Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 05/10/2015
Ngày cập nhật:
7/10/2015
Là một tỉnh nông nghiệp nhưng nông dân Bạc Liêu vẫn chưa phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng công nghệ cao, nhất là nghề nuôi vịt. Không ít người chăn nuôi vẫn cứ gắn bó với con vịt chạy đồng để vất vả mưu sinh.
Tha hương cầu thực
Ở ĐBSCL, sau khi nông dân thu hoạch lúa là đến mùa vịt chạy đồng. Ở những huyện vùng ngọt chuyên làm lúa 3 vụ thì có đến 3 mùa vịt chạy đồng. Người nuôi vịt từ các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An… đưa vịt về ăn lúa trên đồng đất Bạc Liêu sau mỗi vụ gặt. Từ bao đời nay, nuôi vịt chạy đồng đã trở thành tập quán sản xuất của nông dân. Những chủ vịt đã quen với việc rày đây mai đó, thu nhập bấp bênh.
* Người dân Sóc Trăng đưa vịt chạy đồng về xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình) sau mùa thu hoạch lúa hè thu.
* Phút nghỉ ngơi của người nuôi vịt chạy đồng. Ảnh: P.Đ - C.Đ
Những ai đã gắn bó với nghề nuôi vịt chạy đồng thì không còn lạ gì chuyện ăn gió nằm sương, cuộc sống quanh năm lang bạt nơi xứ người. Nuôi vịt chạy đồng vốn có nhiều rủi ro nên chủ vịt thường có cuộc sống hết sức khó khăn. Hằng trăm loại chi phí đổ dồn vào người nuôi vịt chạy đồng, từ vận chuyển vịt, phòng bệnh, thức ăn chăn nuôi, đến tiền mua đồng (ruộng sau khi gặt) cho vịt. Đã vậy, những khó khăn, trở ngại cứ luôn rình rập, bám lấy chủ vịt trên con đường tha hương cầu thực.
Ông Phùng Đen, chủ vịt chạy đồng (xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) đưa vịt về ăn đồng ở xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình) tâm sự: “Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi vịt chạy đồng là ngần ấy năm tôi sống nơi xứ người. Giá mua đồng mỗi năm một tăng (hiện ở mức từ 40.000 - 60.000 đồng/công) nên người chăn nuôi lời rất ít. Đó là chưa kể đến nạn “cò đồng” (người môi giới mua đồng cho chủ vịt) lừa gạt. Có lần 14 chủ vịt bị mất gần 200 triệu đồng cho “cò đồng” mà vịt không có đồng để ăn. Cũng có những đồng mình mới mua thì họ cải tạo đất ruộng, kết quả là vịt không có lúa ăn, phải bỏ đi đồng khác. Mỗi lần có vài con vịt mắc bệnh là mình mất ăn mất ngủ lo chạy chữa, vì sợ vịt bị cúm rồi phải tiêu hủy cả đàn”.
Nhiều người nuôi vịt chạy đồng cho rằng, nghề này cũng gặp nhiều rủi ro, vì có khi “đầu gấu” làm tiền, đến xin đủ thứ, nếu không cho thì họ đầu độc vịt. Nuôi vịt rất cực nhọc nhưng thu nhập thì bấp bênh, cứ thấp thỏm trông chờ vào giá trứng. Giá trứng vịt hiện nay từ 1.800 - 2.000 đồng/trứng thì có lời, nhưng khổ nỗi, bây giờ gần hết đồng mà vịt không rớt hột (chưa đẻ trứng).
Không ít người ngán ngẩm, muốn bỏ nghề, bán hết vịt để về quê sinh sống. Song, có người khi ra đồng lại nhớ tiếng vịt kêu, lại thương da diết những đêm sương lạnh trong chòi vịt, thế là họ lại tiếp tục mua vịt để nuôi. Có lẽ từ những khó khăn đó mà dân gian có câu: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”.
Cần thay đổi tập quán chăn nuôi
Chăn nuôi vịt theo kiểu chạy đồng đã có từ lâu đời, nó ăn sâu và trở thành tập quán sản xuất của nông dân Bạc Liêu nói riêng và nông dân ĐBSCL nói chung. Do đó, dù hình thức chăn nuôi đã lỗi thời, nhưng vẫn còn hàng ngàn nông dân bám trụ với nghề này.
Có những mảnh đời sinh ra như được định sẵn là phải gắn bó với nghề vịt chạy đồng. Đơn cử như chị Phùng Thị Thoa (tỉnh Sóc Trăng) vốn theo cha chăn vịt từ nhỏ và giờ đây lại nối tiếp nghề của cha. Chị kết hôn với anh Huỳnh Văn Đô - cũng là người làm nghề nuôi vịt ở tỉnh Sóc Trăng. Tài sản ngày ra riêng của anh Đô và chị Thoa không gì khác hơn là một bầy vịt hơn 1.000 con. Rồi anh chị lại rong ruổi trên khắp các tỉnh ĐBSCL để mưu sinh, và nghèo vẫn hoàn nghèo.
Hình thức nuôi vịt chạy đồng đã bám lấy nông dân trên vùng đất ĐBSCL qua nhiều thế hệ, từ đó đặt ra cho ngành Nông nghiệp một vấn đề là: đã đến lúc cần phải tái cơ cấu ngành chăn nuôi, mà trọng tâm là thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát.
Theo ông Trương Phước Thông, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh: “Tổng đàn gia cầm của tỉnh hiện nay là 2,3 triệu con. Kết thúc vụ lúa hè thu này, Bạc Liêu đón đàn vịt chạy đồng từ 80.000 - 90.000 con. Rất ít bà con chăn nuôi theo hình thức nông trại, mà phần lớn là tự phát hộ gia đình. Từ đó cho thấy nông dân đã quen với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ”.
Chăn nuôi theo hình thức nuôi vịt chạy đồng rất tốn kém chi phí, hiệu quả kinh tế không cao, dễ xảy ra rủi ro, dịch bệnh, sản phẩm làm ra manh mún, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Kết quả là nông dân không có lãi.
Đã đến lúc bà con cần chăn nuôi tập trung, ứng dụng khoa học - công nghệ để hướng đến sản xuất hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Nếu so sánh với các nước có nền nông nghiệp công nghệ cao như Ấn Độ, Hà Lan… thì tiềm năng chăn nuôi gia cầm của Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL. Song, do chúng ta chưa giải quyết được tình trạng sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ trong chăn nuôi nên nông dân vẫn cứ mãi nghèo, nhất là đối với người nuôi vịt.
Phạm Đoàn
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.