Nguồn tin: Hà Nội Mới, 07/12/2015
Ngày cập nhật:
8/12/2015
Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến nhiều thách thức đối với ngành Nông nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đa phần có quy mô nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu, do vậy sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó DN chăn nuôi sẽ chịu tác động lớn nhất vì không cạnh tranh được về giá với các sản phẩm nhập khẩu. Vậy đâu là giải pháp để giúp DN chăn nuôi trụ vững trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt?
Bài đầu: Sản xuất quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu Hiện nay, các DN chăn nuôi trong nước đang ráo riết chuẩn bị phương án sản xuất, kinh doanh để trụ vững trước "cơn sóng" hội nhập thị trường. Hội nhập trong một thị trường rộng mở, ngành Nông nghiệp nước nhà có cơ hội đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất nhưng sẽ phải cạnh tranh khốc liệt về chất lượng và giá bán sản phẩm. Trong khi đó, việc giải quyết các vấn đề về hàng rào kỹ thuật và phòng vệ để bảo vệ sản xuất trong nước của các DN Việt Nam còn rất yếu nên rất dễ bị "tổn thương".
Ngành chăn nuôi nước ta chủ yếu là sản xuất nông hộ nên sức cạnh tranh thấp. Ảnh: Khánh Nguyên
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện ngành chăn nuôi nước ta, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tới 40 - 50% tổng sản lượng. Hiện cả nước có hàng triệu trang trại nhưng chỉ có khoảng 23.000 trang trại đạt doanh thu từ 500 triệu đồng trở lên.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam nhận định: Ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ bị tổn thương nhiều khi gia nhập TPP. Với các DN chăn nuôi lớn, có sự đầu tư mạnh thì có thể cạnh tranh được và hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thể cạnh tranh được vì phụ thuộc hoàn toàn từ con giống tới việc bán sản phẩm ra thị trường. Và điểm yếu nhất của các DN chăn nuôi ở Việt Nam chính là chưa thực hiện được liên kết chuỗi, dẫn tới lợi nhuận đều nằm trong tay thương lái. Thiếu liên kết, đầu ra kém ổn định đã và đang khiến ngành chăn nuôi Việt Nam lao đao. Theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, từ đầu năm 2012 đến năm 2014, ngành chăn nuôi trong nước thua lỗ khoảng 27.000 tỷ đồng. Vì vậy, khi tham gia TPP, nếu các DN chăn nuôi không tính toán đến việc liên kết thì sẽ tiếp tục rơi vào khủng hoảng.
Ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cộng đồng Green Food Hà Nội cho biết, TPP tác động lớn đến ngành chăn nuôi vì giá thành sản xuất chăn nuôi của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Thuế suất nhập các mặt hàng thịt sẽ giảm từ 5% xuống còn 0% càng nới rộng khoảng cách về giá cả sản xuất sản phẩm trong nước với nhập khẩu. Thực tế hiện nay, giá sản xuất ra 1kg sản phẩm của Việt Nam luôn cao hơn so với các nước trên thế giới như: Chi phí sản xuất thịt gà tại Malaysia là 1,15 USD/kg, Ấn Độ là 1,1 USD/kg, Hàn Quốc là 1,34 USD/kg, Thái Lan 1,2 USD/kg, trong khi ở Việt Nam là 1,6 USD/kg. Giá thịt bò hơi từ Australia nhập khẩu về Việt Nam cũng chỉ khoảng 2,4 - 3USD/kg trong khi sản xuất trong nước mất 65 - 75 nghìn đồng/kg; giá sản xuất sản phẩm thịt lợn tại Mỹ rẻ hơn ở Việt Nam khoảng 40%... Nguyên nhân giá thành sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam cao hơn thế giới từ 15 đến 20% vì phải nhập khẩu nguyên liệu thức ăn, thuốc thú y...
Ông Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Công ty Bảo Châu (Sóc Sơn, Hà Nội) cho rằng: Cơ quan có trách nhiệm cần giới thiệu cho DN cũng như người chăn nuôi về thông tin cũng như việc phải làm thế nào để tồn tại khi TPP có hiệu lực, không nên để DN, các hộ chăn nuôi tự tìm hiểu thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Thực tế, nếu để các DN chăn nuôi "tự bơi" sẽ rất khó khăn vì không thể cạnh tranh được với các DN nước ngoài về giá cả cũng như khoa học - công nghệ. Hơn nữa, khi tham gia TPP sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh, dẫn tới nguy cơ thu hẹp một số lĩnh vực sản xuất có năng suất và chất lượng thấp. Ngoài ra, khi xảy ra tranh chấp thương mại, khả năng giải quyết của DN Việt Nam nói chung và DN chăn nuôi nói riêng cũng rất thấp.
Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi:
Tham gia TPP là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các DN chăn nuôi. Hiện sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có mặt ở gần 200 quốc gia trên thế giới, nhưng có tới 90% mặt hàng xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị thấp. Chưa kể việc nắm bắt xu hướng thị trường, cung - cầu của DN nông nghiệp hầu như chỉ dựa vào khâu trung gian nên rủi ro rất cao. Hệ thống chính sách của Nhà nước cũng chưa đồng bộ nên DN chưa "mặn mà" trong việc đầu tư khoa học - kỹ thuật để nâng cao sức cạnh tranh vì đầu tư vào nông nghiệp rất lớn nhưng lợi nhuận thấp.
Ngọc Quỳnh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.