Nguồn tin: VOV, 20/12/2015
Ngày cập nhật:
21/12/2015
Sau khi phải nghỉ học giữa chừng, Nguyễn Thị Huyền đã gây dựng nên tổ hợp tác nuôi chim trĩ, mang lại nguồn thu nhập cao.
Bố mất sớm, mẹ bệnh nặng nên em Nguyễn Thị Huyền – sinh viên trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phải nghỉ học giữa chừng để về quê gánh vác việc gia đình. Vượt qua nhiều khó khăn, Nguyễn Thị Huyền đã gây dựng nên tổ hợp tác nuôi chim trĩ đầu tiên ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc, với mức thu nhập từ 600 đến 700 triệu đồng/năm.
Năm 2010, bố Huyền mất nên em đành phải nghỉ học giữa chừng để trở về quê để chăm sóc mẹ bệnh tật. Để có tiền chữa bệnh cho mẹ và trang trải trong gia đình, Huyền phải chạy vạy khắp nơi, vừa lo việc ruộng vườn, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bước đầu, chăn nuôi lợn thất bại, Nguyễn Thị Huyền nhanh chóng tìm cách làm mới, đó là nuôi chim trĩ.
Huyền tâm sự: “Hồi mẹ em vay Hội nông dân 4 triệu đồng về làm chuồng nuôi heo cũng mang lại hiệu quả. Nhưng đến năm 2012, do khủng hoảng về giá cả nên gia đình em bị thua lỗ, không tiếp tục nuôi heo được. Dịp trước, trường em cho đi Hà Nội thăm quan, thấy một số hộ nuôi chim Trĩ thành công nên em tìm mua giống về nuôi.”
Đầu năm 2012, từ Tây Nguyên, Nguyễn Thị Huyền ra tận trang trại Vạn Phúc, thành phố Hà Nội để mua 200 con chim trĩ giống về nuôi. Bước đầu, do chưa có kinh nghiệm, số chim chết hơn một nửa, nên bị thua lỗ. Tuổi trẻ năng động, quyết tâm theo đuổi đến cùng, Huyền tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, kỹ thuật nuôi chim trĩ.
Nguyễn Thị Huyền với đàn chim trĩ của mình
Huyền chia sẻ, chim trĩ nuôi đơn giản như gà, bởi quy trình vắc-xin giống như gà. Chim trĩ ít bị bệnh hơn gà, ăn uống lại ít tiêu tốn.
Trải qua giai đoạn khó khăn ban đầu, thậm chí thất bại, Nguyễn Thị Huyền đã nắm chắc kỹ thuật và đặc tính của loài chim trĩ. Đây là cơ sở để cô mạnh dạn thuê 1 ha đất, vay 160 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệpvà Phát triển nông thôn, đầu tư mở rộng chuồng trại, nuôi 2.000 con.
Từ thành công bước đầu ở quy mô gia đình, Nguyễn Thị Huyền đã giới thiệu với nhiều bà con nông dân ở địa phương và thành lập tổ hợp tác nuôi chim trĩ tại huyện Cư M’gar, với 25 hộ tham gia. Đến nay, tổ hợp tác này có 5.000 chim trĩ đẻ trứng gây giống; thường xuyên duy trì khoảng 20.000 con chim thành phẩm, lợi nhuận mỗi năm từ 600 đến 700 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Kim Đạt ở khối 1, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, thành viên tổ hợp tác nuôi chim trĩ cho biết, chị cũng học theo Huyền để nuôi chim trĩ và thấy có lãi. “Huyền hỗ trợ tôi chim giống và kỹ thuật nuôi 1.000 con. Một năm, thu lãi suất trừ ra được 60 - 70 triệu đồng,” chị Đạt nói.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắc Lắc, chim trĩ có sức đề kháng cao, ít bệnh, thịt thơm ngon, dễ chế biến giá bán trên thị trường hiện khoảng 180 nghìn đồng/1kg; thị trường tiêu thụ khá thuận lợi.
Ông Ngô Nhân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắc Lắc cho biết, mô hình tổ hợp tác nuôi chim trĩ của chị Nguyễn Thị Huyền ở huyện Cư M’gar khá thành công, có thể nhân rộng.
Với hoài bão của tuổi trẻ, Nguyễn Thị Huyền cho biết, thời gian tới sẽ hoàn thiện hồ sơ, xin giấy phép thành lập Công ty nuôi chim trĩ. Đồng thời liên kết với các công ty chế biến thực phẩm đông lạnh để sản xuất ở quy mô lớn./.
Tuấn Long/VOV – Tây Nguyên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.