Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị, 20/11/2015
Ngày cập nhật:
21/11/2015
Ngày 19/11, Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội phối hợp với Công ty CP Sữa quốc tế (IDP) tổ chức hội nghị triển khai chương trình hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa và xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sữa tươi trên địa bàn TP Hà Nội.
Tại hội nghị nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp hiệu quả để ngành chăn nuôi bò sữa Thủ đô phát triển bền vững hiện nay là tập trung nâng cao năng suất và chất lượng sữa.
Lại thêm nỗi lo
Hiện nay, Hà Nội có tổng đàn bò sữa trên 15.000 con, sản lượng sữa đạt 111 tấn/ngày; Đã xây dựng được hai vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm tại huyện Ba Vì và Gia Lâm với 15 xã trọng điểm có tổng đàn là 12.473 con. Mặc dù chăn nuôi bò sữa đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, nhưng khó khăn lớn nhất của người nông dân hiện vẫn là bài toán tiêu thụ. Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội cho biết, quy mô chăn nuôi vẫn còn nhỏ lẻ (4,6 con/hộ) cùng với quy trình chăn nuôi chưa được các hộ chăn nuôi áp dụng triệt để là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến giá sữa tại các điểm thu gom. Trong khi đó, phía công ty thu mua sữa do không thông tin đầy đủ và chính xác về tình hình tiêu thụ, thu gom sản phẩm sữa nên ít nhiều làm ảnh hưởng đến lòng tin của người chăn nuôi.
Khăn nuôi bò sữa tại xã Phú Châu, huyện Ba Vì. Ảnh: Ngọc Sơn
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, một người nuôi bò ở xã Vân Hòa, huyện Ba Vì cho biết, gia đình bắt đầu nuôi bò sữa từ năm 2007 với số vốn ban đầu 2 con bò. Hiện nay, đàn bò đã tăng lên 15 con, trong đó 8 con đã cho khai thác sữa. Với sản lượng sữa bình quân 150 kg/ngày, gia đình ông Hùng thu nhập 600 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, ông Hùng cũng bày tỏ lo ngại: "Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì những người chăn nuôi chúng tôi chắc chắn sẽ gặp khó khăn về nhiều mặt chứ không đơn thuần chỉ là đầu ra của sữa". Còn theo ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục chăn nuôi, năng suất sữa của Việt Nam hiện nay là rất thấp so với năng suất sữa của thế giới. Trong khi đó, ngay sau khi tham gia "sân chơi" TPP, đã có hàng loạt công ty sữa của các nước trên thế giới liên tiếp đổ bộ vào nước ta và yêu cầu Việt nam "mở cửa" nhập sữa. Do đó, xu thế hợp tác tổ chức chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò sữa của Hà Nội là kịp thời và đúng hướng.
Nguy cơ thua trên sân nhà
Trên thị trường thế giới hiện nay, giá sữa bình quân dao động từ 6.500 - 7.200 đồng/lít, trong khi giá sữa của Việt Nam đang ở mức trung bình từ 9.000 – 9.700 đồng/lít. Con số này cho thấy nguy cơ Việt Nam không thể cạnh tranh và thua ngay trên sân nhà là rất cao. Về mặt thức ăn chăn nuôi, đây là điểm yếu của ngành chăn nuôi bò sữa Hà Nội nói riêng cũng như Việt Nam nói chung. Nguồn thức ăn chủ yếu cho bò sữa ở nước ta hiện nay là cỏ voi nhưng ở các nước trên thế giới thì hoàn toàn không dùng loại cỏ này. Cùng với đó là mối liên kết trong sản xuất – tiêu thụ sữa của Hà Nội còn lỏng lẻo. Sự hợp tác giữa DN và nông dân vẫn còn nhiều mâu thuẫn do thiếu sự chia sẻ khi giải quyết những khó khăn, vướng mắc dẫn đến hiệu quả liên kết chưa cao.
Ông Hoàng Thanh Vân cho rằng, Hà Nội muốn đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi bò sữa thì không thể “một mình trên con đường độc đạo” như trước đây nữa mà Hà Nội phải tăng cường hợp tác giao lưu trong nước và quốc tế. Được kỳ vọng là đơn vị đi đầu cả nước về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Hà Nội cần tăng cường giao lưu, hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới để nắm bắt thông tin mới nhất. "Hà Nội cần thực hiện tốt các chính sách hiện nay để giải quyết vấn đề việc làm cho người dân và sự phát triển ổn định của ngành sữa. Quan trọng là phải bảo vệ được DN cũng như tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân" – ông Vân nói.
Phó Giám đốc Công ty Sữa quốc tế (IDP) Lê Tiến Dũng bày tỏ mong muốn của công ty là được TP quan tâm, tạo điều kiện cho công ty hoạt động vì mục tiêu tạo đầu ra cho sản phẩm sữa ổn định, giúp người chăn nuôi bò sữa nâng cao thu nhập. Ông Dũng cũng kiến nghị, ngành nông nghiệp TP cần tiếp tục hỗ trợ về mặt kỹ thuật để thay đổi tập quán sản xuất cũ của người chăn nuôi, giúp người chăn nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để tăng sản lượng, chất lượng sữa. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát đầu vào trong chăn nuôi và có chính sách hỗ trợ DN đầu tư như vay vốn, thuê đất, khuyến khích các cơ quan, đơn vị trường học trên địa bàn TP sử dụng sản phẩm sữa của công ty.
Cần giải pháp căn cơ
Theo lộ trình gia nhập hiệp định TPP, nhiều quốc gia có ngành chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh sẽ thâm nhập vào thị trường nước ta. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành và sản xuất của ngành sữa cả nước nói chung và của Hà Nội nói riêng. Trong khi đó, chăn nuôi của Hà Nội vẫn manh mún, thiếu quy hoạch, năng suất còn thấp. Trên thực tế, ngay sau khi tham gia "sân chơi" TPP, chỉ tính riêng NewZealand đã có 16 công ty sữa liên tiếp đổ bộ vào nước ta và yêu cầu Việt nam "mở cửa" nhập sữa của họ. Do đó, để sẵn sàng hội nhập với sân chơi lớn này, Hà Nội phải nhanh chóng, khẩn trương tháo gỡ 3 nút thắt là chất lượng giống, thức ăn chăn nuôi và liên kết sản xuất – tiêu thụ.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp thẳng thắn cho rằng, Hà Nội cần mạnh tay loại bỏ những con bò cho sản lượng dưới 20 lít/ngày, tập trung nâng cao giống với năng suất đạt tối thiểu 30 lít/ngày. Để làm được điều này, các huyện, xã, HTX cần bàn trực tiếp với nhóm hộ, hộ nông dân để có giải pháp hiệu quả về cải tiến nguồn thức ăn nhằm nâng năng suất sữa trung bình từ 1 – 4 lít/ngày/con. Như vậy, chất lượng, sản lượng sữa sẽ tăng lên và các công ty sẽ mua sữa của nông dân với giá cao hơn hiện nay.
Ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, giải pháp hữu hiệu nhất đối với Hà Nội hiện nay là xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm sữa, trong đó DN phải là đầu tàu. Mới đây, UBND TP đã phê duyệt dự án "Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATTP trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020" tại Quyết định số 5818/QĐ – UBND ngày 30/10/2015, trong đó có chuỗi sản xuất và cung cấp sữa Ba Vì. Theo đó, Sở NN&PTNT đã giao cho Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội lập kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn của chương trình. Cùng với đó, việc phối hợp với phòng kinh tế các huyện, thị xã lựa chọn mô hình, DN để tham gia vào chuỗi phải có tính khả thi, bền vững. Đồng thời, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cần phối hợp tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm với các tỉnh, thành trên cả nước...
Để chuỗi duy trì, hiệu quả đòi hỏi người chăn nuôi phải khẩn trương ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào chăn nuôi để tạo ra sản phẩm sữa chất lượng, đảm bảo ATTP, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tới đây, công ty sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đàn bò sữa. (Bà Nguyễn Thị Phương Mai - Trưởng phòng Nông vụ Công ty sữa Quốc tế IDP)
Ngành nông nghiệp Hà Nội phải củng cố nguồn thức ăn cho bò sữa. Trong đó, tập trung nhân rộng việc trồng đa dạng các giống cỏ ở vùng đồng cỏ Ba Vì. Cùng với đó, cần học hỏi kinh nghiệm trồng cỏ tại các nước Australia, New Zealand, Mỹ là những cường quốc về chăn nuôi bò thịt, bò sữa và đầu tư kinh phí mua các giống cỏ mới chất lượng cao. Đồng thời, mời các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, hỗ trợ nông dân sáng tạo những công thức chế biến, phối trộn thức ăn hợp lý nhằm đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng cho bò. (Ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam)
Ánh Ngọc
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.