• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mùa ong hút mật

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp, 02/03/2015
Ngày cập nhật: 3/3/2015

Mùa xuân, ở Đồng Tháp, bông tràm nở khắp các khu rừng, tỏa hương thơm quyến rũ cho các loài ong đua nhau bay đi hút mật làm nên vị ngọt cho đời.

Mật ong được bày bán trong các phiên chợ hàng Việt về nông thôn

Hút “vàng” từ thiên nhiên

Một ngày đầu xuân, chúng tôi chạy xe dọc theo tuyến đường ở xã Tân Công Sính (huyện Tam Nông) gặp nhiều hộ dân đặt hàng trăm thùng nuôi ong liên tiếp nhau. Bắt chuyện với anh Nguyễn Văn Hút - một chủ nuôi ong mật, anh Hút cho rằng, Đồng Tháp có khí hậu thích hợp với loài ong mật. Gần đây, các khu vực gần rừng tràm được xem là vùng nguyên liệu lấy mật ong phong phú. Hàng năm, từ khoảng đầu tháng 1 dương lịch là nhiều người di chuyển đàn ong tới đây để nuôi dưỡng ong lấy mật.

Đồng Tháp Mười có hệ thống rừng tràm phong phú, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho ong, nên việc nuôi ong của người dân giảm được chi phí thức ăn. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Công Sính đã thành lập mô hình nuôi ong lấy mật và hỗ trợ vốn cho nhiều hội viên tham gia nuôi ong, giúp cho nhiều người ổn định cuộc sống và làm giàu.

Bà Nguyễn Thị Tú Nguyên - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Công Sính cho biết: “Đây là mô hình mới được thành lập ở địa phương, khi thực hiện thử nghiệm ở vài hộ thấy có hiệu quả cao, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người”. Cũng theo bà Nguyên, trước đây, người dân thường vào rừng trái phép để săn bắt động vật, lấy mật ong, dễ gây cháy rừng. Từ khi được hỗ trợ vốn nuôi ong lấy mật phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ dân đã hạn chế xâm nhập vào rừng trái phép.

Anh Phạm Vũ Linh cho đàn ong ăn

Trước đây, anh Phạm Vũ Linh (huyện Tam Nông), có thời gian nuôi ong mật cùng với người cô ở tỉnh Đồng Nai. Học được kinh nghiệm nuôi ong mật trong thùng, anh Linh trở về quê nhà bắt đầu nuôi ong gần rừng tràm ở huyện Tam Nông và di chuyển đàn ong đi khắp các tỉnh khác. Qua hơn 4 năm nuôi ong, anh Linh đã phát triển nuôi hơn 600 thùng ong mật, mỗi năm lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. “Hàng năm, khoảng 6 tháng nuôi ong ở huyện Tam Nông, sau đó, tôi di chuyển đàn ong đi tỉnh khác “dựng trại” nuôi tiếp khi những nơi này vườn cây vào mùa hoa nở. Tôi nghĩ nếu chính quyền địa phương hỗ trợ vốn cho người dân địa phương nuôi ong sẽ góp phần hạn chế vào rừng lấy mật ong bừa bãi gây cháy rừng” - anh Linh cho biết.

Làm nên vị ngọt cho đời

Ở Đồng Tháp có nhiều hộ dân nuôi ong với hàng ngàn thùng ong mật, mỗi năm cung cấp hàng trăm tấn mật cho các công ty, doanh nghiệp để chế biến xuất khẩu cho thị trường trong và ngoài nước. Mật ong bán với giá khoảng 120.000 đồng/lít, mỗi tháng trung bình người nuôi ong thu nhập hàng triệu đồng. Ban đầu, anh Nguyễn Văn Hút “khởi nghiệp” nuôi ong từ nguồn vốn vay mượn, cầm cố đất ruộng để nuôi khoảng 50 thùng ong. Đến nay, anh Hút đã phát triển lên hàng trăm thùng ong, mỗi năm đàn ong “nhả vàng” giúp gia đình thu nhập hàng chục triệu đồng. Anh Hút chia sẻ: “Từ khi chuyển sang nuôi ong lấy mật, kinh tế gia đình khá lên, hiện giờ, tôi nuôi được 310 thùng ong. Tôi thấy ngoài hiệu quả về mặt kinh tế, việc nuôi ong còn giúp thụ phấn cho cây trồng, góp phần tăng năng suất và bảo vệ môi trường sinh thái”.

Phải thường xuyên kiểm tra theo dõi đàn ong

Theo nhiều người nuôi ong trong tỉnh Đồng Tháp, nghề nuôi ong không quá khó, tuy nhiên để trở thành tay nuôi thuần thục, có kinh nghiệm nhân giống và lấy mật chất lượng thì không phải ai cũng thực hiện được, chỉ có sự kiên trì thì mới đúc kết được kinh nghiệm cho riêng mình. Theo anh Phạm Vũ Linh, phẩm chất của ong chúa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống đàn ong. Ong chúa tốt thì đàn ong sẽ phát triển, ong chúa kém chất lượng sẽ làm cho đàn ong dễ tàn. Người nuôi ong mật trong thùng có kinh nghiệm thì phải có khả năng đoán được những bệnh của ong để có phương pháp chữa trị hiệu quả, ngoài ra còn có khả năng làm đàn ong nhân giống tốt.

Khoảng từ tháng 2 đến tháng 11 dương lịch là thời điểm người nuôi chọn những khu vực rừng cây yên tĩnh để dưỡng ong, nhân giống và lấy mật; từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau là thời điểm chuyển đàn ong đến những địa điểm có vườn cây ăn trái để ong lấy mật. Anh Huỳnh Văn Sang (huyện Tam Nông) vừa đầu tư vốn hơn 75 triệu đồng, nuôi 50 thùng ong. Giở thùng ong lên để kiểm tra đàn ong, anh Sang cho biết: “Đây là nghề bỏ công làm lời nên phải chịu khó, thường xuyên chăm sóc ong, thăm dò nơi nào có cây ra hoa là di chuyển đàn ong đến”.

Vào những ngày đầu xuân, chúng tôi cảm nhận được hương bông tràm thoảng bay trong gió, cũng là thời điểm báo hiệu thắng lợi một mùa nuôi ong của người dân địa phương.

Dương Út

Các tin chăn nuôi khác:

31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
29/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
28/12/2015
27/12/2015
27/12/2015
26/12/2015
26/12/2015

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang