• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xuất khẩu nông sản tăng: Nông dân được lợi

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang, ngày 07/10/2024
Ngày cập nhật: 11/10/2024

Mặc dù tình hình kinh tế còn khó khăn, nhưng xuất khẩu nông sản trong 9 tháng đầu năm 2024 được xem là điểm sáng khi mang về hơn 46 tỉ USD, tăng 21%. Xuất khẩu tăng đã kéo nhiều mặt hàng như lúa gạo, trái cây, thủy sản… được giá và dễ tiêu thụ.

Chế biến cá tra xuất khẩu ở nhà máy thủy sản Ấn Độ Dương (Khu công nghiệp Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ). Ảnh: H.TÂN

Nông dân một năm “được mùa, được giá”

Hơn 8 năm trồng sầu riêng nhưng chưa bao giờ ông Trần Văn Chiến, ở xã Trường Long, huyện Phong Điền (thành phố Cần Thơ) thắng lớn như năm nay. Ông kể, sau khi theo dõi diễn biến nhu cầu thị trường trái sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc nên vụ mùa năm 2024 ông chủ động xử lý vườn sầu riêng rộng hơn 2ha cho trái sớm (nghịch vụ). Để làm sầu riêng nghịch vụ thành công, ông Chiến đã tham gia nhiều lớp tập huấn của ngành nông nghiệp, dự các hội thảo chuyên đề và lặn lội nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm; từ đó chọn ra phương pháp áp dụng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Theo đó, vườn sầu riêng của ông Chiến được chăm sóc chu đáo và liên kết đầu ra với các doanh nghiệp. Ngay thời điểm tháng 3-2024, khi tình hình xuất khẩu sầu riêng hút hàng, cũng là lúc ông Chiến cho thu hoạch được hơn 38 tấn, bán giá 131.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi gần 4 tỉ đồng, mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.

Bà Bùi Thị Châm, Giám đốc Hợp tác xã vườn cây ăn trái Trường Thọ 2A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, nhìn nhận: “Chính từ việc xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh đã góp phần quan trọng đẩy giá sầu riêng trái tại vườn lên cao kỷ lục; nhờ đó nên hầu hết bà con trồng sầu riêng năm nay trúng đậm, nhất là những hộ xử lý nghịch vụ cho trái sớm đã thu lợi nhuận lớn”.

Tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ… nhiều nông dân bắt đầu thu hoạch lúa Thu đông trong niềm vui được mùa, được giá. Ông Lâm Văn Thắm, ở xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, cho hay: “Với giá lúa Thu đông dao động từ 7.300-7.600 đồng/kg, bà con “bỏ túi’ khoảng 30 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí. Mức lợi nhuận của vụ Thu đông như thế này là quá êm”.

Theo ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, năm 2024 là năm mà nông dân làm lúa bán được giá cả 3 vụ (Đông xuân, Hè thu và Thu đông), nhờ vào thị trường xuất khẩu thuận lợi, giá cao. Cộng với việc tăng cường liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp xuất khẩu từ sản xuất các loại giống lúa chất lượng cao, đến thu hoạch đúng thời điểm cần xuất khẩu và đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ của các nước; từ đó giá trị xuất khẩu gạo mang lại được nâng cao.

Do giá lúa từ đầu năm đến nay luôn được thu mua ở mức cao nông dân tỉnh Hậu Giang phấn khởi nên ở vụ lúa Thu đông này bà con trong tỉnh đã xuống giống vượt kế hoạch đề ra. Theo Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, vụ lúa Thu đông năm nay tỉnh Hậu Giang có kế hoạch xuống giống 24.500ha, tuy nhiên đến thời điểm này nông dân trong tỉnh đã gieo sạ hơn 27.700ha. Diện tích lúa Thu đông tập trung nhiều ở các huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp. Các trà lúa từ giai đoạn mà đến thu hoạch.

Tại huyện Châu Thành A, địa phương có diện tích lúa Thu đông khá nhiều, bà con vô cùng phấn khởi khi cân lúa tươi cho thương lái tại ruộng với giá dao động từ 7.600-7.900 đồng/kg tùy giống, tăng khoảng 500 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài giá bán cao thì năng suất lúa Thu đông đầu vụ nơi đây cũng đạt từ 650-750kg/công (một công 1.300m2). Với năng suất và giá bán như hiện nay thì sau khi trừ đi chi phí, nông dân có được nguồn lợi nhuận từ 25-30 triệu đồng/ha.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, diện tích lúa Thu đông năm nay của tỉnh xuống giống vượt kế hoạch đề ra góp phần bù đắp phần nào diện tích lúa Đông xuân và Hè thu vừa qua đã giảm vì những lý do khách quan. Tuy nhiên, địa phương cũng khuyến cáo nông dân nên tuân thủ lịch thời vụ và ở vùng trũng, vùng chưa có hệ thống đê bao nên thận trọng trong việc sản xuất vụ lúa này do thường bị ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết.

Đối với bà con nuôi thủy sản cũng có được lợi nhuận nhờ giá tăng. Ông Nguyễn Thế Kỷ, ở xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, bộc bạch: “Nếu như năm ngoái giá tôm nguyên liệu ở vùng này không cao thì từ đầu năm 2024 đến nay được cải thiện. Thương lái thu mua tôm càng xanh loại 15-25 con/kg với giá 160.000-180.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 100 con/kg giá 85.000-90.000 đồng/kg; tôm sú loại 40 con/kg giá khoảng 150.000 đồng/kg… giá này bà con có được lợi nhuận”. Bộ NN&PTNT cho hay, trong 9 tháng qua xuất khẩu tôm đã mang về hơn 2,79 tỉ USD, tăng 10,5% so cùng kỳ; từ nay đến cuối năm 2024 dự báo nhu cầu tiêu thụ ở thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Quốc… sẽ tăng và xuất khẩu cần được đẩy mạnh; điều này dẫn đến việc tiêu thụ tôm nguyên liệu nhiều hơn, thuận lợi cho nông dân sản xuất.

Tiếp tục gia tăng xuất khẩu

Bộ NN&PTNT đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân… trong sản xuất và xuất khẩu đạt kết quả khả quan. Theo đó, trong 9 tháng qua hầu hết các nhóm hàng nông sản xuất khẩu đều tăng, góp phần đưa kim ngạch đạt hơn 46 tỉ USD, tăng 21%. Ngoài ra, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản cũng tăng so cùng kỳ, từ đó giúp doanh nghiệp và nông dân có được lợi nhuận đáng kể. Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận, có kết quả như trên là nhờ chủ trương tái cơ cấu toàn ngành nông nghiệp thời gian qua được thực hiện quyết liệt và đúng hướng. Mô hình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã được lan tỏa rộng khắp và đón nhận sự hưởng ứng mạnh mẽ của các địa phương, hợp tác xã, nông dân… Mặt được là vậy, tuy nhiên để ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 55 tỉ USD trong năm 2024 thì những tháng cuối năm còn nhiều việc phải làm.

Bên cạnh các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU… thì Bộ NN&PTNT đang phối hợp cùng Bộ Công thương, các đại sứ quán, doanh nghiệp… đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ… Đồng thời tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác nhập khẩu; tháo gỡ rào cản của các nước đặt ra và gia tăng xuất khẩu chính ngạch nhằm giảm rủi ro. Bên cạnh đó, chú trọng việc xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản vừa tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng thế giới và tham gia bền vững vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Lê Văn Ngời, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, cho hay: Là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước nên tỉnh xác định con tôm là thế mạnh được xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với kim ngạch mỗi năm hơn 1 tỉ USD. Với việc lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2024 này, vì vậy Cà Mau đặt ra mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 1,4 tỉ USD trong năm 2025. Hiện, tỉnh đang đầu tư hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, mạng lưới điện phục vụ nuôi tôm; ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tăng chất lượng, giảm giá thành; đồng thời phát triển mô hình nuôi siêu thâm canh, nuôi tôm - rừng, tôm - lúa theo hướng bền vững thân thiện với môi trường sinh thái…

Đối với cá tra, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết đang nỗ lực cùng các doanh nghiệp tăng tốc những tháng cuối năm nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu 2 tỉ USD (tăng so với năm 2023 là 1,8 tỉ USD). Thuận lợi là thời gian qua thị trường Mỹ tăng trưởng tốt với 23% và mới đây Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố sẽ mua thêm thủy sản, trong đó có các sản phẩm từ cá da trơn. Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường Trung Đông, Trung Quốc, EU…

Ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt (An Giang), chia sẻ: Để ngành cá tra bớt rủi ro thì cần tổ chức lại một cách bài bản từ sản xuất đến chế biến và xuất khẩu. Theo đó, tăng cường liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp; đầu tư cải thiện chất lượng con giống; ứng dụng khoa học vào sản xuất và chế biến nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, sản phẩm giá trị gia tăng… Tới đây, ngành cá tra cần hướng tới mô hình khép kín để giảm chi phí giá thành; đáp ứng phù hợp với nhu cầu của nhiều thị trường tiêu thụ trên thế giới.

Bộ NN&PTNT thông tin, vừa chính thức ký kết 3 nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sang thị trường lớn này. Cụ thể, hiện nay cả nước đang bùng nổ về trồng sầu riêng và có sản lượng rất lớn; do đó khi sầu riêng đông lạnh của nước ta được xuất chính ngạch sang Trung Quốc hứa hẹn mang về giá trị cao. Đối với cây dừa cả nước có hơn 194.000ha, sản lượng hơn 1,9 triệu tấn và dừa cũng là ngành hàng có tiềm năng lớn về xuất khẩu. Trong khi cá sấu thì ở vùng ĐBSCL có điều kiện phát triển bởi lợi thế về sông nước, nguồn thức ăn dồi dào… Có thể nói, với sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu khi được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ đưa giá trị xuất khẩu tăng mạnh trong thời gian tới.

H.TÂN - H.THU

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang