Nguồn tin: Báo Hưng Yên, 15/12/2015
Ngày cập nhật:
20/12/2015
Huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên hiện có hơn trăm mô hình nuôi bò sữa với gần 600 con, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. Ít ai biết được, để có được sự phát triển như hiện nay, nghề nuôi bò sữa ở Kim Động đã trải qua không ít thăng trầm.
Nơi vẫn nợ nần…
Ông Quách Đại Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Hiệp Cường cho biết đến nay 6 hộ nông dân của xã tham gia dự án nuôi bò sữa năm 2003 vẫn còn nợ tiền Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh huyện Kim Động, tổng số nợ lên tới vài trăm triệu đồng. Trong đó có 5 hộ ở thôn Lương Xá, như: hộ ông Quách Văn Mạnh nợ hơn 80 triệu đồng; hộ ông Quách Văn Hưng nợ trên 86 triệu đồng; hộ có số nợ ít nhất là gia đình ông Dương Văn Vinh cũng lên tới 46 triệu đồng…
Ngân hàng nhiều lần gửi văn bản về UBND đôn đốc thu hồi nợ, xã cũng đã nhiều lần triệu tập các hộ gia đình để cùng ngân hàng tháo gỡ khó khăn nhưng chưa tìm được tiếng nói chung do các hộ gia đình tham gia nuôi bò sữa đều thuộc diện khó khăn. Hiện nay 6 hộ gia đình này đều chuyển sang chăn nuôi con vật khác như lợn, gà, vịt...
Vốn là những hộ nông dân năng động trong phát triển kinh tế, năm 2003, 6 hộ dân ở xã Hiệp Cường nhiệt tình tham gia dự án phát triển chăn nuôi bò sữa của tỉnh. Những hộ dân này được tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng/con bò giống; cho vay không lãi 3 năm với mức 10 triệu đồng/con bò. Ngoài ra, huyện Kim Động còn hỗ trợ chi phí vận chuyển bò từ cơ sở cung cấp giống về tới hộ gia đình, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; xã Hiệp Cường cũng hỗ trợ nông dân diện tích ruộng thầu để trồng cỏ...
Tuy nhiên, sau một thời gian nuôi, nông dân rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười” vì bò sữa nhưng không cho sữa do chất lượng con giống kém. Cuối cùng, tất cả số bò của 6 hộ này đều bị thải loại, bán theo giá bò thịt.
Nhớ lại những năm tham gia dự án, anh Dương Văn Hưng ở xã Hiệp Cường không giấu nổi sự thất vọng, đàn bò sữa 5 con mà gia đình anh mua có chất lượng kém, lượng sữa không đủ nuôi bê con nên gia đình anh phải bán “phá giá”. Số tiền mà vợ chồng anh đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, mua thức ăn chăn nuôi bị mất trắng, gia đình anh Hưng còn nợ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (PTNT) chi nhánh huyện Kim Động số tiền hơn 62 triệu đồng. Gia đình anh đành chuyển sang nuôi lợn để kiếm tiền trả nợ ngân hàng...
Nơi đã thành công
Tuy nhiên, bên cạnh những hộ gia đình “đoạn tuyệt” với con bò sữa, nhiều nông dân tại một số địa phương có đê tả sông Hồng chạy qua địa bàn và diện tích đất bãi rộng lớn ở Kim Động như: xã Hùng An, Mai Động, Phú Thịnh… lại vượt qua khó khăn để phát triển đàn bò sữa đến hiện nay, giúp không ít hộ vươn lên làm giàu.
Đàn bò sữa của gia đình ông Phạm Ngọc Vang, thôn Tả Hà (Hùng An)
Là một trong những hộ gia đình tham gia nuôi bò sữa từ năm 2003, hiện nay gia đình ông Phạm Ngọc Vang ở thôn Tả Hà, xã Hùng An vẫn duy trì đàn bò sữa với 12 con, trong đó có 9 con đang cho khai thác sữa.
Nhớ lại thời kỳ đầu tham gia dự án, ông Vang cho biết, lúc đó ông đăng ký nuôi hàng chục con nhưng do chất lượng con giống kém, kỹ thuật chăn nuôi không có nên con bò ngày càng gầy yếu, lượng sữa thu được chỉ từ 3 – 5 kg/ngày. Năng suất sữa thấp, giá sữa bèo bọt nên gia đình ông đã phải bán đi số lượng lớn đàn bò. Không nản chí, gia đình ông Vang đi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi ở nhiều nơi, lên các trại giống có uy tín mua thêm bò sữa có chất lượng cao.
Hiện nay, mỗi con bò sữa của gia đình ông cho thu từ 20 – 25kg sữa/ngày, với giá bán từ 8.000 – 13.000 đồng/kg, cho thu lãi trên 30 triệu đồng/năm. Như vậy, chỉ tính riêng tiền bán sữa, mỗi năm đàn bò sữa mang lại cho gia đình ông Vang khoản lợi nhuận trên 300 triệu đồng, chưa tính tiền bán bê.
Hộ ông Phạm Thế Dương ở thôn Tả Hà (xã Hùng An) là hộ nuôi bò sữa nhiều nhất huyện với 36 con, trong đó có gần 20 con đang cho khai thác sữa. Hàng ngày, mỗi con bò của gia đình ông cho khai thác từ 20 - 30kg sữa. Ông Dương cho biết: Hiện nay, với giá bán sữa cho Công ty sữa Vinamilk là 14 nghìn đồng/kg, người nuôi có lãi ít nhất 50% giá sữa.
Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Động, hiện nay, sản phẩm sữa được bao tiêu hoàn toàn bởi Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk và Công ty cổ phần sữa quốc tế IDP, góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho người chăn nuôi.
Ông Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Động cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 3 điểm thu mua sữa bò bảo đảm năng lực mua gom toàn bộ sữa bò của cả huyện và các vùng lân cận.
Kim Động phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện có khoảng 1.000 con bò sữa, tập trung mở rộng ở những địa phương đang nuôi và các xã vùng ven đê. Đây là một trong những nội dung trọng tâm của Đề án chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả cao mà Kim Động đang triển khai.
Dương Miền
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.