Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Bắc Giang, 25/6/2026
Ngày cập nhật:
27/6/2025
Chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) được xác định là xu hướng tất yếu để các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả. Thông qua việc sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử..., các hộ nông dân, HTX sản xuất nông nghiệp trong tỉnh có thêm cơ hội quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho nông sản.
Những thành công bước đầu của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Như Hoa khi áp dụng áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân vi sinh, nguồn nước sạch vào sản xuất nông nghiệp.
Hiệu quả từ tiếp cận chuyển đổi số
Mô hình trồng dưa lưới của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Như Hoa (Tổ dân phố Tự, phường Bích Động, thị xã Việt Yên, Bắc Giang) là một trong những điển hình tiêu biểu của Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Việt Yên trong việc áp dụng KHCN vào sản xuất. Nhận thấy tiềm năng từ nông nghiệp, những năm gần đây HTX Nông nghiệp công nghệ cao Như Hoa đã áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân vi sinh, nguồn nước sạch, hạn chế tối đa sâu bệnh và không sử dụng thuốc hóa học.
Với quy mô khoảng 5.000 m² nhà màng trồng dưa lưới, dưa lê, bí vua và 3 ha đất liên kết trồng khoai tây, khoai lang, rau màu, mỗi năm HTX Nông nghiệp công nghệ cao Như Hoa cung ứng ra thị trường khoảng gần 150 tấn nông sản tươi. Cây dưa được chăm sóc tỉ mỉ từ lúc gieo hạt đến khi thu hái, từng bước đều được ghi chép và giám sát chặt chẽ. Dưa lưới cho thu hoạch có chất lượng tốt, giá trị dinh dưỡng cao, độ ngọt thanh, mùi thơm tự nhiên, được nhiều siêu thị, nhà hàng đặt hàng; thương hiệu sản phẩm dưa lưới Như Hoa đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Nói về thành công ban đầu khi chọn phương thức sản xuất nông nghiệp bền vững theo mô hình công nghệ cao, chị Nguyễn Thị Như - Giám đốc HTX cho biết, sinh ra từ vùng quê thuần nông, với diện tích mạnh mún, nhỏ lẻ, để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp không phải là điều đơn giản. Xác định phải làm chủ công nghệ mới có thể phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại nên bản thân tự mày mò, tìm hiểu. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp không hề dễ, nhất là khi nguồn vốn của người nông dân còn hạn chế, trong khi phương thức sản xuất áp dụng KHCN hiện đại không được tiếp cận thường xuyên, đặc biệt quan trọng hơn nữa đó là người nông dân không tìm ra được thị trường ổn định cho nông sản của mình.
Thời gian đầu, HTX gặp nhiều khó khăn, nhờ sự quan tâm của Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Bích Động, HTX được tham gia các lớp tập huấn về ứng dụng KHCN trong sản xuất và được hỗ trợ sử dụng các phần mềm đem lại hiệu quả công việc, tiết kiệm được nhiều thời gian và tăng hiệu suất lao động.
Hiện nay, HTX đang có kế hoạch xây dựng website và áp dụng các ứng dụng số, hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tương tác với khách hàng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của HTX. Ngoài trồng dưa lưới, HTX mong muốn được cơ quan chuyên môn nhà nước giúp đỡ trong chuyển giao công nghệ ứng dụng hệ thống tưới tự động, hỗ trợ vay vốn để xây dựng nhà xưởng, đầu tư thêm máy sấy lạnh hiện đại, hỗ trợ chế biến sâu các sản phẩm nông sản hướng đến xuất khẩu.
Ngoài ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, hiện nông dân trong tỉnh có nhiều sáng tạo trong đổi mới cách làm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Mô hình trồng cam ngọt của hộ gia đình anh Lê Thanh Định (thôn Thông, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn) cũng là một điển hình. Với diện tích hơn 1,7 ha sản xuất cam ngọt theo hướng hữu cơ, mỗi năm vườn cam ngọt mang lại cho gia đình anh thu nhập khoảng 250 triệu đồng, có năm đạt tới 500 triệu đồng.
Nhờ tiếp cận nhanh xu hướng phát triển KHCN, được sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn, anh Định đã mạnh dạn áp dụng các mô hình ứng dụng công nghệ số vào trồng cam ngọt, đầu tư thêm kinh phí lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho toàn bộ vườn cam. Đồng thời, thực hiện kỹ thuật ghép cam đường Canh trên gốc bưởi Diễn, mỗi năm anh Định chỉ cho nửa vườn ra quả, nửa còn lại cắt tỉa, chăm sóc cho cây nghỉ ngơi, đảm bảo phát triển bền vững.
Anh Lê Thanh Định chia sẻ, trước kia nếu như tưới hết cả vườn mất vài ngày, nhiều khi muốn cung cấp đủ nước cho cây thì lại phải đợi trời mưa, bây giờ chỉ trong một vài tiếng là vườn cam của gia đình đã được tưới đủ nước. Và cũng không cần dậy sớm đi tưới mà chỉ điều khiển tự động, vòi tưới tỏa rộng, làm cho đất được ẩm dần, tiết kiệm được nước, thời gian tưới cũng nhanh nên tiêu hao điện cũng giảm đi.
Không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, chuyển đổi số, ứng dụng KHCN còn được nhiều hộ nông dân, HTX trong tỉnh mạnh dạn áp dụng vào các khâu đóng gói bao bì, quét mã QR truy xuất nguồn gốc, chế biến sâu… Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, phần mềm quản lý trang trại, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh... đang được triển khai thử nghiệm, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Ứng dụng công nghệ số điểm tựa cho phát triển
Tuy nhiên, thực tế tại nhiều HTX nông nghiệp, việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị vẫn còn sơ khai. Nguyên nhân do đa số thành viên tham gia HTX nông nghiệp xuất phát từ nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chậm, KHCN còn kém, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong sản xuất. Bên cạnh đó, việc nắm bắt thông tin thị trường, công tác kết nối giao thương với các siêu thị, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hạn chế, chưa thường xuyên. Đầu tư sản xuất công nghệ cao đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi hầu hết các HTX đều thiếu vốn…
Do vậy, vấn đề đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ theochuỗi giá trị là giải pháp quan trọng, giúp các hộ nông dân và các HTX liên kết với doanh nghiệp, qua đó hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực của từng địa phương.
Những năm qua, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tổ chức trên hàng nghìn lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho đoàn viên, hội viên, nông dân về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, ứng dụng cơ giới hóa, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,…
Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được hơn 1.500 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hiệu quả có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, HTX theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ 4.0. Trong đó, đã có nhiều mô hình HTX tham gia khởi nghiệp thành công, mang lại thu nhập cao cho người nông dân như: HTX Rau sạch Yên Dũng; HTX Đồng Tâm 3; HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân; HTX Nông nghiệp Thanh Hải; HTX Tiêu thụ nông sản Tân Mộc; HTX Vải sớm Phúc Hòa; HTX Dược liệu công nghệ cao Trường Sơn; HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh; HTX Nông nghiệp công nghệ cao Như Hoa....
Ứng dụng công nghệ cao đã góp phần đưa nền nông nghiệp tỉnh hội nhập và phát triển mạnh mẽ trong thời đại cách mạng KHCN. Đồng thời hỗ trợ, thúc đẩy các HTX nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số thông qua việc tích hợp, áp dụng công nghệ số, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới, góp phần phát triển kinh tế số.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lê Bá Thành, ứng dụng KHCN sẽ giải quyết những thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.
Năm 2025, tỉnh Bắc Giang đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ sản xuất thâm canh rau theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 65%; tỷ lệ sản xuất thâm canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 62%; tỷ lệ tổng đàn chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 55%; tỷ lệ tổng đàn chăn nuôi gia cầm theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 50%; tỷ lệ sản xuất thâm canh thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 53%; tỷ lệ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thủy sản được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đạt 98%...
Để đạt được các chỉ tiêu này, Sở Nông nghiệp và Môi trường đang thực hiện triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trong đó chú trọng sản xuất, lựa chọn giống, quy trình sản xuất, chế biến tiên tiến, phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất chất lượng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất nông nghiệp./.
Nguyễn Miền
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.