Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 27/06/2025
Ngày cập nhật:
29/6/2025
Tiền Giang đang nắm bắt cơ hội thuận lợi được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch các loại trái cây chủ lực có lợi thế cạnh tranh sang Trung Quốc và các nước khác, đẩy nhanh tiến độ cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nông sản xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc, giúp phát triển bền vững các vùng chuyên canh trái cây đặc sản tại địa phương.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 466 mã số vùng trồng cây ăn trái phục vụ xuất khẩu được phê duyệt với tổng diện tích trên 28.400 ha, sản lượng mỗi năm khoảng 560.000 tấn trái. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng có 323 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc,…
Tiền Giang phấn đấu đến cuối năm 2025, cơ bản toàn bộ diện tích cây ăn trái đặc sản của tỉnh sẽ được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.
Theo đánh giá, việc đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng tiếp thêm động lực cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh thâm nhập một cách sâu rộng vào thị trường thế giới, giúp nông dân làm giàu và nông nghiệp, nông thôn đổi mới.
Với vai trò điều hành xuất khẩu cũng như nhận định về thời cơ và thách thức đối với thị trường xuất khẩu nông sản nói chung, ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang nhận định, mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu chính ngạch hết sức quan trọng, giúp nông sản Tiền Giang vươn tới thị trường các nước một cách mạnh mẽ, vững chắc và lâu dài.
Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng các ngành hữu quan địa phương phối hợp chặt chẽ hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đáp ứng yêu cầu của phía đối tác nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc; trong đó hướng dẫn nông dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói; tiến tới kết nối các đơn vị kiểm định, đánh giá chất lượng để đảm bảo chất lượng nông sản xuất khẩu chính ngạch. Có như thế mới có thể giúp ngành hàng trái cây có lợi thế cạnh tranh của tỉnh rộng đường xuất khẩu, phát triển bền vững và giúp nông dân làm giàu.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức và nông dân lập hồ sơ để được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói gắn với tăng cường chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh vườn cây ăn trái đặc sản.
Đồng thời, hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); sản xuất, quản lý sâu bệnh theo hướng an toàn sinh học, ghi chép nhật ký sản xuất và tiến hành bao trái đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng mã số vùng trồng tại địa phương, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm; bố trí cán bộ làm đầu mối tuyên truyền hướng dẫn thiết lập vùng trồng và quản lý mã số vùng trồng khi được cấp mã số…
Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý vùng trồng sầu riêng thí điểm tại một số địa phương có vùng chuyên trồng sầu riêng tập trung lớn để quản lý mã số vùng trồng một cách chặt chẽ và thuận lợi hơn, tránh việc cấp mã số vùng trồng trùng lặp trên cùng một diện tích.
Ông Phạm Văn Nuôi, Giám đốc Hợp tác xã Cẩm Sơn (xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy) phấn khởi cho biết, Hợp tác xã được cấp 7 mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch cho gần 780 ha sầu riêng chuyên canh, đạt 100% diện tích vùng chuyên canh sầu riêng của xã Cẩm Sơn.
Để bảo đảm quản lý chất lượng các vùng trồng được cấp mã số, Hợp tác xã Cẩm Sơn thành lập 4 tổ giám sát mã số vùng trồng ở 100% số ấp trong xã đồng thời liên kết với các doanh nghiệp như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển Vạn Hòa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiện Toàn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Song Toàn Phát, Công ty Trách nhiệm hữu hạn trái cây Hồng Sang, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Thanh Trung… nhằm tiêu thụ, xuất khẩu trái sầu riêng.
Theo ông Nguyễn Tấn Nhũ, Bí thư Đảng ủy xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), địa phương nổi tiếng với vùng chuyên canh sầu riêng gần 1.500 ha. Tại đây, xã hình thành Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) liên kết với bà con nông dân tại xã Ngũ Hiệp xây dựng và được cấp 25 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích trên 900 ha, sản lượng mỗi năm khoảng 20.000 tấn quả, đạt tỷ lệ trên 61% diện tích vùng chuyên canh...
Ông Nguyễn Tấn Nhũ cho biết, trái sầu riêng Ngũ Hiệp được cấp mã số vùng trồng và rộng đường xuất khẩu chính ngạch đã giúp nâng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Ngũ Hiệp đạt 84,7 triệu đồng/người/năm. Cuối tháng 5/2025 vừa qua, Ngũ Hiệp cũng được công nhận và ra mắt xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Huyện Chợ Gạo có gần 6.900 ha thanh long, lớn nhất tỉnh Tiền Giang, với sản lượng thu hoạch khoảng 200.000 tấn/năm. Trong đó, có 2.500 ha thâm canh đạt tiêu chí VietGAP và GlobalGAP. Đến nay, toàn huyện có 97 mã số vùng trồng thanh long với diện tích trên 6.250 ha.
Ông Nguyễn Trung Quý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát (huyện Chợ Gạo) cho biết, Hợp tác xã đã được cấp 6 mã số vùng trồng xuất khẩu trái thanh long đi các nước Mỹ, Trung Quốc, Australia và New Zealand,... Ông Quý đánh giá, mã số vùng trồng là tấm giấy thông hành cho trái cây Việt Nam đến với thị trường các nước. Nhờ có mã số vùng trồng, các hợp tác xã thuận lợi hơn trong việc liên hệ với các khách hàng trong, ngoài nước để xuất khẩu chính ngạch, giải quyết tốt đầu ra cho trái thanh long theo chuỗi cung ứng an toàn, bền vững, thu hút ngoại tệ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp.
Minh Trí
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.