Nguồn tin: Kinh Tế Sài Gòn, 27/01/2015
Ngày cập nhật:
29/1/2015
Một người dân đang cho bò sữa ăn. Ảnh: NH
Câu chuyện người nông dân Lâm Đồng phải đổ bỏ sữa tươi vì không tìm được nơi tiêu thụ không chỉ là câu chuyện cục bộ của Lâm Đồng, và không chỉ là câu chuyện con bò sữa. Câu chuyện này - được truyền thông trong nước đưa dồn dập những ngày đầu năm - tưởng là mới, nhưng lại là vấn đề lặp đi lặp lại nhiều năm qua đối với ngành nông nghiệp.
Chuyện con bò sữa
Ngay trong những ngày đầu năm mới Dương lịch, báo chí ồ ạt đưa tin, hình ảnh về việc người nông dân Lâm Đồng đem sữa tươi đến đổ bỏ trước trạm thu mua của Dalat Milk, như một cách phản ứng trước việc công ty quy định hạn mức cung cấp sữa là 16kg mỗi ngày đối với mỗi con bò sữa được công ty ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hộ nông dân.
Theo một số nông dân, do điều kiện thổ nhưỡng và điều kiện thời tiết cuối năm thuận lợi, sản lượng sữa tươi mỗi con bò hiện dao động ở mức từ 22 đến 25kg mỗi ngày. Việc công ty khống chế hạn mức 16kg khiến nhiều hộ nông dân, nhất là những người chăn nuôi quy mô đàn từ 10 con bò trở lên, gặp rất nhiều khó khăn vì không thể tìm nơi tiêu thụ. Một hộ nuôi 10 con bò sữa có thể tồn đọng đến gần 100kg sữa mỗi ngày, và cho dù có cố gắng tìm cách bán cho các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất yaourt thì cũng không thể giải quyết hết số lượng sữa dư này mà chỉ còn một cách đau lòng là... đổ bỏ.
Trong khi đó, đơn vị thu mua sữa tươi lý giải rằng có nhiều nông dân chăn nuôi tự phát mà không ký hợp đồng với công ty để được hướng dẫn các kỹ thuật về vệ sinh an toàn và đảm bảo đầu ra. Khi có sản lượng, họ tìm cách "bán ghép" với lượng sữa của những nông dân có ký hợp đồng. Như thế, công ty thu mua có thể đối mặt với những rủi ro về chất lượng sữa cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hơn nữa, sản lượng sữa do nông dân cung cấp thời gian gần đây tăng cao một cách bất thường, vượt quá khả năng lưu trữ và xử lý sản phẩm của công ty.
Dĩ nhiên, như báo chí phản ánh, phía sau việc từ chối mua ngoài hạn mức có thể còn có lý do về lợi nhuận do giá cả nguyên liệu sữa trên thế giới liên tục giảm trong nhiều tháng qua.
Không chỉ là chuyện của Lâm Đồng...
Chuyện người nông dân đổ bỏ sữa không chỉ diễn ra ở Lâm Đồng, vì nông dân chăn nuôi ở ngoại thành Hà Nội cũng đang phải đối mặt với vấn đề tương tự - nghĩa là phải đổ bỏ một phần sản lượng sữa tươi - do đơn vị thu mua cũng hạn chế sản lượng trên mỗi đầu bò theo hợp đồng. Thậm chí, đơn vị thu mua là IDP đã không ký lại hợp đồng với nông dân sau khi các hợp đồng này hết hạn vào cuối năm 2014, và khuyến cáo nông dân tìm một đơn vị khác để ký hợp đồng bán sữa.
Câu chuyện người nông dân phải đổ bỏ sữa vẽ ra một bức tranh rất phản cảm, khi mà sản lượng sữa trong nước còn rất thấp so với nhu cầu.
Hiện cả nước có khoảng 200.000 con bò sữa, một con số khiêm tốn nếu so với hơn 90 triệu người, nhất là trước nhu cầu tiêu thụ sữa đang tăng của người dân. Vì thế, trong quy hoạch ngành chăn nuôi của mình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xem việc tăng đàn bò sữa trong những năm tới là ưu tiên của ngành chăn nuôi.
Theo chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến 2020 của Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN &PTNT), đến năm 2020, tổng đàn bò sữa cả nước đạt 500.000 con để cung cấp sữa cho nhu cầu nội địa, giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu càng nhiều càng tốt.
Về phía các địa phương, sẽ căn cứ trên chiến lược chung của ngành nông nghiệp để đưa ra những mục tiêu phát triển phù hợp.
Trong quyết định số 2897/QĐ – UBND Lâm Đồng ngày 31-12-2014 phê duyệt quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn đến 2020, thì tổng đàn bò sữa của Lâm Đông vào năm 2015 là 12.000 con, và đến 2020 là 20.000 con. Hiện nay, đàn bò sữa ở Lâm Đồng đã đạt 10.000 con, tăng đến 50% so với một năm trước đó.
Thực tế, không chỉ Lâm Đông mà các tỉnh Tây Nguyên cũng đang thực hiện dự án bò sữa. Nhưng đây là dự án của những công ty lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai... Dĩ nhiên, trước khi nuôi bò sữa, những công ty này đã làm việc với các công ty sản xuất sữa để ký hợp đồng bán sữa sẽ sản xuất ra trong tương lai. Đó là điều cần làm của bất kỳ công ty nào muốn nuôi bò sữa.
Song, cách làm của nông dân hoàn toàn trái ngược. Các hộ dân nhỏ lẻ mỗi người bỏ vốn nuôi vài con, còn bán sữa cho ai, họ có mua hay không thì tính sau.
Một điều dễ nhận ra là tại những địa phương như Lâm Đồng, Hà Nội, tổng đàn bò sữa tăng nhanh vì giá bán sữa tươi mang lại lợi nhuận cho người nuôi. Giá sữa tươi ở mức trên dưới 12.000 - 13.000 đồng/kg. Vì thế, nhiều hộ dân thấy hàng xóm nuôi bò sữa có lãi lập tức mua bò sữa về nuôi.
Trong khi, Lâm Đồng đặt mục tiêu tăng trưởng đàn bò sữa thì ở một chiều hướng ngược lại, TPHCM, địa phương có tổng đàn bò sữa lớn nhất cả nước trong quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi đến 2020, lại tìm cách giảm đàn bò xuống. Mục tiêu là giảm đàn, từ 83.500 con năm 2012 xuống còn 75.000 con vào năm 2020, và tiếp tục giảm tổng đàn trong những năm kế tiếp xuống mức 70.500 con, do thành phố bị hạn chế về đất nông nghiệp.
Thay vào đó, TPHCM muốn chăn nuôi bò sữa theo hướng sản xuất con giống để cung cấp cho cả nước.
Tuy nhiên, trong những năm qua, đàn bò sữa của TPHCM không giảm mà đã còn tăng lên. Đến cuối năm 2014, tổng đàn bò sữa của TPHCM đã vượt con số 112.000 con. Đơn giản, bò sữa vẫn mang lại lợi nhuận cho người nông dân nên họ cứ thế mà tăng đàn mà không quan tâm đến quy hoạch cho từng địa phương của cơ quan quản lý.
... Và không chỉ là chuyện bò sữa
Bất cập trong việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch cũng xảy ra phổ biến ở những ngành khác, từ chuyện con cá tra cho đến gia cầm, từ các loại trái cây như thanh long, dưa hấu thuộc loại ngắn ngày cho đến vải, chôm chôm, mít... thuộc loại cây lâu năm, cả cao su, cà-phê, tiêu, điều và thậm chí lúa gạo... mà những câu chuyện "dội chợ" đã trở thành những "câu hỏi lớn không lời đáp."
Trong thời gian qua, với chức năng và nhiệm vụ của mình, hầu như ngành nào cũng có những quy hoạch có tầm nhìn trung và dài hạn. Tuy nhiên, đó là quyết định quy hoạch của các nhà quản lý, nông dân có làm theo quy hoạch hay không là chuyện khác.
Hiện Chính phủ đã có Quyết định 124/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, song đến nay, những mục tiêu đề ra đã vượt con số quy hoạch.
Cụ thể, trong quy hoạch đến năm 2020, diện tích trồng cao su cả nước là 800.000 héc ta nhưng đến cuối năm 2014, con số thực tế là 920.000 héc ta, cà phê được quy hoạch ổn định ở mức 500.000 héc ta nhưng theo số liệu của Bộ NN &PTNT đưa ra, tính đến nay đã lên đến 630.000 héc ta. Điều tương tự cũng xảy ra với cây mía, hồ tiêu, cây điều…
Giải thích về chuyện này, một lãnh đạo tỉnh Tây Ninh thay vì trả lời trực tiếp vào vấn đề đã dẫn chứng câu chuyện về quy hoạch ở tỉnh mình. Ông nói, tỉnh Tây Ninh đã có quy hoạch cho vùng trồng mía ở các địa phương nhưng mục tiêu đưa ra không làm được. Khi được hỏi, cán bộ các huyện ở dưới báo lên, nông dân không quan tâm đến quy hoạch, đất của nông dân nên họ có quyền trồng cây gì đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất có thể. Do đó, khi cao su, khoai mì (sắn) mang lại thu nhập cao hơn cây mía thì chẳng ai đi trồng mía cả dù nằm trong vùng quy hoạch cây mía của tỉnh.
Từ câu chuyện còn hơi nóng thời sự là bò sữa, rõ ràng là cần phải có những thay đổi quyết liệt để tránh nỗi đau lặp lại. Thay đổi như thế nào không chỉ là trách nhiệm của những người làm chính sách, các cơ quan thi hành, mà còn của cả cộng đồng doanh nghiệp và nông dân. Nếu không, mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững sẽ mãi chỉ là câu chuyện ngoài tầm với.
Ngọc Hùng
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.