Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 30/12/2015
Ngày cập nhật:
31/12/2015
Được biết đến là một đặc sản vùng cao với chất lượng thịt thơm ngon, tuy nhiên xây dựng thương hiệu thịt bò A Lưới (Thừa Thiên Huế) vẫn là câu chuyện “đường dài” còn lắm “khúc quanh”.
Dễ bị trà trộn
Mờ sáng, chợ A Lưới đã tấp nập người mua bán. Chị Trần Thị Tư, một tiểu thương bán thịt bò giới thiệu: Mỗi ngày, chợ A Lưới chỉ có 2 - 3 quầy thịt bò họp chợ (từ 4 giờ sáng đến 6 giờ chiều), mỗi quầy cung cấp khoảng 50 – 60 cân thịt bò, chủ yếu cho các nhà hàng, khách sạn, quán bún, cháo và nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Các chủ quầy thường thu mua bò ở các xã A Đớt, Nhâm, Hồng Quảng… sau đó đưa về lò mổ tập trung.
Bò A Lưới chủ yếu ăn cỏ cây tự nhiên, uống nguồn nước từ khe suối, không ăn thức ăn tăng trọng hay hóc-môn sinh trưởng. Do chủ yếu để cung cấp thịt, bò A Lưới được lựa chọn để giết mổ, không có bò già, bò loại thải, nên thịt mềm, thơm ngon, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, tăng thêm thu nhập cho các hộ nuôi và người tham gia phân phối sản phẩm.
Là người có tay nghề chế biến nhiều món ăn từ thịt bò, anh Trần Đăng Uynh, chủ nhà hàng Hoàng Linh ở thị trấn A Lưới cho biết: “Chất lượng thịt bò A Lưới thì khỏi bàn, tuy nhiên nguồn cung ứng bò thịt vẫn chưa đủ để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Vì vậy, đã có tình trạng bò được thu mua từ các địa phương khác về A Lưới, sau vài ba ngày vỗ béo đến lúc giết mổ lại trở thành thịt bò A Lưới, làm ảnh hưởng đến đặc sản của vùng đất này”.
Chung với nhận định đó, nhiều người dân ở thị trấn A Lưới cho biết, bò trà trộn được thu mua từ các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Bình đưa về A Lưới, nhất là vào dịp lễ, Tết. Để mua được thịt bò A Lưới chính hiệu, phải tìm đến các điểm giết mổ của người dân địa phương... Thịt bò A Lưới khi sờ tay vào cảm thấy săn chắc, không nhão, ướt như thịt bò trà trộn.
Mô hình sản xuất gắn với thương hiệu sản phẩm
Phát triển chăn nuôi bò sẽ giúp người dân trên địa bàn A Lưới có nguồn thu nhập ổn định, góp phần tạo ra sản phẩm đặc trưng phục vụ cho tiêu dùng và du lịch. Thế mạnh thì đã rõ, nhưng để phát huy được tiềm năng ấy vẫn còn nhiều việc phải làm. Hiện tại, quy mô chăn nuôi trên địa bàn còn nhỏ lẻ, chủ yếu là của cá nhân, đặc sản thịt bò vẫn đang dừng lại ở mức độ hàng hoá thông thường. Thương lái phải đến từng cơ sở giết mổ để đặt số lượng thịt theo khả năng cung ứng của từng hộ chăn nuôi. Từ yếu tố cạnh tranh của thị trường, đặc sản này vẫn thường bị thương lái ép giá, trà trộn sản phẩm. Địa phương lại chưa hình thành được hợp tác xã nông nghiệp quản lý và tổ chức mô hình sản xuất gắn với thương hiệu sản phẩm.
Mới đây, UBND huyện A Lưới tiến hành xây dựng đề án phát triển đàn bò giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu: Từng bước nâng cao chất lượng, phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn bò trên địa bàn huyện đạt 10.000 con, làm cơ sở xây dựng thương hiệu “Thịt bò A Lưới”… Theo đề án, huyện sẽ hỗ trợ nguồn vốn vay giúp các hộ chăn nuôi từng bước phát triển số lượng của đàn bò, hỗ trợ trồng mới 75 ha cỏ cao sản phục vụ chăn nuôi; tập huấn kỹ thuật nhân giống, quản lý giống và nuôi dưỡng bò cái sinh sản, kỹ thuật trồng cỏ năng suất cao và chế biến các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi. Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Hồ Văn Ngưm, cho biết: Huyện sẽ có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, dự án phát triển chăn nuôi bò tập trung thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư về đất đai, cơ sở hạ tầng. Đồng thời, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi bò thịt trên cơ sở các hộ tự nguyện tham gia, cùng nhau liên kết trong chăn nuôi. Kết hợp các Hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi và các hộ chăn nuôi bò trên địa bàn huyện tạo thành vùng cung cấp nguyên liệu lớn có chất lượng, bền vững và lâu dài; đồng thời, nâng cấp lò giết mổ tập trung nhằm cung cấp sản phẩm thịt chất lượng, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Để thịt bò A Lưới trở thành hàng hóa và có thương hiệu, phải đảm bảo quy trình kỹ thuật chặt chẽ từ khâu nhân giống, chăn nuôi, chăm sóc, phòng bệnh, cho đến giết mổ, kiểm dịch, đóng gói, bảo quản sản phẩm... Muốn vậy, ngành Nông nghiệp huyện cần tổ chức quy hoạch lại các khu chăn nuôi tập trung, đầu tư cơ sở hạ tầng, có chính sách phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại có quy mô, kết hợp việc kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ.
Tính đến tháng 10/2015, đàn bò toàn huyện có 7.072 con (tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước). Theo số liệu điều tra hàng năm, lượng đàn bò ở A Lưới tăng giảm không đều qua các năm, bình quân từ năm 2010 đến 2015, đàn bò của huyện giảm 2,37%.
Muốn xây dựng thương hiệu thịt bò A Lưới, trước hết sản phẩm phải thỏa mãn 3 điều kiện: đạt đến số lượng đủ lớn và ổn định, chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; giá bán cạnh tranh; tổ chức kênh phân phối bảo đảm lợi ích hài hòa, hợp lý với tất cả các chủ thể tham gia. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải là người xây dựng thương hiệu chứ không phải Nhà nước, hay nông dân. Doanh nghiệp sẽ liên kết để tạo ra mạng lưới phân phối chặt chẽ, nghiêm ngặt và có hiệu quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại, đồng thời tính đến cả xuất khẩu để đặc sản thực sự phát huy thế mạnh, tạo nên thương hiệu của địa phương vùng cao này. Điều quan trọng là khi nguồn cung được đảm bảo, có thương hiệu thì việc trà trộn thịt bò A Lưới sẽ không còn tồn tại.
QUỐC TUẤN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.