Nguồn tin: Báo Lào Cai, 30/11/2015
Ngày cập nhật:
1/12/2015
Để chắt chiu được dòng mật ngọt, những con ong phải chăm chỉ bay đi khắp nơi tìm hoa lấy mật. Còn người nuôi ong cũng chẳng hề thảnh thơi, họ lang thang theo bầy ong từ mùa hoa này đến mùa hoa khác. Cuộc sống của họ như dân du mục, lấy đất trời là nhà, bầy ong là bạn, còn mùa hoa là tri âm.
Anh Thúy kiểm tra cầu mật.
Ở Lùng Phình (Bắc Hà, Lào Cai) giờ đang là mùa hoa rừng. Anh Phạm Thanh Thúy từ huyện Bảo Yên lại cùng đàn ong của gia đình mình lên tạm trú tại đây để kéo mật. Trò chuyện với chúng tôi, anh chia sẻ về nghề với bao nỗi vất vả, gian truân, cũng chỉ vì mưu sinh. 23 năm nuôi ong, lấy mật cũng là từng ấy năm anh sống nay đây mai đó, nhưng giờ chiêm nghiệm lại, anh Thúy khẳng định cuộc đời mình có duyên với đàn ong.
Dọc miền đất nước
Mặc bộ quần áo nhăn nhúm, loang lổ vết nhựa cây rừng, anh Thúy có vẻ ngại mở lòng, nhưng cuối cùng cũng chia sẻ như dốc từng khúc ruột với chúng tôi về nghề nuôi ong. Một năm có 12 tháng thì cứ 3 tháng, anh Thúy “tạm trú” ở một nơi. Mùa xuân - mùa của hoa vải thơm lừng, anh Thúy cùng 185 đàn ong và lỉnh kỉnh những thùng, cầu ong lại tìm về đất vải Lục Ngạn (Bắc Giang) gọi mật. Đến tháng 4, tháng 5, anh lại đưa đàn ong về Tuyên Quang lấy mật cây keo, chàm. Từ tháng 6 đến hết tháng 10, bầy ong trở về Bắc Hà giữa mùa hoa rừng giản dị, mà dồi dào phấn hoa. Sang tháng 11, anh Thúy chuyển ong vào miền Nam tránh rét, dưỡng ong và lấy mật hoa cà phê, mật từ hoa cây điều, hồ tiêu. Với kinh nghiệm của người có thâm niên nuôi ong thì mùa mật vải là năng suất nhất, còn mùa mật hoa rừng chất lượng hơn cả.
Trên mỗi mảnh đất từng dừng chân, anh Thúy đều có nhiều kỷ niệm về những con người thân thiện, sẵn sàng giúp anh đặt nhờ đõ ong mà không tính bất kỳ chi phí nào. Cuộc sống của người nuôi ong cũng tạm bợ như sự bươn chải quanh năm của họ. Mỗi lần di cư, vật dụng đem theo chỉ là vài ba chiếc nồi, mấy bộ quần áo cũ, còn lại mọi thứ đến nơi mới lo. Với người nuôi ong, từng con đường, mảnh vườn ở miền núi đến trung du, rồi tận Tây Nguyên xa xôi, họ đều nắm rõ. Những mùa hoa đã cưu mang, đem lại cho người nuôi ong dòng mật ngọt “hái ra tiền”.
Nghề nuôi ong lắm công phu
Bầy ong của anh Thúy được nhập khẩu từ nước Ý xa xôi, nên đòi hỏi phải có sự chăm sóc đặc biệt, đề phòng rủi ro do thời tiết, bệnh dịch. Không ít lần, nước mắt người nuôi ong rơi, vì chẳng may đàn ong lấy nhụy ở những bông hoa bị phun thuốc trừ sâu, thiệt hại lớn, nhưng họ vẫn phải vượt qua, tiếp tục gây dựng bầy ong mới.
Quy trình cho ra dòng mật ngọt chẳng giản đơn, mà hết sức gian truân, vất vả. Buổi sáng, người nuôi phải dậy từ rất sớm, mở cửa đõ cho đàn ong đi “làm việc”. Còn họ ở lại kiểm tra các cầu ong, gạt tổ vào chiếc thùng, cuối cùng cho vào máy li tâm để quay mật. Năm nào thuận lợi, anh Thúy có thể thu khoảng 9 nghìn lít mật ong, sau khi trừ chi phí cũng có lãi đến 200 triệu đồng. Sự vất vả đổi lại khoản thu nhập dù không cao, nhưng với người nông dân như vậy đã là ấm no, dù có phải nay đây, mai đó.
Ngoài vất vả, nhọc nhằn, người nuôi ong còn đối diện với sự đớn đau về thể xác khi một ngày không dưới 30 lần bị ong đốt. Anh Thúy bảo: Lúc mới nuôi, tôi bị ong đốt sưng vù, mặt có khi bị biến dạng vì các vết sưng, nhưng rồi cũng quen, giờ ong đốt, da vẫn phẳng lì. Để có thể “mẫn cảm” khi bị ong đốt, người nuôi như anh Thúy phải trải qua bao lần đau nhức, thậm chí lên cơn sốt vì ong. Nhưng không vấn đề gì, những dòng mật ngọt của bầy ong là đích cuối cùng mà họ hướng tới, nên có đau bao nhiêu, họ vẫn thấy rất nhẹ nhàng.
Làm nghề gì cũng phải có duyên. Chẳng thế, bao nhiêu người cũng nuôi ong, nhưng cuối cùng đành buông xuôi vì thất bại. Có lẽ, anh Phạm Thanh Thúy sinh ra để nuôi ong. Gia đình anh đã có hai đời nuôi ong, bố anh thành lập một doanh nghiệp nổi tiếng chuyên cung cấp các sản phẩm từ mật ong rừng. Nghề này, anh Thúy được truyền dạy từ năm 17 tuổi, đến nay đã tròn 40 tuổi, anh luôn tâm nguyện gắn bó với nghề cho tới khi không làm được nữa.
Cái lạnh đã tràn về cao nguyên Bắc Hà, đàn ong của gia đình anh Thúy không thể chịu được rét. Hoa rừng cũng đến độ tàn. Anh Thúy cùng người phụ việc lại mất một ngày sắp xếp, chuẩn bị cho chuyến đi vào tận miền Nam tránh rét. Chờ đến tối mịt, đàn ong mới từ rừng trở về. Anh Thúy khéo léo đóng cửa đõ chắc chắn. Sớm mai, hai người lại tạm biệt nơi này, chờ tái ngộ vào mùa hoa rừng năm sau. Trước khi đi, họ mời mấy gia đình hàng xóm sang dùng bữa cơm chia tay. Những tiếng cười, cái bắt tay xiết chặt khiến anh Thúy càng bịn rịn với mảnh đất “cao nguyên trắng’. Đã đến lúc họ phải đi gọi mật ở vùng đất xa xôi, nơi không có người thân mà còn đầy rẫy khó khăn. Ở nơi đó, không thể bảo đảm đàn ong chắc chắn được an toàn nhưng người nuôi vẫn phải lên đường giúp đàn ong có thể đón nắng ấm phương Nam, để những dòng mật ngọt tiếp tục chảy về nuôi sống gia đình họ.
VÂN THẢO
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.