Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 22/12/2015
Ngày cập nhật:
25/12/2015
Nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) từ lâu đã nổi tiếng khắp nơi từ Bắc vào Nam. Nhờ nghề này đã có nhiều nông dân trở thành những triệu phú, tỷ phú. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, cùng với sự lao dốc của giá cả, nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn gặp nhiều khó khăn, khiến không ít hộ làm nghề lao đao.
Không còn không khí nhộn nhịp của những đoàn xe chở rắn đổ về các nơi như: Quảng Ninh, Lào Cai và các tỉnh phía Nam như 3 năm trở về trước, những tháng cuối năm 2015, từ đầu làng đến cuối làng, câu chuyện về rắn, giá cả, thất thu khiến không ít người phải lắc đầu ngao ngán.
Giống như bao làng nghề truyền thống khác, người dân Vĩnh Sơn không rõ nghề nuôi rắn của địa phương mình có từ bao giờ. Song theo những bậc cao niên trong làng, nghề nuôi rắn thực sự phát triển mạnh từ những năm 1990, từng bước trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây, với hơn 50% số hộ trong xã tham gia. Với những ai đã từng biết và nghe danh Vĩnh Sơn, hẳn không còn xa lạ gì với câu chuyện về những người nông dân làm giàu, xây nhà, mua xe và thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ nuôi rắn. Nhưng ít ai ngờ rằng, câu chuyện làm giàu từ rắn nay đã lùi dần vào quá khứ. Ông Hà Hồng Quảng, Chủ tịch Hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn cho biết: “Mặc dù giá rắn không ổn định, song chưa khi nào xuống thấp như 2 năm trở lại đây, khiến cho người chăn nuôi rắn ở Vĩnh Sơn gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập sụt giảm mạnh, thậm chí không ít hộ còn bị lỗ”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, 3 năm trở về trước, giá rắn trung bình khoảng 800 nghìn đồng/kg, thậm chí lúc cao điểm, lên tới 1,2 triệu đồng/kg, nhưng, bắt đầu từ năm 2014, giá rắn có sự sụt giảm mạnh. Năm 2014, giá cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 600 nghìn đồng/kg, còn như năm nay, giá rắn bình quân chỉ đạt 300 nghìn đồng/kg. Ông Phùng Văn Thơm, với thâm niên hơn 20 năm nuôi rắn ở thôn 4, Vĩnh Sơn cho biết: “Bình quân, mỗi năm, gia đình tôi nuôi khoảng 1000 con rắn. Vẫn số lượng rắn như vậy, trước năm 2013, doanh thu một năm của gia đình tôi đạt hơn tỷ đồng, lợi nhuận thu về trên 200 triệu đồng/năm, nhưng, 2 năm trở lại đây, do giá rắn giảm mạnh, nuôi rắn không có lãi. Với giá chỉ khoảng 300 nghìn đồng/ kg như hiện nay, mỗi tấn rắn bán ra, chúng tôi thất thu 500 triệu đồng so với thời điểm 3 năm trước. Đây là một con số không hề nhỏ đối với người nông dân”.
Trước sự sụt giảm về giá rắn, trong 2 năm trở lại đây, các hộ theo nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn đã dè chừng hơn trong đầu tư. Một số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ đã ngừng nuôi. Các hộ theo nghề hầu hết chỉ duy trì số lượng rắn hiện có chứ không mặn mà nhập thêm rắn giống, mở rộng chăn nuôi như trước đây. Cũng theo thống kê của Hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn, năm 2014, toàn xã có khoảng 780 hộ chăn nuôi, tuy vậy, đến nay, giảm còn 700 hộ nuôi.
Theo một số người chăn nuôi trong xã, thời gian qua, do tác động của khủng hoảng kinh tế, người dân Trung Quốc thắt chặt chi tiêu, nhu cầu rắn và các sản phẩm từ rắn của thị trường này sụt giảm mạnh. Trong khi đó, rắn không còn là sản phẩm riêng có của Vĩnh Sơn. Hiện nay, đã có nhiều địa phương phát triển nghề này, gần đây nhất có thể kể đến Bạch Lưu (Sông Lô), Ngọc Thanh (thị xã Phúc Yên) và một số xã ở tỉnh Phú Thọ. Nghề chăn nuôi rắn ở Trung Quốc cũng khá phát triển, phần nào đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường này. Do đó, thị trường Trung Quốc, vốn là mảnh đất khá màu mỡ cho làng nghề rắn Vĩnh Sơn thì nay đã giảm đi đáng kể. Trao đổi về vấn đề này, ông Thơm, một trong những thương lái có tiếng ở Vĩnh Sơn cho biết: “Hiện nay, rắn Vĩnh Sơn xuất ra thị trường chủ yếu vẫn là rắn nguyên con. Trong đó, 80% sản lượng rắn trong xã là xuất sang thị trường Trung Quốc. Như 3 năm trở về trước, mỗi tháng, gia đình tôi có khoảng 20 chuyến xe chở rắn đi Móng Cái (Quảng Ninh), xuất bán sang Trung Quốc. Nhưng, hiện nay, đầu ra cho rắn gặp nhiều khó khăn, việc tiêu thụ bị chững lại, mỗi tháng cũng chỉ tiêu thụ được từ 3 - 5 chuyến hàng”.
Cùng với sự phát triển của làng nghề, trong những năm qua, một số doanh nghiệp, HTX chế biến rắn ở Vĩnh Sơn được thành lập cho ra đời các sản phẩm như cao rắn, rượu rắn... với mục tiêu tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, hướng tới thị trường trong nước. Không ít sản phẩm từ rắn của làng nghề đã được giới thiệu trong các hội chợ, tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, bước đầu được người tiêu dùng biết đến và đón nhận. Tuy vậy, theo ông Hà Hồng Quảng, Chủ tịch Hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn, do hạn chế trong khâu tiêu thụ cũng như sản phẩm qua chế biến còn ít và đơn giản, đến nay, các cơ sở này mới chỉ giải quyết được một phần đầu ra cho sản phẩm rắn của địa phương. Chăn nuôi vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trước thực trạng giá rắn giảm mạnh trong 2 năm trở lại đây, Hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn đưa ra khuyến cáo các hội viên và người chăn nuôi giảm đàn, hạn chế việc mở rộng quy mô chăn nuôi nhằm bảo toàn vốn. Tuy vậy, đây chỉ được xem là giải pháp tình thế, nếu giá rắn tiếp tục sụt giảm sẽ khiến không ít hộ rơi vào cảnh lao đao bởi lẽ số lượng các hộ chăn nuôi sử dụng vốn vay của ngân hàng khá nhiều, nếu chăn nuôi không có hiệu quả, việc trả lãi cho ngân hàng sẽ gặp khó khăn chứ không nói đến hoàn trả gốc.
Trước những khó khăn hiện nay của làng nghề, các hộ nuôi rắn ở Vĩnh Sơn mong muốn, trong thời gian tới, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách, giúp làng nghề tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn ưu đãi và các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng khu làng nghề tập trung, đưa Vĩnh Sơn trở thành làng nghề chăn nuôi rắn gắn với phát triển du lịch, dịch vụ theo như quy hoạch đã đề ra.
Nguyễn Hường
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.