Nguồn tin: Báo Hà Giang, 16/12/2015
Ngày cập nhật:
20/12/2015
Nhắc đến giống gà xương đen của người Mông, mọi người xa gần đều biết về những ưu điểm của loại gà đặc sản này. Thế nhưng để phát triển chăn nuôi giống gà này thành hàng hóa ở vùng Cao nguyên đá thì khó lại càng chồng khó bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Bình thường, các hộ ở đây chỉ nuôi rải rác vài con để phục vụ nhu cầu của gia đình. Tuy nhiên, người thanh niên dân tộc Mông, Giàng Mí Sò, ở thôn Pù Trừ Lủng, xã Sủng Là (Đồng Văn, Hà Giang), đã thành công trong việc nuôi giống gà xương đen bản địa thành hàng hóa.
Chuồng nuôi gà xương đen của anh Giàng Mí Sò, ở thôn Pù Trừ Lủng, xã Sủng Là (Đồng Văn).
Xuất phát từ khó khăn của gia đình, năm 2006, anh Sò đi lao động xuất khẩu tại Malaysia trong khoảng thời gian 3 năm tại một xưởng mộc. Hết thời hạn lao động, anh tiết kiệm được khoảng vài chục triệu đồng mang về nhà. Anh Sò tâm sự: “Nhờ có chuyến đi lao động xuất khẩu đó mà tôi được mở mang đầu óc, từ đó quyết tâm khi trở về quê hương cố gắng tìm cách phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất của mình”. Sau đó, anh tiếp tục đi học hết Trung học phổ thông và học Trung cấp Thú y tại Trường Cao đẳng Nghề Hà Giang. Trở về nhà, sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, đến năm 2013, anh quyết định nuôi thử nghiệm giống gà xương đen bản địa với số lượng tương đối lớn là 200 con. Mặc dù được học về thú ý, biết cách làm chuồng trại và chăm sóc đàn gà nhưng anh vẫn vấp phải khó khăn. Giống gà địa phương rất khó nhân giống bởi điều kiện môi trường sống ở Cao nguyên đá nên gà đẻ thưa, khó ấp trứng thành con. Anh Sò lại tiếp tục tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin khác nhau và được một người quen đang học ở Hà Nội cung cấp thông tin rằng Viện Chăn nuôi đang lưu giữ nguồn giống gà này. Anh lập tức liên hệ và mua được giống gà xương đen bản địa.
Giải quyết được khó khăn về nguồn giống, năm 2014, sau khi nuôi lứa gà trước thấy có hiệu quả kinh tế, anh tiếp tục phát triển đàn gà lên thành 600 con. Đến nay, anh đã mạnh dạn đầu tư nuôi hơn 1.000 con gà xương đen. Anh Sò chia sẻ: “Gà xương đen là loại vật quý hiếm, đặc điểm của nó là thịt đen, xương đen, nội tạng đen; được coi như là một loại thuốc quý của người dân ở đây, giống gà nhỏ, thịt thơm ngon, nhưng khó nuôi dưỡng. Do đó, khi tôi nuôi thành công thì xuất lứa gà nào các nhà hàng cũng đều mua hết, một phần còn vì người dân ở đây nuôi gà hàng hóa không nhiều nữa”. Tuy nhiên, do anh Sò nuôi gà trong điều kiện bán chăn thả, thời gian chăn nuôi kéo dài từ 5 – 6 tháng mới xuất chuồng một lứa, giá bán vào khoảng 140 nghìn đồng/kg. Trong khi giá một con gà giống (1 vài ngày tuổi), nếu tính cả tiền cước vận chuyển tới Đồng Văn thì vào khoảng 20 nghìn đồng/con, nên thu nhập từ nuôi gà chưa cao. Ngoài nuôi gà, nhà anh còn chăn nuôi thêm dê, bò, lợn và bán hàng tạp hóa, có thu nhập trung bình khoảng 70 triệu đồng/năm. Dù vậy, thành công của anh Sò đã trở thành tấm gương về phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững ở vùng đá này khiến nhiều người khâm phục. Hy vọng, giống gà đặc sản này sẽ tiếp tục được nhân rộng và giúp nhiều hộ thoát nghèo.
LÊ HẢI
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.