Nguồn tin: Cổng TTĐT SNNMT Hà Tĩnh, 08/07/2025
Ngày cập nhật:
9/7/2025
An toàn thực phẩm là mối quan tâm chung của toàn xã hội và để đảm bảo điều đó, mọi quy trình cần bắt đầu từ nơi sản xuất. Tại Hà Tĩnh, nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ, an toàn đã và đang được duy trì, góp phần tạo ra nguồn nông sản sạch, chất lượng. Song song với đó, công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được chú trọng, nhằm đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách an toàn và góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương.
Với 2 sào đất trồng rau màu, bà Nguyễn Thị Đào ở tổ dân phố Đại Nghĩa, xã Đức Thọ đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất rau hữu cơ sau khi được tập huấn kỹ thuật từ Hội Nông dân và các đơn vị chuyên môn.
Bà Đào chia sẻ: Toàn bộ diện tích này trước kia trồng lúa nước nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi có chủ trương chuyển đổi, được tham gia HTX trồng rau an toàn, chúng tôi đã chuyển sang sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng ủ hoai mục và biết cách tự chế các dung dịch từ tỏi, ớt, rượu để phun phòng trừ sâu bệnh trên cây rau. Nhờ đó, đất trồng được cải tạo, hạn chế sâu bệnh, năng suất và giá trị kinh tế tăng cao, mỗi sào cho thu nhập gần 40 triệu đồng/năm, gấp 3 lần so với trồng lúa trước đây. Đặc biệt, nhờ sản phẩm sạch, an toàn nên đầu ra ổn định.
Bà Đào là một trong 24 thành viên của HTX Rau an toàn TDP Đại Nghĩa tham gia sản xuất rau màu theo hướng hữu cơ. Được biết, sau khi HTX rau an toàn TDP Đại Nghĩa được thành lập, HTX đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, hội nông dân các cấp để tổ chức nhiều lớp tuyên truyền, tập huấn nhằm phổ biến kiến thức và quy trình sản xuất rau màu an toàn cho các thành viên. Thay vì cách làm truyền thống dựa nhiều vào kinh nghiệm, người dân bắt đầu tiếp cận, thực hành theo hướng canh tác khoa học hơn, tuân thủ đúng quy chuẩn kỹ thuật và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Đến thời điểm hiện tại, 100% xã viên của HTX đã chuyển sang trồng rau an toàn trên tổng diện tích 2,4 ha. Đáng chú ý, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tự động để kiểm soát môi trường canh tác.
HTX Rau an toàn TDP Đại Nghĩa, xã Đức Thọ luôn tuân thủ quy trình sản xuất rau theo hướng hữu cơ, tạo sản phẩm chất lượng, có đầu ra ổn định.
Ông Nguyễn Ngọc Tâm - Giám đốc HTX Rau an toàn TDP Đại Nghĩa, xã Đức Thọ cho biết: “Với phương châm “An toàn cho người trồng – chất lượng cho người dùng”, HTX luôn đặt tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm lên hàng đầu trong mọi quy trình sản xuất, từ khâu chọn giống, làm đất, chăm sóc đến thu hoạch và tiêu thụ. Trung bình mỗi năm, bà con canh tác từ 3–4 vụ, mỗi sào cho thu nhập từ 9–10 triệu đồng/vụ, hiệu quả kinh tế vượt trội so với sản xuất thông thường. Điều quan trọng hơn cả là nhận thức của nông dân đã được nâng lên rõ rệt, sản xuất không chỉ để bán mà còn để xây dựng niềm tin với người tiêu dùng, từng bước khẳng định thương hiệu rau an toàn của địa phương trên thị trường.”.
Để từng bước thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong sản xuất, kinh doanh nông sản gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều mô hình sản xuất, chế biến tại Hà Tĩnh đã chú trọng hơn đến yếu tố kỹ thuật và chất lượng.
Tại Hợp tác xã Nuôi ong Ân Phú, xã Mai Hoa, tỉnh Hà Tĩnh – nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi với nhiều vùng hoa rừng phong phú, người dân đã tận dụng lợi thế bản địa để đầu tư phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn và nỗ lực của chính các thành viên, HTX đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Đậu Khắc Mạnh - Giám đốc HTX Nuôi ong Ân Phú cho hay: Hiện nay, HTX đang duy trì ổn định quy mô khoảng 800 đàn ong, cho sản lượng mật lên đến 16 tấn/năm. Không chỉ dừng lại ở việc khai thác mật ong thô như trước, các thành viên HTX đã chú trọng đầu tư máy móc, từng bước chuẩn hóa quy trình sơ chế và đóng gói sản phẩm. Mật ong sau thu hoạch sẽ được đưa qua các công đoạn kỹ thuật như lọc thô, hạ thủy phần để giảm độ ẩm, xử lý nấm mốc, và cuối cùng là lọc siêu mịn – nhằm giữ được hương vị tự nhiên, đồng thời kéo dài thời gian bảo quản.Toàn bộ sản phẩm đều có tem nhãn, mã truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Nhờ đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, hai dòng sản phẩm chủ lực của HTX là mật ong nguyên chất và mật ong ngâm hoa đu đủ đực, đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Chính vì vậy, sản phẩm đã được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, nhất là kiểm soát được đầu vào, nhằm cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo hệ sinh thái bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị nông sản, Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật các quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh chú trọng triển khai. Đến nay, Hà Tĩnh đang có 17 cơ sở sản xuất trồng trọt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ với diện tích 93,52 ha và 291,43 ha đang sản xuất theo quy trình hữu cơ; có 2.103,8 ha/269 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP còn hiệu lực; sản xuất rau, hoa các loại, dưa lưới trong nhà màng, nhà lưới diện tích 196.776 m 2 với 283 cơ sở. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã công nhận 405 sản phẩm OCOP, trong đó có 248 sản phẩm còn hiệu lực chứng nhận OCOP (gồm 8 sản phẩm 4 sao, 240 sản phẩm 3 sao).
Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra luôn được duy trì thường xuyên, qua đó ngăn chặn và xử lý kịp thời nhiều vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, quảng cáo thực phẩm.
Ông Lê Tùng Dương - Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng Hà Tĩnh cho hay: Riêng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, đơn vị đã thành lập đoàn và đã kiểm tra 20 cơ sở sản xuất – kinh doanh, lấy 42 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm. Dù chưa phát hiện sai phạm, nhưng việc duy trì thanh tra, kiểm tra thường xuyên góp phần nâng cao hiệu lực quản lý, tạo ra sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn cho người tiêu dùng, giữ ổn định sản xuất và thúc đẩy thị trường.
Đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp không chỉ là yêu cầu cấp thiết trước tình trạng lạm dụng hóa chất, mà còn là cơ hội để Hà Tĩnh nâng cao chất lượng nông sản, khẳng định thương hiệu trên thị trường. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân là bước đi đúng đắn, song để người nông dân an tâm sản xuất theo hướng bền vững, cần có thêm chính sách hỗ trợ kỹ thuật, kết nối đầu ra và mở rộng thị trường tiêu thụ./.
Nguyễn Hoàn - Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.