Nguồn tin: Báo Khánh Hoà, 26/12/2024
Ngày cập nhật:
31/12/2024
Với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhất là các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, huyện Khánh Sơn đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản để nâng cao giá trị các loại trái cây đặc trưng của huyện như: Sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mít…
Thế mạnh phát triển
Trong khoảng 20 năm qua, huyện đã tìm tòi, phát triển được nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nông nghiệp đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện khi chiếm đến hơn 70% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Trong đó, phát triển cây ăn quả đã tạo bước đột phá, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, toàn huyện có 3.640ha cây ăn quả, sản lượng năm 2024 đạt 22.219 tấn. Trong đó, sầu riêng chiếm đến 71% diện tích cây ăn quả, với 2.600ha; diện tích đang cho thu hoạch 1.700ha, sản lượng năm 2024 đạt hơn 17.000 tấn. Nhiều nhà vườn trên địa bàn đã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP) với hơn 350ha; có 15 mã số vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với tổng diện tích 430ha.
Sầu riêng là loại nông sản đặc trưng mang lại giá trị cao của huyện Khánh Sơn.
Theo lãnh đạo UBND huyện, địa phương đang tập trung thực hiện Đề án chuyển đổi, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng: Chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, phù hợp yêu cầu của thị trường; chuyển từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang chuỗi liên kết giá trị ngành hàng. Cùng với đó, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp chú trọng tăng sản lượng sang nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững; chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ một giá trị sang tích hợp nhiều giá trị; chuyển từ hỗ trợ đầu vào sang vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra…
Mời gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến
Để phát huy lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nhất là tạo đầu ra, nâng cao giá trị cho nông sản địa phương, thời gian qua, huyện đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đầu tư chế biến sâu các sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện. Tiên phong trong lĩnh vực này là Công ty TNHH Nông nghiệp Thành Hưng (xã Ba Cụm Bắc). “Thời gian qua, công ty đã mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ để đưa vào chế biến sâu nhiều sản phẩm nông nghiệp, với mong muốn góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị nông sản đặc trưng của huyện, nâng cao giá trị trái sầu riêng Khánh Sơn, xây dựng chuỗi giá trị bền vững, tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho người dân trong vùng”, bà Lê Thị Vinh Hằng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Thành Hưng chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ vùng trồng nguyên liệu trái cây đạt tiêu chuẩn VietGAP, Công ty TNHH Nông nghiệp Thành Hưng đã đưa vào chế biến các sản phẩm như: Sầu riêng sấy, sầu riêng cấp đông, kem sầu riêng, sữa chua sầu riêng... Công ty đã đầu tư hệ thống kho lạnh để từng trái sầu riêng thơm ngon sau khi thu hoạch được đưa vào làm lạnh sâu ở nhiệt độ âm 48 độ C sẽ giữ lại trọn vẹn hương vị đặc trưng của sầu riêng Khánh Sơn, cung cấp cho người dùng quanh năm. Công ty TNHH Nông nghiệp Thành Hưng còn là doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng công nghệ sấy thăng hoa - công nghệ được đánh giá hiện đại, tiên tiến nhất hiện nay, giúp cho những múi sầu riêng chín giữ nguyên được giá trị dinh dưỡng, màu vàng tươi tự nhiên cùng hương vị thơm ngon, béo ngậy đặc trưng.
Ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: Việc phát triển đa dạng các sản phẩm trên nền tảng các loại trái cây, nhất là sầu riêng tươi phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sẽ góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cho sầu riêng Khánh Sơn, nâng cao thu nhập cho người trồng sầu riêng; giúp gia tăng giá trị sản xuất bình quân/ha đất canh tác của huyện đến nay đạt 100 triệu đồng/ha. Huyện khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị, vừa sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đa dạng các sản phẩm OCOP, vừa tích hợp phát triển nông nghiệp với du lịch, liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Tuy có lợi thế về phát triển nông nghiệp nhưng địa phương chưa có nhiều cơ sở chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Vì vậy, địa phương kiến nghị tỉnh hỗ trợ thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Khánh Sơn đầu tư nhà máy chế biến sầu riêng và các loại nông sản khác; địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông sản, trong đó có Dự án Nhà máy bảo quản nông sản sau sản xuất tại xã Sơn Bình.
HẢI LĂNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.