Nguồn tin: Báo Tây Ninh, 25/09/2015
Ngày cập nhật:
26/9/2015
Thời gian gần đây, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chi cục Thú y tỉnh Tây Ninh đã quản lý chặt chẽ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo. Tuy nhiên vì lợi nhuận, vẫn có nhiều trang trại, hộ chăn nuôi sử dụng các chất cấm để tăng trọng trên đàn heo, gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước và tâm lý bất an cho người tiêu dùng.
Khó nhận biết thịt heo có sử dụng chất cấm
Thường ngày chị Thu Trang- ở ấp Trường Lưu, xã Trường Đông, huyện Hoà Thành đi chợ mua thịt heo dùng cho cả gia đình. Từ khi có thông tin người chăn nuôi heo sử dụng chất cấm, chị cảm thấy lo. Chị Trang cho biết, thật khó mà phân biệt thịt heo nào có sử dụng chất cấm, vì miếng thịt nào trông cũng ngon và giống hệt nhau. Để bảo vệ sức khoẻ gia đình, chỉ còn cách mua cá và thịt gà thay thế thịt heo mà thôi.
Bà Dương Thị Lộc- một tiểu thương bán thịt heo tại Trung tâm thương mại Long Hoa, huyện Hoà Thành cũng thừa nhận không thể nhận biết miếng thịt heo nào có chứa chất cấm, miếng nào không. Theo người tiêu dùng thường chọn miếng thịt nhiều nạc, nay nghe thông tin có sử dụng chất cấm, người mua cẩn trọng hơn.
Ông Nguyễn Văn Mấy- Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là một tội ác cần phải ngăn chặn, xử lý nghiêm để răn đe. Hiện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 78 trang trại và 300 gia trại chăn nuôi heo, với tổng đàn hơn 220.500 con.
Hiện nay, lực lượng thú y đã phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các trang trại, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… để ngăn chặn, không cho sử dụng chất cấm. Những đàn heo phát hiện có chất cấm sẽ bị giữ lại, không cho ra thị trường.
Ông Mấy khuyến cáo, dù cơ quan chức năng tích cực kiểm tra, ngăn chặn, nhưng người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng, nếu thấy miếng thịt heo có nạc nhiều, da mỏng và ít mỡ “bất thường” thì nên cân nhắc, vì nhiều khả năng đây là miếng thịt có thành phần chất cấm trong chăn nuôi.
Kiểm đến đâu vi phạm đến đó
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, ngành chức năng tỉnh phát hiện hàng loạt cơ sở chăn nuôi đưa chất cấm vào heo thịt để tăng lợi nhuận.
Ông Trần Văn Thạnh- Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, từ tháng 8.2015, Sở NN&PTNT đã thành lập đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra 9 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn. Qua đó đoàn đã phát hiện 5 cơ sở chăn nuôi có sử dụng chất cấm Salbutamol (chất tạo nạc). Vừa qua, ông đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 cơ sở này. Cụ thể, tại cơ sở ông Lê Văn Sinh, ở ấp Tân Lợi, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, qua kiểm tra, chất cấm Salbutamol có trong nước tiểu của 19 con heo, với hàm lượng là 8,86 ppb- vượt 4,34 lần so với quy định. Ngày 16.9.2015 Thanh tra Sở NN&PTNT ra quyết định xử phạt hành chính đối với cơ sở ông Lê Văn Sinh 15 triệu đồng.
Trước đó, ngày 11.9.2015, Thanh tra Sở NN&PTNT ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng đối với hộ bà Lê Thị Thuỷ, ở ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên do phát hiện có chất Salbutamol trong nước tiểu của 36 con heo, với hàm lượng là 2.024 ppb- vượt đến 1.012 lần so với quy định.
Ngoài ra, ngày 3.9.2015, Thanh tra Sở NN&PTNT cũng đã ra quyết định xử phạt 3 cơ sở sử dụng chất cấm Salbutamol vào đàn heo. Đây là những cơ sở chăn nuôi với quy mô trang trại nên bị áp dụng tình tiết tăng nặng để răn đe, với mức phạt tiền cao nhất trong khung là 20 triệu đồng/cơ sở.
Đối với hộ ông Nguyễn Quốc Nguyên ở ấp Trường Phú, xã Trường Đông, huyện Hoà Thành, Thanh tra Sở NN&PTNT ra quyết định xử phạt 20 triệu đồng vì đã sử dụng chất Salbutamol trên 87 con heo, với hàm lượng trong nước tiểu là 56,1 ppb- vượt 28,05 lần so với quy định.
Tương tự, Thanh tra Sở xử phạt cơ sở bà Nguyễn Thị Kim Thanh, ở ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành số tiền 20 triệu đồng cũng do sử dụng chất Salbutamol trên 110 con heo, với hàm lượng 1.429 ppb- vượt đến 714,5 lần so với quy định; xử phạt hộ ông Võ Hữu Chính số tiền 20 triệu đồng, vì đã sử dụng chất cấm Salbutamol trên 100 con heo, với hàm lượng 4,41 ppb- vượt 2,205 lần so với quy định…
Bên cạnh đó, thị trường thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y hiện nay cũng khá “bát nháo”, Thanh tra ngành Nông nghiệp kiểm tra là phát hiện sai phạm. Vừa qua, Đoàn Thanh tra Sở NN&PTNT đã tiến hành đã lấy 25 mẫu thuốc thú y của các công ty ngoài tỉnh hiện có cửa hàng trong tỉnh để kiểm nghiệm chất lượng. Qua kiểm nghiệm có 5/25 mẫu thuốc thú y chưa đạt chất lượng- chiếm tỷ lệ 20%. Những mẫu vi phạm là: TTY COLI 24h, TTY Cefti- coli, TTY cúm gà số 1, TTY CRD- STOP, TTY NEO- SULFAZYM.
Cần siết chặt quản lý
Để bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã có Chỉ thị số 7285/CT-BNN-CN về việc tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi. Đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương chấn chỉnh tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang có chiều hướng gia tăng báo động ở các địa phương.
Để khẩn trương chấn chỉnh tình trạng này, Bộ NN&PTNT đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh, do Sở NN&PTNT làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành tuyên truyền rộng rãi những nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khoẻ cộng đồng; đồng thời thông tin kịp thời cho dư luận biết danh tính các đối tượng vi phạm. Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là hành vi phi đạo đức phải bị cộng đồng, dư luận tố giác, tẩy chay.
Theo ông Nguyễn Văn Mấy, các chất cấm trong thức ăn chăn nuôi gồm Salbutamol, Ractopamine và Clenbutrerol… có khả năng gây ảnh hưởng đến tim mạch, ù tai, mệt mỏi cho người tiêu dùng khi sử dụng trong thời gian dài - trong đó chất Salbutamol được sử dụng phổ biến nhất.
Đây là các chất điều trị bệnh ho, hen suyễn cho vật nuôi, nhưng có thêm tác dụng làm tan mỡ, gây chứng nghiện ngủ, ăn nhiều, tăng trọng nhanh, nâng cao tỷ lệ nạc… Đó là tác nhân gây ra bệnh ung thư. Hiện các đa số chất cấm có xuất xứ không rõ ràng, được bán trôi nổi trên thị trường, giá bán tương đối rẻ, sử dụng các chất này có thể giảm chi phí thức ăn từ 2 - 3 lần… nên nhiều người dù biết cấm nhưng vẫn sử dụng trong chăn nuôi để tăng lợi nhuận.
Ông cho biết thêm, trong thời gian tới, Chi cục sẽ mời tất cả chủ trang trang chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh đến tiếp tục tuyên truyền sự độc hại của việc sử dụng chất cấm trong nuôi heo. Đồng thời yêu cầu các chủ trang trại ký cam kết không được sử dụng bất ký chất cấm nào trong quá trình chăn nuôi, nếu vi phạm sẽ xử phạt nghiêm theo đúng quy định.
MỸ KHANH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.