• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Theo Ca Organic Farm làm kinh tế nông nghiệp tuần hoàn

Nguồn tin:  Báo Bình Định, 28/10/2024
Ngày cập nhật: 30/10/2024

Với mục tiêu chủ động nguồn cung cấp thực phẩm sạch và chất lượng cho hệ thống nhà hàng của mình, anh Võ Vinh Ca (SN 1978, ở TP Quy Nhơn), đã có ý tưởng đầu tư xây dựng một trang trại có chu trình khép kín từ trồng trọt, chăn nuôi đến bàn ăn và trải nghiệm quy trình “sống xanh, ăn sạch” qua mô hình du lịch canh nông. Năm 2021, anh đã mạnh dạn thuê 5 ha đất tại thôn Kinh Tế, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh để làm kinh tế nông nghiệp kết hợp du lịch.

Phế thải của quy trình này được tái sử dụng làm nguyên liệu đầu vào của quy trình kế tiếp

Chúng tôi đến thăm trang trại Ca Organic Farm của anh Ca. Trong khuôn viên có diện tích 5 ha, mô hình tuần hoàn được anh thiết kế khá bài bản, hình thành chuỗi giá trị từ chăn nuôi gia súc, gia cầm (gà, heo, bò, thỏ, dê…), trồng trọt (rau ăn lá các loại, đu đủ, bầu, bí…), nuôi cá (điêu hồng, cá lóc…) kết hợp làm du lịch sinh thái.

Điểm nổi bật tại trang trại, là các vật nuôi được cho ăn thức ăn sạch; phụ phẩm, phế phẩm của công đoạn này là nguyên liệu đầu vào của công đoạn khác, tạo ra những chuỗi giá trị tuần hoàn, khép kín và góp phần thiết thực bảo vệ môi trường.

Trùn quế giàu đạm được sử dụng làm thức ăn cho gà. Ảnh: Ngọc Quỳnh

Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn của Ca Organic Farm chính là sự tham gia của loài vật chủ trung gian là trùn quế. Loài sinh vật này không chỉ giúp xử lý chất thải từ chăn nuôi như phân bò và heo mà còn tạo ra nguồn thức ăn rất giàu dinh dưỡng và các axít amin cho các vật nuôi và cây trồng.

Trong trang trại, anh Ca dành khoảng 3.000m2 đất xây dựng 3 khu nhà có mái che, bên trong là các dãy bể nuôi trùn quế được bố trí từ 2 đến 3 tầng. Phân gà, heo, bò… thải ra trong quá trình chăn nuôi được thu gom về khu vực này làm thức ăn cho trùn quế. Anh Ca cho biết: Con giống trùn quế được thả vào bể nuôi, khoảng 3-6 tháng thì trưởng thành. Trùn quế được trung chuyển qua các khu vực chăn nuôi và chế biến cám, làm thức ăn cho gà, heo, bò. Phân trùn quế được biết đến như một loại phân vi sinh có giá trị, được sử dụng để bón cho các loại rau, củ, quả, góp phần cải tạo đất tơi xốp và tăng cường độ màu mỡ.

Bước vào khu vực nuôi trùn quế, điều chúng tôi rất ngạc nhiên là các loại phân gia súc, gia cầm đưa vào đây, nhờ quá trình xử lý thức ăn của trùn quế nên không còn mùi hôi, môi trường bên trong và ngoài trang trại rất an lành. Hơn nữa, nước thải từ hoạt động chăn nuôi được xử lý vi sinh để trở thành nguồn nước tưới cho cây trồng, mang lại lợi ích kép cho mô hình: Vừa cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cây, vừa tiết kiệm nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Điều này không chỉ giúp bảo vệ nguồn nước mà còn tạo ra một hệ sinh thái tuần hoàn, nơi mỗi thành phần đều hỗ trợ lẫn nhau.

Đến thăm vườn rau, chúng tôi bắt gặp những luống đậu nành đang lên xanh tốt. Anh Võ Vinh Hậu, quản lý trang trại, cho biết: “Trong những tháng mùa mưa, việc trồng các loại rau ăn lá không hiệu quả, rau dễ bị dập nát do mưa, gió; trang trại chuyển hướng sang trồng đậu nành. Trồng đậu nành không chỉ góp phần cải tạo đất mà cây đậu nành được thu hoạch toàn bộ từ hoa, trái, thân, lá... đem vào băm nhỏ, nghiền nhuyễn làm thức ăn sạch, giàu đạm cho gia súc, đảm bảo mọi nguồn lợi, phụ phẩm, phế phẩm đều được sử dụng hiệu quả để tạo ra giá trị tuần hoàn”.

Quy trình nuôi, trồng “organic”

Ngoài nuôi trùn quế, trồng rau, củ, cây dược liệu… trang trại còn tự sản xuất các loại cám. Vào khu vực này, chúng tôi thấy nhiều máy móc chuyên dụng được trang trại đầu tư. Anh Ca cho biết, còn nhập thêm các loại nguyên liệu sạch như bột bắp, bã mì khô, cám gạo, đạm cá, bã đậu phụng, bã bia, đạm trùn quế, men thảo dược, men tỏi…để sản xuất cám làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Quy trình phối trộn, sản xuất các loại cám phù hợp với từng loại vật nuôi được anh thuê chuyên gia về hướng dẫn và học hỏi.

Hằng ngày, các sản phẩm nông sản, thực phẩm tươi ngon từ trang trại được vận chuyển trực tiếp đến 5 nhà hàng của anh tại Quy Nhơn, gồm: Vua gà Organic, Mộc Viên, Mộc Việt, Cơm niêu Hội An, Bò tơ Tây Sơn… Đặc biệt, thức ăn thừa, phế phẩm trong quá trình chế biến thức ăn từ các nhà hàng được vận chuyển ngược trở lại trang trại để xử lý và tận dụng làm thức ăn cho vật nuôi.

Anh Ca cho biết, chỉ riêng về gà, trang trại hiện đang nuôi 20.000 con, trong đó, có khoảng 10.000 con gà mái. Gà được nuôi đến khi đẻ lứa trứng đầu tiên thì khai thác trứng và đưa vào chế biến các món ăn từ thịt gà tại các nhà hàng. Lượng gà nuôi theo quy trình hữu cơ này không đủ cung cấp cho các nhà hàng của anh Ca tại Quy Nhơn. “Hiện tôi đang tham gia đề án nuôi gà liên kết chuỗi để phát triển giống đặc sản mang thương hiệu Bình Định, do Sở NN&PTNT đầu tư. Thực hiện đề án này, tôi liên kết với 18 hộ nuôi gà tại nhiều địa phương trong tỉnh nuôi 60.000 con gà/ năm; gà được nuôi thuộc giống gà mía, nuôi khoảng 6 tháng tuổi thì xuất chuồng. Các hộ tham gia mô hình được Sở NN&PTNT hỗ trợ 50% tiền mua giống và thức ăn cho gà, tôi nhận bao tiêu sản phẩm cho bà con. Thực hiện mô hình liên kết chuỗi, bà con nông dân được đảm bảo đầu ra ổn định, sản phẩm gà sạch, chất lượng cao tạo ra giá trị kinh tế lớn hơn so với nuôi gà thông thường”, anh Ca cho biết thêm.

Sống xanh, ăn sạch, môi trường sạch

Để tối ưu hóa quy trình phát triển kinh tế tuần hoàn của mình, Ca Organic Farm còn khéo léo kết hợp phát triển mô hình du lịch trải nghiệm canh nông. Những tour trải nghiệm tại trang trại được thiết kế đặc biệt để thu hút học sinh và du khách, giúp họ khám phá quy trình sản xuất thực phẩm organic để hiểu rõ tầm quan trọng của nông nghiệp bền vững “sống xanh, ăn sạch”.

Từ năm 2023 đến nay, trang trại đã thu hút khoảng 15.000 lượt khách tham quan. Những chuyến tham quan này không chỉ là những buổi học thực tế về sản xuất nông nghiệp mà còn là cơ hội để khách tham gia tương tác trực tiếp với quy trình sản xuất, từ việc trồng rau củ, chăm sóc động vật đến thu hoạch rau trái, bắt cá, chế biến các món ăn... Khách tham quan không chỉ được trải nghiệm thực tế, thưởng thức các món ăn sạch, tươi ngon mà còn có thể mua trực tiếp các sản phẩm từ trang trại. Điều này, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho trang trại mà còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích nhiều người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm hữu cơ.

Hơn nữa, mô hình du lịch trải nghiệm làm nông nghiệp này còn thúc đẩy ý thức cộng đồng về làm nông nghiệp bền vững. Khi khách tham quan thấy rõ quá trình sản xuất thực phẩm, họ có thể hiểu rõ hơn về những nỗ lực của người nông dân trong việc cung cấp thực phẩm sạch và an toàn. Sự kết nối này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức mà còn tạo ra những người ủng hộ tích cực cho nông nghiệp bền vững trong cộng đồng.

Mô hình trang trại hữu cơ tuần hoàn của Ca Organic Farm mới được triển khai khoảng 3 năm. Theo anh Ca, những khó khăn còn rất nhiều, nhưng những giá trị kinh tế mà mô hình đem lại cũng đã “nhìn thấy được”. “Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện, mở rộng quy mô các loại hình cây trồng, vật nuôi, dịch vụ du lịch ở trang trại để không chỉ cung cấp nguyên liệu tươi, sạch, chất lượng cao cho các nhà hàng của mình mà còn bán ra thị trường và thu hút nhiều hơn khách du lịch”.

Làm kinh tế tuần hoàn đang mở ra hướng đi bền vững cho nền nông nghiệp xanh trong tương lai. Khi ngày càng nhiều trang trại, nhiều nông dân áp dụng phương pháp này, nông nghiệp xanh sẽ trở thành một phần thiết yếu trong phát triển kinh tế, cung cấp thực phẩm an toàn và chất lượng cho cộng đồng, từ đó bảo vệ sức khỏe con người và cải thiện môi trường sống.

NGỌC QUỲNH

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang