Nguồn tin: Báo Ninh Thuận, 30/04/2025
Ngày cập nhật:
1/5/2025
Tỉnh Ninh Thuận có bờ biển dài hơn 105km và vùng lãnh hải rộng trên 18.000km2, là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước. Thực hiện các nghị quyết, chương trình phát triển thủy sản của Đảng và Nhà nước, nhất là thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành thủy sản của tỉnh đã từng bước cơ cấu toàn diện các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả nổi bật.
Nếu thời điểm mới tái lập tỉnh (tháng 4/1992), cả tỉnh chỉ có khoảng 1.000 tàu cá, thì đến nay, năng lực tàu cá của tỉnh tăng lên khoảng 2.000 tàu cá; trong đó, có trên 800 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Trên chặng đường phát triển của ngành thủy sản, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động thiết thực, chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương ven biển triển khai đồng bộ các giải pháp, áp dụng linh hoạt cơ chế, chính sách hỗ trợ của trung ương. Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu thuyền có công suất lớn; tăng cường cải tiến ngư lưới cụ, lắp đặt các thiết bị hàng hải hiện đại để đánh bắt. Từ định hướng phát triển tàu cá có công suất lớn, ứng dụng khoa học, công nghệ trong khai thác và đặc biệt thông qua các chính sách hỗ trợ, nhất là chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo điều kiện cho ngư dân có thêm kinh phí sửa chữa, nâng công suất tàu cá lớn hơn để tăng sản lượng đánh bắt.
Là một trong những ngư dân có thâm niêm hàng chục năm trong nghề đi biển, ông Trần Công Thắng, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) chia sẻ: Tập quán đánh bắt truyền thống của bà con ngư dân trong tỉnh hầu hết là đánh bắt ven bờ, vùng lộng với nghề chính là pha xúc cá cơm, đây là nguyên nhân dẫn đến sản lượng thủy sản gần bờ suy giảm. Để nâng cao hiệu quả khai thác, các tàu có công suất lớn mạnh dạn đầu tư lắp đặt các thiêt bị hiện đại như: Máy dò ngang Sonar, máy rada hàng hải, thiết bị kết nối vệ tinh, thiết bị giám sát hành trình, nhờ đó làm tăng khả năng hoạt động dài ngày trên vùng biển xa, đồng thời góp phần bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.
Ngư trường đánh bắt được mở rộng, tập trung từ vùng biển của tỉnh đến Đông Nam đảo Phú Quý (Bình Thuận), khu vực Trường Sa - ĐK1... Qua đó, giảm đáng kể tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản gần bờ, sản phẩm đánh bắt chủ yếu là cá ngừ vằn, cá đổng, cá thóc, mực các loại; thúc đẩy sản lượng tăng nhanh, từ 12.600 tấn (năm 1992) tăng lên 132.641 tấn (năm 2024) hải sản các loại, tăng trưởng bình quân 9,4%/năm, đem lại thu nhập ổn định cho ngư dân, cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến.
Nuôi trồng thủy sản cũng từng bước phát triển dựa trên điều kiện tự nhiên, lợi thế của từng vùng, tổ chức sản xuất đa dạng hóa giống nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 127 bè nổi, 2.400 lồng nổi và khoảng 1.000 lồng chìm nuôi tôm hùm thương phẩm, 800 lồng nuôi cá bớp, cá chim, cá mú và tại khu vực Đầm Nại có hơn 840 bè nuôi hàu. Nhờ chất lượng nguồn nước tốt, nước biển luôn giữ độ mặn cao và ổn định quanh năm đã tạo nên lợi thế phát triển nghề sản xuất tôm giống, với 450 cơ sở tôm giống hoạt động, năng lực sản xuất hằng năm đạt từ 40-50 tỷ con, đáp ứng từ 30-40% nhu cầu tôm giống của cả nước. Đặc biệt “Tôm giống Ninh Thuận” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp nhãn hiệu chứng nhận, góp phần khẳng định vị thế quan trọng trong sản xuất tôm giống của cả nước. Một số đối tượng giống khác cũng được phát triển mạnh như: Ốc hương giống, hàu Thái Bình Dương, tôm càng xanh, cá giống các loại, với sản lượng hàng trăm triệu con giống mỗi năm và được thị trường đánh giá cao về chất lượng.
Kiểm tra chất lượng con giống tại một cơ sở sản xuất tôm giống ở huyện Ninh Hải.
Từ những tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên cùng với các công trình nghề cá từng bước được quan tâm đầu tư, đưa ngành thủy sản giữ vai trò quan trọng với cơ cấu chiếm 57% toàn ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nghề khai thác hải sản đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm, diễn biến thời tiết thất thường. Các công trình hạ tầng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức tại các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, dẫn đến thay đổi các hệ sinh thái và môi trường, thường xuyên xảy ra dịch bệnh, gây thiệt hại cho hộ nuôi...
Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 6272/KH-UBND ngày 17/11/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, theo đồng chí Nguyễn Kim Long, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường), nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới là tiếp tục tham mưu cấp trên ban hành các văn bản, chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác và dịch vụ khai thác trên các vùng biển xa; tăng cường nắm bắt diễn biến ngư trường, vận động ngư dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trong đánh bắt, bảo quản sản phẩm sau khai thác, tuân thủ nghiêm các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Phối hợp với các địa phương cơ cấu hợp lý vùng nuôi trồng thủy sản, lựa chọn và phát triển các loài nuôi chủ lực gắn bảo vệ môi trường sinh thái.
Đăng Khôi
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.