Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 03/12/2015
Ngày cập nhật:
4/12/2015
Khi con cái trưởng thành, ông trở về quê cha đất tổ, lấy kiến thức, kinh nghiệm tích lũy mấy chục năm để phát triển kinh tế và hướng dẫn bà con cách làm ăn hiệu quả góp phần xây dựng quê hương. Ông là Trần Văn Ánh (68 tuổi), trú tại thôn Nghi Giang, xã Vinh Giang (Phú Lộc - Thừa Thiên Huế).
Mỗi con gà giống ấp bằng máy, ông Ánh thu được 8.000 đồng
Qua lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Nông dân xã Vinh Giang Nguyễn Duy Thắng, chúng tôi phần nào hình dung được cụ ông 51 năm xa quê vẫn một lòng giữ trọn tình quê.
Đến nhà ông Ánh, đó là một căn nhà khá đẹp, thoáng rộng. Kết cấu căn nhà vừa mang tính chất thờ tự của người Huế, nhưng cũng rất hiện đại, có phòng ốc đàng hoàng dành cho những người thân nghỉ ngơi mỗi lần trở về thăm lại quê hương. Ông Ánh kể, vì không thể chia tách gia đình nên năm 1961, ông theo cha vào Nam rồi tiếp tục đến trường. Ngày tháng miệt mài đèn sách ở xứ người, cuối cùng ông đỗ vào Trường Nông lâm súc Bảo Lộc, theo học ngành chăn nuôi trồng trọt. Cơ duyên đưa ông đến làm công việc thú y ở Khánh Hòa, nhưng ý định một ngày trở lại quê nhà giúp bà con địa phương bằng chính chuyên môn của mình được ông nung nấu. Năm 2012, khi mái đầu ngả bạc, cũng là lúc người con xã Vinh Giang này quyết định một mình trở về quê cũ sinh sống.
Dẫn chúng tôi đi tham quan khu trang trại với 8 chuồng gà, diện tích 20m2/chuồng và khu vườn chăn thả khoảng 3 sào, ông Ánh kể, đây chính là cơ ngơi ông dựng xây kể từ khi trở lại quê nhà. Với kinh nghiệm bao nhiêu năm làm nghề, người đàn ông tìm hiểu kỹ sự khác biệt của thời tiết Huế so với miền Nam, từ đó tính toán được cách xây dựng các mô hình, xem đó là cuộc thử nghiệm trước khi bày lại cho bà con trong thôn xóm. 3 năm nuôi gà tại vườn chưa một lần thua lỗ, dịch bệnh, giờ đây số lượng gà đẻ đã lên đến 200 con, 1500 con gà kiến, đồng thời thành công với mô hình tự ấp trứng công suất 3.000 trứng. Nhẩm tính, ông Ánh bảo: “Mỗi tháng trừ các khoảng chi phí, tui cũng thu nhập được từ 8 - 10 triệu đồng”.
Làm được cái mình muốn, ông Ánh bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho bà con. Ông khẳng định: “Họ giàu có giúp nhau bằng vật chất, mình đủ ăn thì giúp bà con bằng kinh nghiệm. Tui không giấu nghề mà chỉ bày tận tình cho từng người, không chỉ dân ở Vinh Giang mà còn ở quanh các xã Khu Ba”. Kinh nghiệm lớn nhất mà ông để lại cho bà con là phương pháp nuôi gà gia trại và ấp trứng sản xuất gà giống 1.5 tháng tuổi, hiện đang khá phát triển ở Vinh Giang. Ông chia sẻ, phương pháp chăn nuôi không phức tạp, chỉ cần bà con đến nhà là ông đích thân dẫn đi thăm mô hình của mình làm. Theo ông, để chăn nuôi hiệu quả, tạo được uy tín thì cần phải nâng cao chất lượng từ con giống đến thịt gà bán ra. Do vậy, nên tiêm phòng, vệ sinh phòng dịch theo chu kỳ nửa tháng rải vôi chuồng trại, bơm thuốc sát trùng, 6 tháng thay đệm lót sinh học. Trong quá trình tạo giống, phải tránh hiện tượng đồng huyết làm giảm chất lượng trứng và con giống; nên cho gà ăn thức ăn tự trộn từ nguồn gạo heo gà (gạo giá rẻ) rau và bột, hạn chế thức ăn chăn nuôi làm ảnh hưởng đến chất lượng thịt,…
Ông trải lòng, về quê hương và mở đầu cho phong trào nuôi gà gia trại với ông là một việc làm đầy mãn nguyện. Điều mà ông tâm đắc nhất là sự thay đổi hướng làm ăn của bà con, vốn trước đây xem nuôi gà là nghề tay trái ít thu nhập nên nhiều lần xảy ra dịch bệnh. “Ban đầu tui xem đây là việc để mình vui thú điền viên chứ không phải nghề kiếm thu nhập, nhưng thấy bà con hào hứng và thành công trong mô hình này nên tui đẩy mạnh sản xuất con giống cung cấp cho họ và hướng dẫn tận tình cách nuôi. Nguồn thu nhập kiếm được tui dành để hương khói tổ tiên trong nhà và giúp đỡ bà con trong họ tộc, những người nghèo bên ngoài và ủng hộ cho hội khuyến học mỗi năm khoảng 5 triệu đồng”.
Chia sẻ những dự định tương lai, ông Ánh cho biết, đang nghĩ tới chuyện hướng dẫn bà con phương pháp nuôi heo và trâu hiệu quả. Đây là những mô hình xóa đói giảm nghèo tương đối ổn định. Và để giúp bà con đi theo một hướng mới, bước đầu tiên ông sẽ thử nghiệm lại kỹ thuật của mình.
“Ông Ánh là người thường xuyên hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi. Ông truyền đạt lại kinh nghiệm của mình một cách tận tình, không che giấu”. Ông Nguyễn Duy Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vinh Giang nhận xét.
Lê Hữu Phúc
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.