• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bình Định: Phát huy sức mạnh cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Nguồn tin: Báo Bình Định, 03/01/2025
Ngày cập nhật: 5/1/2025

Năm 2024, lực lượng chức năng và các địa phương ven biển tiếp tục hướng hoạt động bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản vào chiều sâu và nỗ lực lan rộng phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nhờ vậy, nhận thức của người dân về trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản được nâng lên.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng

Năm 2024, 31 xã, phường ven đầm, ven biển trong tỉnh Bình Định tiếp tục triển khai thực hiện phong trào thi đua Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) theo 4 tiêu chí: Quản lý hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản; bảo tồn và phát triển NLTS, bảo vệ môi trường hệ sinh thái; quản lý khai thác thủy sản, tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá; tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện pháp luật về thủy sản, đánh giá hoạt động tổ đoàn kết khai thác, tổ/nhóm hạt nhân bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Theo Chi cục Thủy sản, đa số địa phương có sự chủ động sau nhiều năm triển khai thực hiện phong trào. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, văn bản chỉ đạo của các cấp, nhất là những quy định mới luôn đổi mới, linh hoạt, kịp thời và đầy đủ, góp phần tạo sự đồng thuận trong người dân, nâng cao ý thức trong dân về trách nhiệm bảo vệ NLTS.

Tháng 3.2024, UBND huyện Phù Mỹ đã ra quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho Tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ và khai thác NLTS tại đầm Trà Ổ theo Luật Thủy sản 2017 với diện tích 1.140 ha. Tính đến nay, cùng với 4 tổ chức cộng đồng ở TP Quy Nhơn, toàn tỉnh có tổng cộng 5 tổ chức với hàng trăm thành viên là hộ gia đình, cá nhân hoạt động ở nhiều lĩnh vực (khai thác, chế biến, hậu cần dịch vụ nghề cá, du lịch giải trí gắn với thủy sản). Trong năm 2024, các tổ chức cộng đồng đã tổ chức nhiều hoạt động như dọn vệ sinh bãi biển, bắt sao biển gai, thả phao tiêu biển báo tại khu vực khoanh vùng, quan trắc đánh giá hệ sinh thái rạn san hô… Nhiều thành viên đã phát hiện, khai báo và bảo vệ nhiều ổ đẻ của rùa biển, phối hợp với lực lượng chức năng xử lý hành vi bẻ phá san hô, khai thác thủy sản trái phép…

Các tổ, đội đoàn kết trên biển cũng tích cực phát huy vai trò trong bảo vệ NLTS, bảo vệ các loài thủy sản quý hiếm, tuân thủ quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Chi cục Thủy sản đã phối hợp với một số cơ quan chức năng, địa phương, người dân tiếp nhận, thả về biển 5 rùa biển có nguy cơ tuyệt chủng; thả 57.400 cá các loại cùng 469 nghìn con giống thủy sản tại đầm Trà Ổ, Cảng Quy Nhơn...

Chi cục Thủy sản tổ chức thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: N.T

Cần tiếp tục đẩy mạnh

Dù vậy, công tác bảo vệ NLTS của tỉnh đang gặp không ít khó khăn vì một bộ phận người dân hám lợi vẫn dùng dụng cụ khai thác cấm sử dụng như xung điện xiếc máy tận diệt NLTS.

Ông Trịnh Minh Bình, Chủ tịch UBND xã Cát Minh (huyện Phù Cát), cho biết, dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng xã vẫn chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng xung điện xiếc máy trên địa bàn vì còn một số người dân cố tình vi phạm. Hoạt động của các đối tượng này ngày càng tinh vi, dùng nhiều biện pháp để đối phó với lực lượng chức năng”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) kiêm Tổ trưởng Tổ chức cộng đồng bảo vệ NLTS xã Nhơn Hải, kiến nghị: “So với cán bộ xã và lực lượng chức năng, thành viên của Tổ cộng đồng là những lão ngư rất có uy tín, có kinh nghiệm nói bà con nghe theo. Để duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động, Tổ cộng đồng Nhơn Hải mong muốn được các cấp quan tâm, tiếp tục bố trí kinh phí hỗ trợ hằng năm như đã làm ở 2 năm trước”.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với lực lượng chức năng và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tạo ra những cộng đồng ngư dân hiểu kỹ, nắm rõ quy định, trách nhiệm với việc bảo vệ NLTS; đồng thời, đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

Kế hoạch chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2024 - 2030 sẽ được tiếp tục triển khai trong năm 2025. Đây được xem là một trong những giải pháp căn cơ nhằm giải quyết triệt để hành vi khai thác thủy sản trái phép, giúp bảo vệ và phát triển lâu dài, bền vững nguồn lợi thủy sản. Dự án Điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ, vùng lộng của tỉnh để phục vụ công tác bảo vệ nguồn lợi và quản lý nghề cá theo Luật Thủy sản 2017 cũng đang được tiến hành. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt việc xử phạt theo Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đạt được nhiều hiệu quả.

NGỌC TÚ

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang