• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trứ danh dê núi Ninh Bình

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 19/02/2015
Ngày cập nhật: 22/2/2015

Vùng núi đá Hoa Lư, Tam Điệp (Ninh Bình) nổi tiếng nhiều thảo dược. Đàn dê ăn vào, hấp thu những tinh chất bổ dưỡng nhất giúp tăng cường sinh lực, hiếm hoi lắm mới có con ốm yếu. Thịt dê cũng vì thế mà thơm ngon đặc trưng.

Dê núi đá – con nuôi đặc sản của Ninh Bình

Núi liền núi, sừng sững, dựng đứng như những cao ốc chọc trời. Đàn dê nhơ nhởn đạp đá leo dốc, thỉnh thoảng lại nhảy phốc qua khe sâu sang vách núi khác như biết “khinh công”.

Sức mạnh của dê núi đá hiện hữu ở thân hình u thớ, săn chắc và khả năng bám dính tuyệt vời của những bàn chân. Chúng cũng là loài ăn sang hạng nhất: Không bao giờ ăn lá cây chạm đất, không ăn lại thứ con khác đã gặm. Hành trình kiếm ăn của chúng theo một vòng tròn khép kín và không có khái niệm quay đầu.

Vùng núi đá Hoa Lư, Tam Điệp (Ninh Bình) nổi tiếng nhiều thảo dược. Đàn dê ăn vào, hấp thu những tinh chất bổ dưỡng nhất giúp tăng cường sinh lực, hiếm hoi lắm mới có con ốm yếu. Thịt dê cũng vì thế mà thơm ngon đặc trưng.

Hiện nay, cư dân chủ yếu nuôi dê theo lối quảng canh, tự phát theo quy mô nhỏ lẻ. Nhiều hộ lợi dụng hang đá, hàm ếch dựng chuồng ngay trên núi cho dê trú chân sau một ngày kiếm ăn. Những gia đình ở xa núi hơn thường bớt một lao động để chăn thả, sáng lùa đi, tối đuổi về.

Gặp "đệ nhất" nuôi dê

Qua sự giới thiệu của ông Nguyễn Hùng Vương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Hòa, huyện Hoa Lư, chúng tôi tìm đến thôn Áng Sơn để diện kiến ông Nguyễn Việt Thống, người nuôi dê giỏi nhất tỉnh Ninh Bình năm 2009.

Ở vùng đất hỏm hóc hun hút tựa lưng vào núi đá vôi, ông Thống đang ngồi trên gác-ba-ga xe đạp, một chân đẩy cho xe chạy, một tay cầm chiếc gậy tre gắn tua dua như cây phất chẩn lùa đàn dê từ núi về nhà.

Ông bảo: “Ngày trước bác làm nghề đập đá, bị đá đè què chân, giờ đi lại la láp, dập dềnh lắm. Từ ấy chuyển sang nuôi dê luôn. Nói như thế để thấy rằng nghề này không khó nhọc như người ta vẫn nghĩ. Nhà có 50 con dê thì thả một nửa trên núi cho chúng tự kiếm ăn. Con nào nhỏ mới cho hạ sơn chăn thả và tiêm phòng thú y”.

Ông Thống hiểu tập tính của dê như tính nết từng đứa con của mình. “Cành, lá cho dê ăn không được vứt xuống đất, lúc nào cũng phải treo lên. Khi thả ra môi trường hoang dã, muốn nó không chốn mất thì phải cho uống thêm nước muối.

Thấy con nào chướng bụng, đầy hơi chỉ cần giã nhỏ củ gừng, bỏ vào nước ấm rồi vắt thêm quả chanh cho dê uống; xoa nhẹ nhàng vùng bụng, thoa vòng tròn theo chiều kim đồng hồ.

Khi dê mắc bệnh tiêu chảy, chỉ cần lấy búp ổi hoặc lá ổi non, một vài củ gừng hoặc giềng cho vào ấm sắc lên rồi cho uống liên tục trong 3 ngày là khỏi. Nếu thấy con nào bị viêm lở miệng, dê đưa chân trước gãi ngứa và lây lan, phải lập tức lấy nước chanh pha muối rồi bôi lên vết thương”, ông Thống bật mí một vài bài thuốc dân gian chữa bệnh cho dê.

Nói về liên kết hộ nuôi dê, ông Thống cho hay: "Từ năm 2009 xã đã có CLB liên thế hệ nuôi dê, bầu tổ trưởng, tổ phó đàng hoàng. Xin cơ chế hoạt động nhưng cấp trên bảo không cho. Tháng 8 vừa rồi, Hội Nông dân tỉnh đã có hướng dẫn số 19 về thành lập kinh tế tập thể, Tổ hợp tác nuôi dê Ninh Hòa mới có cơ sở để hình thành.

Tổ đã đề ra quy chế hoạt động, trong đó chú trọng nhất vẫn là con giống, tập huấn kỹ thuật và lo tiêu thụ. Trước thì mạng ai nấy làm theo giá mình ưng, nay thống nhất giá trong tổ. Ví dụ như lúc này là 180.000 đồng/kg hơi.

Tuy giá cao hơn so với thị trường khoảng 40.000 đồng nhưng là dê dé, nuôi núi chính hiệu, khách mua nhiều, chỉ sợ không có để bán. Con dê đực 1 năm tuổi có trọng lượng khoảng 35 - 40 kg, trị giá 6 - 7 triệu đồng, trong khi chi phí cho thức ăn gần như không đáng kể.

Trước dê nuôi loanh quanh trong một hộ, thoái hóa nhiều. Nay các thành viên trao đổi giống dê cho nhau để nâng cao chất lượng dê. Ngoài giúp đỡ nhau về con giống, vào tổ hợp tác, chúng tôi còn được Hội nông dân tỉnh đầu tư vốn. Cả tổ hiện nay vay khoảng 300 triệu đồng. Đây là con nuôi có thể giúp nông dân Ninh Hòa thoát nghèo và tính chuyện làm giàu".

Lúc nào cũng “cháy” hàng

Ước tính, các nhà hàng, khách sạn tại Ninh Bình mỗi năm tiêu thụ khoảng hơn 40 nghìn con dê thịt, tương ứng khoảng 1.000 - 1.200 tấn thịt dê. Trong khi đó, sản lượng thịt dê của địa phương chỉ đáp ứng được khoảng 20 nghìn con, tương ứng với khoảng 500 tấn thịt dê.

Thực tế việc nuôi dê ở các nông hộ vẫn chưa thực sự phát triển một phần do thiếu giống, thiếu vốn và nhất là bãi chăn thả ngày càng thu hẹp do sự phát triển mạnh của du lịch, quy hoạch khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia… nguồn thức ăn cho dê khan hiếm.

Mặc dù giống dê núi bản địa có kỹ năng leo trèo vách đá siêu đẳng, do khả năng tự kiếm ăn tốt. Tuy nhiên, vóc dáng của những cá thể dê ngày càng bé, nuôi 9 - 10 tháng trọng lượng chỉ đạt khoảng 20 kg nên hiệu quả về kinh tế chưa cao.

Theo ông Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN-PTNT Ninh Bình), trong một thời gian dài, công tác SX giống dê không được chú trọng.

“Nông dân Ninh Bình đang rất hứng khởi nuôi dê, nhưng trước sức ép lớn do diện tích bãi chăn thả của các huyện miền núi ngày càng thu hẹp đã xuất hiện sự chuyển dịch phong trào nuôi dê về các huyện ven biển. Lấy ví dụ, huyện Kim Sơn mặc dù không có một ngọn núi nào nhưng tổng đàn dê đã lên tới 1.600 - 1.700 con”, ông Nguyễn Văn Tuyên.

Người dân chăn thả dê theo kinh nghiệm là chính, ít chú ý đảo con đực dẫn đến tình trạng giao phối cận huyết phổ biến. Dê còi cọc và giảm sức đề kháng. Bên cạnh đó, sự thờ ơ trong khâu tiêm phòng khiến tỷ lệ dê mắc dịch bệnh cao.

Tập trung khâu SX giống

Hơn 3 năm qua, Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình đã miệt mài chuyển giao mô hình nuôi dê sinh sản bằng cách hỗ trợ các hộ chăn nuôi dê cái và dê đực Bore (hoặc dê Bách Thảo), tạo ra được đàn dê lai mang những tính trạng tốt nhất của giống dê bản địa và dê ngoại.

Dê giống được chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật, khả năng sinh sản tốt, dê thương phẩm có khả năng tăng trọng nhanh, trọng lượng lớn, tỷ lệ thịt cao đem lại giá trị kinh tế cho người chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Phú Sơn, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn đang thực hiện mô hình so sánh: Nếu so với dê địa phương, dê lai Bore thương phẩm ở 6 tháng tuổi có trọng lượng cao hơn 6 - 7 kg/con, chất lượng thịt vẫn thơm ngon.

Nhận xét về mô hình “Chăn nuôi dê sinh sản” đang triển khai, ông Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình, cho biết: "Đây là hướng nâng cao thu nhập bền vững của người chăn nuôi, đồng thời đáp ứng phần nào nhu cầu sử dụng thịt dê trên địa bàn tỉnh và vùng lân cận, đặc biệt là góp phần bảo vệ và phát triển đàn dê hiện có.

Nhờ có con giống tốt, lại chăm sóc đúng kỹ thuật nên dê nhanh lớn, khối lượng cơ thể cao hơn hẳn dê địa phương (dê cái trưởng thành khoảng 30 - 35 kg/con, dê đực khoảng 50 kg/con, trong khi dê địa phương khoảng 25 - 27 kg/con cái và 30 - 35 kg/con đực)".

Song song với đó, từ năm 2013, Sở KH- CN Ninh Bình cũng triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật SX con giống dê núi Ninh Bình tại Công ty cổ phần Giống bò thịt, sữa Yên Phú”. Sau khi kết thúc dự án sẽ nâng quy mô SX của đàn cái sinh sản lên 107 con, trong đó có 84 con dê cái sinh sản thuộc thế hệ ông bà và 23 con dê cái sinh sản thuộc thế hệ bố mẹ.

Hằng năm, Công ty sẽ cung cấp cho thị trường từ 180 - 200 con dê núi giống. Đây sẽ là tiền đề để góp phần đẩy nhanh phát triển đàn dê núi trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu con giống cho các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi dê.

Trên cơ sở đó phát triển mô hình quản lý trong chăn nuôi dê núi từ khâu chọn con giống đến các quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng… nhằm tăng hiệu quả trong chăn nuôi dê núi, nhất là các xã miền núi còn nhiều khó khăn.

PHÙNG MINH PHÚC

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
27/12/2015
27/12/2015
26/12/2015
26/12/2015

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang