Nguồn tin: Cổng TTĐT Sở NNMT Hà Tĩnh, 09/07/2025
Ngày cập nhật:
12/7/2025
Vào những ngày hè oi bức với nhiệt độ lên tới 37–39°C, nắng nóng kéo dài không chỉ gây hại cho cây trồng, vật nuôi mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đàn ong – loài rất nhạy cảm với môi trường. Nếu không được chăm sóc đúng cách, ong dễ kiệt sức, giảm khả năng kiếm ăn và suy giảm quân số, làm ảnh hưởng đến năng suất mật và sự phát triển của đàn.
Tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh - nơi nghề nuôi ong đang dần trở thành một hướng phát triển kinh tế tiềm năng cho nông hộ – việc bảo vệ và chăm sóc đàn ong trong mùa nắng nóng đã và đang được người dân đặc biệt quan tâm. Các hộ nuôi ong không chỉ dựa vào kinh nghiệm truyền thống, mà còn chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật để giúp ong vượt qua thời tiết khắc nghiệt.
Ong là loài có khả năng điều chỉnh nhiệt độ trong tổ thông qua sự phối hợp hoạt động của các cá thể trong đàn, đặc biệt là ong thợ. Tuy nhiên, khi nhiệt độ môi trường quá cao, đặc biệt trên 35 0 C kéo dài, khả năng điều hòa của đàn ong bị quá tải. Nhiệt độ trong thùng tổ tăng nhanh khiến ong phải bay ra ngoài nhiều hơn để giảm nhiệt, làm gián đoạn quá trình chăm sóc ấu trùng và tích mật.
Thời tiết nắng nóng còn kéo theo tình trạng khô hạn, cây cối khan hiếm hoa và nước – là hai yếu tố sống còn đối với đàn ong. Thiếu nguồn mật và phấn tự nhiên, ong không đủ dinh dưỡng để nuôi ấu trùng, đàn nhanh chóng suy yếu, dẫn đến hiện tượng giảm quân, mất ong chúa hoặc ong bỏ tổ.
Thùng ong nên được đặt ở dưới các tán cây râm mát
Đang di chuyển các thùng ong về vị trí râm mát hơn, Ông Nguyễn Quang Duẫn - Thôn Mỹ Ngọc, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Mai Hoa, tỉnh Hà Tĩnh) cho hay: Vị trí đặt các thùng ong cực kỳ quan trọng để có thể bảo toàn được đàn ong qua mùa nắng nóng. Nơi đặt thùng ong phải thông thoáng, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp. Nên đặt dưới tán cây to … để giảm nhiệt độ môi trường xung quanh thùng ong. Những hộ nuôi ong nhiều có thể dựng hệ thống giàn che cố định, kết hợp với quạt thông gió, đặc biệt ở các khu vực nắng nóng liên tục.
Thùng ong nên được kê cao cách mặt đất từ 30 - 50 cm để tránh hơi nóng bốc lên từ mặt đất và tránh kiến, mối tấn công. Đảm bảo lỗ ra vào tổ đủ rộng để ong thông gió; có thể tạo thêm lỗ thông nhỏ ở phía đối diện để tăng đối lưu không khí, nên quay hướng tổ về hướng có gió mát.
Bà Nguyễn Thị Bích Liên - Thôn Thanh Bình, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Mai Hoa, tỉnh Hà Tĩnh) đang lấy các lá cọ che chắn cho thùng ong: Nghề nuôi ong mang lại thu nhập chính cho gia đình tôi. Mỗi năm gia đình cũng thu về 50 - 60 triệu đồng từ việc bán mật ong.
Bà Liên cũng cho hay, bổ sung nước uống là biện pháp rất quan trọng để giúp đàn ong chống nóng. Người nuôi nên bố trí khay nước có lót vải thấm, xốp hoặc cát ẩm gần đàn ong để ong dễ tiếp cận mà không bị đuối sức hoặc chết đuối. Với những hộ nuôi gần ruộng, hồ, suối, cũng nên tạo điểm hút nước cố định để ong không phải bay xa.
Ông Phạm Trường Sơn - Kỹ sư Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh khẳng định thêm: Chế độ dinh dưỡng trong mùa nắng nóng cũng cần được quan tâm đặc biệt. Do thiếu mật hoa và phấn tự nhiên, người nuôi cần cho ong ăn bổ sung bằng nước đường loãng (tỷ lệ 1:1) kèm men tiêu hóa, vitamin, phấn hoa hoặc bánh đậu nành lên men. Nên cho ăn vào chiều mát, đặt thức ăn trong thùng hoặc sát cửa tổ để tránh thu hút ong ngoài. Việc bổ sung dinh dưỡng đều đặn giúp ong khỏe, duy trì quân số, đảm bảo khả năng chăm sóc ong non và tích mật.
Ngoài ra, việc kiểm tra tổ ong định kỳ cũng rất cần thiết. Nên kiểm tra ít nhất 5 - 7 ngày/lần để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường như ong bỏ cầu, giảm quân, ong chúa yếu…Đồng thời vệ sinh thùng ong, loại bỏ cầu bệnh, cầu củ, phát hiện và diệt trừ các đối tượng gây hại như gián, rết, thạch sùng … Tùy tình trạng thực tế, người nuôi có thể tiến hành chia đàn, nhập đàn, thay ong chúa, bổ sung cầu nhộng hoặc phấn mật nhằm cân bằng và phục hồi đàn ong. Tuyệt đối tránh mở nắp tổ vào giữa trưa nắng gắt để hạn chế sốc nhiệt cho đàn.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, nắng nóng gay gắt và khô hạn kéo dài đang trở thành mối đe dọa thường trực đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và nghề nuôi ong nói riêng. Việc chủ động thích ứng với thời tiết, không ngừng học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật sẽ giúp người nuôi ong bảo vệ được đàn ong, duy trì năng suất, chất lượng mật ổn định và phát triển bền vững nghề nuôi ong trong dài hạn.
Hà Trần - TTKN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.