí, giúp vi sinh vật có lợi dễ lấy oxy để hoạt động, sinh nôi nảy nở tốt hơn; đồng thời, cân khối lượng riêng phân ủ trước khi đảo phân.

Cách đơn giản để nhận biết phân chính là thông qua mùi (không mùi hoặc có mùi đất), màu sắc (sẫm màu hoặc màu đen), độ tơi xốp (nắm phân bằng tay thấy tơi xốp và không dính bết) v.v..

Thực hành trộn các nguyên liệu để ủ phân

Thời gian phân ủ chín khoảng 03 tháng. Bón phân ủ theo hình thức bón lót, bón khoảng 02 kg/m2 (đối với rau, lúa v.v.). Sau bón phân khoảng 01 – 02 tuần là có thể gieo trồng.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ được tập huấn hôm nay rất phù hợp và thuận lợi cho quy mô nông hộ, tổ chức cộng đồng để tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để chủ động nguồn phân bón để bón cho cây trồng. Đây còn là mô hình về kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái theo định hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp.

Đồng Tháp có nguồn phụ phẩm nông nghiệp lớn, do đó, ông Nguyễn Văn Vũ Minh cho rằng, kỹ thuật ủ phân hữu cơ theo kinh nghiệm Nhật Bản là giải pháp tích cực, phù hợp để lan tỏa trong cộng đồng. Mỗi người dân có thể tự ủ phân hữu cơ, tạo ra nguồn phân bón để tiết kiệm chi phí. Sắp tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, giúp nông dân tiếp cận phương thức mới, từ đó, chuẩn bị nền tảng cho nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại.

Nguyệt Ánh

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang