Nguồn tin: Báo Lào Cai, 02/01/2025
Ngày cập nhật:
6/1/2025
Say mê kể chuyện về những đàn ong mật cần mẫn, nông dân Cao Văn Chiến, thôn Nậm Dù, xã Xuân Quang (Bảo Thắng, Lào Cai) nhớ như in hành trình băng rừng, dò từng khe đá tìm tổ ong tự nhiên lấy mật đầy vất vả, nguy hiểm đến quyết tâm thuần hóa đưa ong về nuôi trong vườn nhà và gây dựng thành công thương hiệu mật ong núi đá, mang nghề mới cho người dân trong xã thu tiền tỷ mỗi năm.
Xuân Quang có diện tích núi đá và rừng tự nhiên lớn, có nhiều loài thảo dược quý, hoa nở bốn mùa. Đó là điều kiện thuận lợi để loài ong mật tìm nơi làm tổ và sinh sống. Trước đây, cứ mỗi độ tháng 3, người dân địa phương vào rừng tìm lấy tổ ong mật ẩn mình trong hang động, khe đá, trên thân cây cổ thụ. Mật ong Xuân Quang từ lâu đã nức tiếng khắp vùng về độ ngọt thơm và bổ dưỡng. Tuy nhiên, cũng do sự khai thác quá mức nên số lượng đàn ong dần suy giảm.
Hồi còn nhỏ từng nhiều lần theo người lớn vào rừng tìm kiếm, khai thác mật ong, anh Cao Văn Chiến không khỏi buồn khi sản vật quý của địa phương ngày càng suy giảm. Cơ duyên đã đến vào một ngày tháng 3, cách đây hơn chục năm, khi một đàn ong bay về chọn làm tổ trong chiếc hòm gỗ sau nhà. Chúng cần mẫn vào rừng tìm phấn hoa mang về tạo mật ngọt. Mùa xuân năm đó, gia đình anh Chiến khai thác được gần 5 lít mật với chất lượng thơm ngon hệt như mật ong rừng. Đến giữa hè, do số lượng quân quá lớn, ong có hiện tượng tách đàn. Chính lúc đó, ý tưởng táo bạo đã nảy ra trong tâm trí anh Chiến “mình sẽ nuôi ong để bảo vệ, duy trì sản vật quý giá của địa phương”.
Nghĩ là làm, anh tận dụng gỗ vườn nhà đóng vài chiếc thùng đặt xung quanh tổ ong hiện có để dụ những con ong soi vào. Chỉ vài ngày sau, việc tách đàn đã thành công như ý muốn. Không phụ lòng người, đàn ong nhanh chóng ổn định và tìm kiếm mật hoa từ thiên nhiên. Những giọt mật chất lượng không thua kém mật ong rừng được anh mang biếu tặng người thân, bạn bè dùng thử, sau đó một số người hỏi mua là động lực để anh mở rộng quy mô đàn hướng tới sản xuất hàng hóa.
Tuy nhiên, thời gian đầu do thiếu kinh nghiệm, anh Chiến không thể giữ được đàn ong lâu, vừa khai thác mật xong, đàn ong đã bay đi mất hơn một nửa, số còn lại bị chết dần khi mùa đông đến. Cả ngày anh ở ngoài vườn quan sát đàn ong, đêm không ngủ suy nghĩ cách nào để giữ đàn ong quý. Anh coi chúng là vật nuôi thân thiết và cũng không biết từ khi nào anh đã thuộc từng tập tính, sự thay đổi của chúng theo giờ, theo mùa. Để duy trì và phát triển đàn ong, anh kiên trì tìm hiểu và nắm rõ kỹ thuật tạo chúa và chia đàn. Anh Chiến tâm sự: Khi đàn ong sung mãn, khi nguồn phấn, mật dồi dào hoặc ong chúa đã già thì đàn ong có khuynh hướng tạo những mũ chúa để nuôi chúa mới, nhằm thay thế hoặc chia bầy. Đây là đặc điểm sinh học nhằm bảo vệ nòi giống của ong. Thế nên, cần quan sát kỹ và chọn thời điểm thích hợp để chia đàn hợp lý thì mới đạt hiệu quả cao nhất.
Mùa đông là mùa khắc nghiệt nhất đối với loài ong, nếu không biết cách chăm sóc đúng, người nuôi có thể khiến đàn ong của mình hao hụt lượng lớn sau khi mùa đông kết thúc. Vì vậy, vào mùa đông, anh Chiến thường cho ong nghỉ và bổ sung thức ăn cho ong (chính bằng mật ong và phấn hoa, bột hoa quả…) để tăng sức đề kháng, đảm bảo sức khỏe và sự sống của chúng.
Để tăng sản lượng mật, tối ưu hóa quy trình nuôi, anh Chiến tích cực khảo sát những vùng có nguồn hoa khác nhau trong tỉnh như hoa nhãn, hoa đào, hoa keo, hoa lê, hoa mận, hoa mua… để di chuyển đàn ong đến khai thác mật hoa đúng thời vụ. Nhờ đó đàn ong có đủ thức ăn theo mùa, cho sản lượng mật vượt trội, chất lượng thơm ngọt, bổ dưỡng. Việc này cũng giúp anh có kế hoạch nuôi ong cụ thể, rõ ràng khi nào nhân giống, khi nào khai thác mật và khi nào ngừng thu hoạch để bảo vệ đàn ong… Mỗi mùa hoa nở, đàn ong lại phục hồi nhanh chóng, sẵn sàng cho những đợt thu hoạch mật hiệu quả nhất. Nhờ đó thu nhập từ nuôi ong ngày càng tăng lên.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, sau khi tích lũy được kinh nghiệm, nắm chắc quy trình nuôi ong hiệu quả nhất, anh Chiến đã tuyên truyền, vận động những người thân, hàng xóm làm theo. Gia đình anh trở thành địa chỉ tin cậy để người dân trong và ngoài vùng nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, đồng thời bao tiêu sản phẩm mật ong cho người dân.
Để phát triển nghề nuôi ong theo hướng hàng hóa, anh đã cùng bà con trong thôn thành lập Hợp tác xã Nậm Dù chuyên nuôi ong lấy mật. Với cương vị Giám đốc Hợp tác xã, anh Chiến đã chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh và hướng dẫn, định hướng chăn nuôi, trồng trọt cho các xã viên. Hiện trung bình mỗi năm, hợp tác xã cung ứng ra thị trường hơn 5 nghìn lít mật ong và gần 500 đàn ong giống, với giá bán từ 250 - 370 nghìn đồng/lít mật ong; 600 - 800 nghìn đồng/đàn ong giống, đem về doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Sản phẩm mật ong Núi Đá, xã Xuân Quang được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh và được người tiêu dùng biết đến thông qua xúc tiến thương mại, hội chợ, trang facebook, zalo, trên sàn thương mại điện tử Postmart. Sản phẩm dần được lan tỏa đến khách hàng trong và ngoài tỉnh như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương...
Với việc xây dựng thành công thương hiệu mật ong Núi Đá, anh Cao Xuân Chiến đã tạo việc làm mới, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ gia đình, vừa phát triển thương hiệu hàng hóa đặc trưng của địa phương, góp phần giúp người dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu và thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của địa phương phát triển bền vững.
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.