• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát triển bền vững trụ cột ‘nông nghiệp’

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 03/02/2025
Ngày cập nhật: 6/2/2025

Trên địa bàn huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, góp phần đưa “trụ cột” nông nghiệp phát triển bền vững, là bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế của địa phương này.

Từ diện tích trồng cây kém hiệu quả, anh Nguyễn Văn Út chuyển đổi sang nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều mô hình mới, hiệu quả

Hơn 1 năm trước, trên khu đất hơn 1,5ha của gia đình, anh Lê Hoàng Thân, ở ấp Hưng Phú, thị trấn Cây Dương, triển khai mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Khởi đầu từ việc anh nuôi 8 con bò rồi lấy phân bò để nuôi trùn quế. Anh dùng phân trùn quế để bón cho cây chuối và cỏ voi, là nguồn thức ăn chăn nuôi bò. Còn trùn quế thì làm thức ăn cho cá trê vàng. Ngoài ra, anh còn nuôi dúi và trồng thêm cây dừa.

Theo anh Thân: “Việc sản xuất nông nghiệp tuần hoàn giúp tôi giảm được chi phí đầu vào, thời gian và công sức, cho lợi nhuận khá. Qua 1 năm triển khai, tôi thấy mô hình này khá phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tới đây, tôi sẽ phát triển thêm các loài cây trồng, vật nuôi mới trong mô hình tuần hoàn. Tận dụng những cái sẵn có để hình thành một điểm du lịch học đường, cho học sinh đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống nông thôn”.

Đây là một trong những mô hình đã được hỗ trợ theo Nghị quyết số 05 ngày 7/4/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phụng Hiệp về phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Từ sự trợ lực đó, đến cuối năm 2024, toàn huyện có 1.540 mô hình nông nghiệp tập trung và làm ăn có hiệu quả, tăng 120 mô hình so với năm 2023; 9 giấy chứng nhận VietGAP; 4 giấy chứng nhận GlobalGAP; 21 mã số vùng trồng,…

Huyện chú trọng xây dựng các mô hình nông nghiệp mới, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật như: trồng măng tây trong nhà lưới, trồng nấm rơm, nấm bào ngư, nuôi lươn, trồng cây ăn trái sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước,… Đến nay, huyện Phụng Hiệp có 185 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng 20 mô hình so với năm 2023. Từ đó, làm tăng năng suất, chất lượng, mang lại thu nhập khá cho người nông dân trên địa bàn huyện.

Định hướng phát triển bền vững

Năm 2024, huyện Phụng Hiệp xuống giống 40.466ha lúa các vụ; 7.806,7ha rau màu; 3.055,7ha cây mía, tất cả đều vượt so với kế hoạch đề ra. Huyện còn có 11.994ha cây ăn trái, trong đó, có 3.992ha cây có múi, 565ha cây xoài, 1.196ha cây mít, 1.157ha cây sầu riêng, 232ha cây mãng cầu,… Lĩnh vực chăn nuôi phát triển với các loại gia súc, gia cầm, trâu, bò, heo. Đặc biệt là sự xuất hiện một số mô hình chăn nuôi các loài như: chồn hương, dúi, rắn ri voi, heo rừng,...

Từ diện tích đất trồng tràm, mía và chuối kém hiệu quả, mấy năm trước, anh Nguyễn Văn Út, ở ấp Long Phụng, xã Hiệp Hưng, đã mạnh dạn chuyển sang nuôi rắn ri voi và chồn hương với mục đích sinh sản. Anh Út chia sẻ: “Tôi rất đam mê các loài động vật rừng nên đã nghiên cứu kỹ thuật và đầu tư nuôi. Tôi thấy đây là mô hình triển vọng, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Hiện anh Út đang sở hữu khoảng 500 con rắn ri voi và 38 con chồn hương bố mẹ. Anh còn nhân giống thành công các loài này, cho năng suất, sản lượng cao. Sắp tới, anh Út định hướng mở rộng diện tích chuồng nuôi, thử nghiệm nuôi thêm các loài vật mới như dúi, nhím,… Qua đó, góp phần chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, là nền tảng để phát triển bền vững nền nông nghiệp địa phương.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Năm 2025, chúng tôi tiếp tục chú trọng xây dựng mã số vùng trồng cho nông sản và chuyển đổi số nông nghiệp. Tích cực chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Chú trọng xây dựng các mô hình nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP gắn với chuỗi giá trị nông sản. Vận động người dân tham gia kinh tế hợp tác để sản xuất theo quy mô lớn, giảm chi phí đầu vào, ổn định đầu ra nông sản”.

Với những định hướng đó, huyện Phụng Hiệp tiếp tục phát triển “trụ cột” nông nghiệp theo hướng bền vững và hiệu quả hơn, để lĩnh vực này tiếp tục là bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế - xã hội huyện nhà.

ĐANG THƯ

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang