Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 15/12/2024
Ngày cập nhật:
16/12/2024
Thời gian qua, công tác quản lý giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được thực hiện khá chặt chẽ với sự phối hợp của các ngành, các cấp, địa phương. Với hệ thống sản xuất, buôn bán giống cây trồng được phủ khắp, chủng loại giống đa dạng, số lượng và chất lượng giống cây trồng cơ bản đảm bảo đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân.
Hàng năm, nhu cầu lượng giống cây trồng phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh khá lớn, ước tính khoảng 1,4 triệu cây giống thuộc cây lâu năm, trên 10.000 tấn lúa cấp xác nhận, 203 tấn hạt giống rau màu và 24 tấn hạt giống cây bắp. Toàn tỉnh hiện có 480 cơ sở sản xuất và bán giống cây trồng, trong đó có 350 cơ sơ bán giống cây trồng đã thông báo thông tin đăng ký về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đạt 72,9%.
* Đa dạng giống cây trồng
Ông Phạm Văn Thành, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 93 cơ sở sản xuất và bán giống cây trồng. Số cơ sở vừa sản xuất vừa bán giống cây trồng là 34 cơ sở, trong đó có 33 cơ sở tư nhân và 1 cơ sở thuộc đơn vị nhà nước (Trại giống 19-5 của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cái Bè); trong đó giống rau màu là 23 cơ sở, giống cây ăn trái 9 cơ sở, giống lúa 1 cơ sở. Số cơ sở bán giống cây trồng là 59 cơ sở, trong đó giống cây ăn trái 46 cơ sở, giống lúa 14 cơ sở. Chủng loại giống chủ yếu được sản xuất, buôn bán là sầu riêng, mít, ổi, chanh, dừa, xoài, vú sữa, cây rau màu, lúa giống... Số lượng cây giống được sản xuất và nhập từ các tỉnh khác về cơ bản đáp ứng số lượng và chủng loại, phục vụ nhu cầu sản xuất hàng năm của người dân trong huyện và cung ứng cho các tỉnh lân cận.
Theo Sở NN&PTNT, hiện nay, năng lực sản xuất, buôn bán của các cơ sở sản xuất giống cây trồng trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể, về giống lúa, các cơ sở sản xuất, buôn bán có khả năng cung ứng trên 13.000 tấn lúa giống/năm, trong đó sản xuất lúa giống là 3.000 tấn/năm và bán hơn 10.000 tấn/năm. Các giống lúa được công bố đảm bảo chất lượng phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng hạt giống lúa. Về giống rau màu, qua thống kê từ các địa phương cho thấy, khả năng cung ứng hạt giống rau màu của các cơ sở buôn bán trên địa bàn tỉnh đảm bảo yêu cầu phục vụ sản xuất của người dân.
Khả năng cung ứng giống cây ăn trái của các cơ sở sản xuất, buôn bán cây giống trên địa bàn tỉnh hơn 1,4 triệu cây giống/năm (khả năng cung ứng từ sản xuất là 300.000 cây giống các loại/năm, số lượng cây giống nhập từ các tỉnh khác là 1.100.000 cây giống các loại/năm), đáp ứng về số lượng và chủng loại cây giống phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân. Giống hoa kiểng đa dạng, phong phú đảm bảo về chủng loại, chất lượng và sản lượng phục vụ cho sản xuất, nhất là hoa phục vụ Tết. Các loại cây giống được sản xuất và tiêu thụ nhiều nhất là mít (300.000 cây giống/năm), sầu riêng (200.000 cây giống/năm), ổi các loại (100.200 cây giống/năm) và dừa (180.100 cây giống/năm)... Ngoài ra, còn có các loại cây khác như bưởi, chanh, vú sữa, mận cũng là các loại cây giống có nhu cầu tiêu thụ cao và được cung ứng nhiều trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, năm 2023 - 2024, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã công nhận 16 cây đầu dòng và 4 vườn cây đầu dòng, hủy bỏ công nhận 2 cây đầu dòng (do cây đã chết). Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 26 cây đầu dòng và 9 vườn cây đầu dòng được công nhận, với khả năng cung ứng trên 3,9 triệu mắt ghép/năm, đã tạo nguồn vật liệu nhân giống chất lượng, phục vụ nhân giống cây ăn quả cho nông dân trong và ngoài tỉnh phát triển sản xuất. Hàng năm, Sở NN&PTNT tỉnh đã tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển và khai thác, cung ứng nguồn giống đầu dòng của các tổ chức, cá nhân có cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng đã được công nhận trên địa bàn tỉnh theo quy định. Đa phần chủ các nguồn giống thực hiện chăm sóc và bảo vệ tốt nguồn giống, đảm bảo chất lượng nguồn giống theo quy định. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đã lập hồ sơ đề nghị và được Cục Trồng trọt công nhận lưu hành đặc cách đối với 7 giống cây trồng, bao gồm: Xoài cát Hòa Lộc, mãng cầu Xiêm, sơ ri ngọt, khóm Queen Tân Lập, nhãn xuồng cơm vàng, sầu riêng Ri6 và vú sữa Lò Rèn.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã phục tráng lại giống lúa VD20 là giống đặc sản của tỉnh, có chất lượng gạo thơm, được thị trường ưa chuộng. Đồng thời, đã tạo ra nhiều giống cây trồng mới thích nghi với biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, tỉnh đang thực hiện tuyển chọn, khảo nghiệm các dòng giống mãng cầu Xiêm có đặc tính tốt; thu thập và xây dựng vườn tập đoàn một số loại cây ăn trái đặc trưng của tỉnh Tiền Giang.
* Sử dụng giống cây trồng có nguồn gốc rõ ràng
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác quản lý giống trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng còn tồn tại nhiều hạn chế và gặp không ít khó khăn. Cụ thể, vẫn còn tình trạng các cơ sở sản xuất, bán giống cây trồng chưa tuân thủ tốt việc gửi thông báo sản xuất, bán giống cây trồng về Sở NN&PTNT trước khi bán. Việc thực hiện gắn nhãn giống cây trồng chưa được các chủ cơ sở sản xuất, buôn bán thực hiện đầy đủ. Vẫn còn các cơ sở buôn bán giống cây trồng nhỏ lẻ, chưa thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định. Hầu hết các cơ sở vẫn sản xuất, bán giống cây trồng chưa được công nhận lưu hành, lưu hành đặc cách, tự công bố lưu hành... theo quy định của Luật Trồng trọt.
Cây giống mít ruột đỏ Indo tại Công ty TNHH Cây giống - Hoa kiểng Tốt Hoa, huyện Châu Thành đang được nông dân mua nhiều trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, tình trạng không sử dụng nguồn vật liệu nhân giống được công nhận để sản xuất cây giống ăn quả lâu năm vẫn còn nhiều. Giống cây trồng không rõ nguồn gốc, xuất xứ được lưu thông trên thị trường còn khá phổ biến. Các giống cây trồng chất lượng cao chưa được nghiên cứu, chọn tạo, phục vụ sản xuất; cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng được công nhận nhưng chưa khai thác đúng mức. Một số địa phương chưa quan tâm đến công tác quản lý giống cây trồng. Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, các điểm kinh doanh đa số lấy giống cây trồng từ các tỉnh khác về bán lại cho địa phương, nên việc truy xuất nguồn gốc còn nhiều khó khăn…
Theo Sở NN&PTNT, để khắc phục tình trạng trên cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm quan trọng của giống cây trồng, phối hợp tuyên truyền cho người dân hiểu và nâng cao ý thức sử dụng giống cây trồng có nguồn gốc rõ ràng, đúng giống (không nên sử dụng giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc) để đảm bảo hiệu quả trong sản xuất. Vận động, tuyên truyền người dân sử dụng giống được phép lưu hành, có bao bì, ghi nhãn đầy đủ, biết rõ nguồn gốc xuất xứ… Tập huấn, tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, bán giống cây trồng về các văn bản quy phạm pháp luật về giống cây trồng để các cơ sở biết, thực hiện đúng quy định. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống cây trồng, số hóa trong quản lý giống cây trồng; phát huy hiệu quả các phần mềm dữ liệu nông nghiệp và tích hợp các phần mềm này trên hệ thống website của Sở NN&PTNT, kịp thời phổ biến đến các cơ quan quản lý, cơ sở sản xuất, bán giống cây trồng các quy định mới về quản lý giống cây trồng; cập nhật, công khai danh sách các cơ sở sản xuất, bán giống cây trồng trên môi trường mạng; yêu cầu các cơ sở sản xuất giống cây trồng sử dụng mã QR để đảm bảo truy xuất nguồn gốc giống.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT đề nghị lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND các xã trên địa bàn thực hiện tốt công tác phối hợp, quản lý giống cây trồng tại địa phương. Trong đó tập trung công tác tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, bán giống cây trồng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học liên quan đến sản xuất giống cây trồng, hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ cho người dân. Đề nghị Cục Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với Sở NN&PTNT thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng buôn bán giống cây trồng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; thông tin danh sách các cơ sở sản xuất, bán giống cây trồng chưa đảm bảo chất lượng trên Trang Thông tin của Sở NN&PTNT để góp phần ngăn chặn tình trạng sản xuất, bán giống cây trồng kém chất lượng.
Hữu Thông
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.