Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 30/12/2023
Ngày cập nhật:
3/1/2024
Nhạy bén nắm bắt tiến bộ khoa học kỹ thuật và năng động trong sản xuất để đạt hiệu quả cao, anh Nguyễn Văn Phận ở ấp 6, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ đã sáng tạo ra mô hình trồng lúa không cần dùng phân bón hóa học (phân bón vô cơ) mà lúa vẫn đạt năng suất cao. Cách làm của anh kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi, sử dụng nguồn chất thải trong quá trình chăn nuôi làm phân bón hữu cơ phục vụ trồng lúa.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Vụ lúa đông xuân 2023-2024, anh Nguyễn Văn Phận chọn sạ giống lúa Đài Thơm 8 cho 50 công ruộng của mình. Thời điểm này, lúa đã được hơn 35 ngày tuổi, đang phát triển rất tốt, hứa hẹn vụ mùa thắng lợi. Anh Phận cho biết: “Ruộng lúa của tôi không hề bón phân hóa học, nhưng cây lúa vẫn lên tươi xanh nhờ tôi sử dụng nguồn phân bón hữu cơ từ chăn nuôi heo và cá tra để bón cho lúa. Đây là cách mà tôi đã thực hiện từ năm 2017 đến nay và thấy nó mang lại hiệu quả rất tốt cho sản xuất. Hiện mỗi vụ lúa tôi có thể tiết kiệm được khoảng trên dưới 30 triệu đồng tiền phân bón hóa học và cũng giảm được chi phí tiền thuốc bảo vệ thực vật, từ đó lợi nhuận được nâng cao”.
Mô hình sản xuất kết hợp chăn nuôi và trồng trọt của gia đình anh Nguyễn Văn Phận.
Để tạo được nguồn dinh dưỡng hữu cơ cung cấp cho ruộng lúa, anh Phận đã xây dựng các hệ thống chuồng trại nuôi heo và ao nuôi cá nằm gần kề với ruộng lúa. Cứ mỗi lần tới đợt bón phân cho lúa, anh Phận tiến hành bơm nguồn nước dồi dào dinh dưỡng hữu cơ từ hệ thống ao lắng của quá trình thu nạp nguồn chất thải từ nuôi heo và nuôi cá tra để đưa lên tưới cho ruộng lúa. Lúa được tưới nguồn dinh dưỡng này vào các thời điểm lúa được khoảng 12 ngày tuổi, 25 ngày tuổi và 40 ngày tuổi. Ruộng lúa được chủ động rút nước cho cạn khô trước các thời điểm khi đưa nước từ ao lắng lên ruộng nhằm cung cấp dinh dưỡng đều khắp cho ruộng lúa. Thông thường, bắt đầu rút nước trước khoảng 5-7 ngày trước thời điểm đưa nguồn nước chứa dinh dưỡng hữu cơ từ ao lắng lên ruộng lúa.
Với cách chăm sóc và cung cấp dinh dưỡng cho lúa như trên, trong nhiều vụ lúa qua, anh Phận không cần sử dụng phân bón hóa học mà lúa vẫn tốt và đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Đặc biệt, chi phí sản xuất lúa đã giảm hơn 25% so với trước đây canh tác lúa theo cách cũ, sử dụng phân bón hóa học. Qua đó, lợi nhuận từ việc trồng lúa đã tăng gấp 2-3 lần so với trước, nhất là khi gần đây lúa cũng bán được giá cao. Theo anh Phận, vụ lúa đầu tiên khi thực hiện mô hình vào năm 2017, vì sợ lúa không đạt năng suất, anh đã duy trì sử dụng khoảng 50% lượng bón phân hóa học và còn làm thử nghiệm trên một phần diện tích. Những vụ lúa sau đó, khi bỏ hẳn việc sử dụng phân bón hóa học, thấy lúa vẫn đạt năng suất cao, anh quyết định nhân rộng thực hiện trên toàn bộ diện tích đất sản xuất lúa và duy trì đến nay. Anh Phận cũng đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa và áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Chú ý tập trung sản xuất các loại lúa gạo thơm ngon, đặc sản, chất lượng cao phù hợp theo từng mùa vụ như Đài Thơm 8, RVT, ST25, OM 18... để bán được giá cao.
Hỗ trợ bà con nhân rộng mô hình
Trước đây, khi chưa kết hợp giữa chăn nuôi với trồng trọt mà chỉ làm độc canh cây lúa, thu nhập khá thấp, dù khi ấy anh Phận đang có 25 công ruộng. Với sự năng động và quyết tâm phấn đấu vươn lên, anh đã nỗ lực tìm tòi, học tập qua sách vở, báo đài, mạng internet và tham quan thực tế sản xuất tại nhiều nơi để nghiên cứu, áp dụng những cách làm hay phù hợp với điều kiện sản xuất của mình. Qua tìm hiểu thấy người dân tại nhiều nơi phát triển các mô hình chăn nuôi heo sinh sản và sản xuất cá tra giống khá hiệu quả, anh đã quyết định tham gia chăn nuôi heo và nuôi cá. Trong quá trình đa dạng hóa hoạt động sản xuất, anh cũng nghiên cứu kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt theo hướng làm nông nghiệp tuần hoàn để tận dụng tốt các nguồn phế phụ phẩm quá trình sản xuất nhằm nâng cao chuỗi giá trị và giảm các tác động xấu cho môi trường. Mô hình kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt được ra đời đã giúp gia đình anh nâng cao được thu nhập và có điều kiện mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Anh Phận cũng đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn bà con nông dân tại địa phương trong xây dựng và phát triển mô hình kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt để sản xuất lúa không dùng phân bón hóa học hoặc giảm sử dụng. Theo anh Phận, đến nay tại địa phương đã có 5 hộ dân tham gia thực hiện mô hình, với tổng diện tích sản xuất lúa khoảng 25ha. Để cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất trong trồng trọt và chăn nuôi, anh cùng nhiều hộ dân tại địa phương đã liên kết thành lập Hợp tác xã Tâm Chiến và anh là giám đốc của hợp tác xã.
Cùng với 50 công ruộng sản xuất 3 vụ lúa/năm, gia đình anh Phận có hệ thống chuồng trại phục vụ nuôi heo với tổng diện tích 1.500m2 và có đang heo hơn 800 con, trong đó có 80 con heo bố mẹ phục vụ sinh sản. Mỗi tháng anh đều xuất bán bình quân khoảng 70 con heo. Còn hệ thống ao có tổng diện tích khoảng 6.000m2, được anh sử dụng để nuôi cá tra. Thường anh thả nuôi cá tra loại 35 con/kg và xuất bán khi cá tăng trọng lượng lên mức 5 con/kg. Những năm qua, anh xuất bán được bình quân khoảng 10 tấn cá/năm, thu về lợi nhuận khoảng trên dưới 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, các diện tích đất bờ cao quanh ao cá và xung quanh nhà cũng được anh tận dụng để trồng dừa và thời gian qua cũng có thêm được nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Trong chăn nuôi heo, anh Phận đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Đặc biệt, anh đã tự chủ trong sản xuất con giống và chủ động tìm mua nguồn thức ăn chất lượng với mức giá sỉ, cũng như áp dụng xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại để thuận lợi trong chăm sóc và giúp heo khỏe mạnh và mau lớn. Đặc biệt, anh luôn quan tâm tiêm ngừa đầy đủ các loại vaccine để phòng bệnh cho đàn heo.
Theo anh Phận, mô hình kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt của gia đình anh có thể giúp mang lại lợi nhuận trên 800 triệu đồng/năm. Năm nay, lúa bán được giá cao nhưng giá bán heo hơi và cá tra thấp hơn mọi năm. Do vậy, anh rất mong tới đây giá heo hơi và giá cá tra sớm phục hồi trở lại để tạo thuận lợi hơn cho người nông dân trong phát triển sản xuất và có điều kiện nâng cao hơn thu nhập.
Bài, ảnh: Khánh Trung
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.