Nguồn tin: Nhân Dân, 17/03/2015
Ngày cập nhật:
18/3/2015
Anh Hoàng Văn Hoài ở huyện Krông Pác (Ðác Lắc) kiểm tra chất lượng đàn ong.
Tây Nguyên được thiên nhiên ban tặng không chỉ có những rừng cà-phê bạt ngàn, những vùng cao-su thẳng hàng xa tít mà còn có mùa dành riêng cho con ong đi lấy mật... Nghề nuôi ong mật giúp không ít gia đình ở Tây Nguyên giàu lên, song nghề này cũng lắm vất vả gian nan.
Khi hoa rừng đua nhau khoe sắc, cây cà-phê bắt đầu bung hoa cũng là thời điểm khai thác mật của các chủ nuôi ong di chuyển đến các rẫy cà-phê, vùng cao-su ven quốc lộ hay ven rừng để ong đi lấy mật. Anh Tô Văn Thúy, ở thôn 2, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột (Ðác Lắc) có thâm niên 30 năm nuôi ong chia sẻ: nghề nuôi ong không giống với bất cứ nghề nào khác, người làm nghề này cũng phải cần mẫn như một chú ong mới không thấy chán khi theo những cánh ong đi tìm hoa, lấy mật khắp các vùng miền. Một năm, bình quân anh phải di chuyển đàn ong từ 5 đến 7 lần. Thông thường, bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 11, anh di chuyển đàn ong sang tỉnh Bình Phước hút mật điều và lá cao-su (lá cao-su úa vàng và những chồi non mới nhú tiết ra một lượng mật khá lớn). Ðây là thứ mật có giá trị cao, được thị trường nước ngoài ưa chuộng. Những tháng 12, tháng 1 năm sau, lại đưa đàn ong trở lại tỉnh Ðác Lắc để hút mật hoa rừng và đón mùa hoa cà-phê nở. Hết mùa hoa cà-phê anh lại theo đàn ong ra tận Bắc Ninh để lấy mật hoa vải, sau đó về Thanh Hóa, Nghệ An, Huế lấy mật cây tràm. Ðến tầm tháng 5, tháng 6 đưa đàn ong quay về Tây Nguyên để "dưỡng sức", tăng đàn chuẩn bị cho một mùa đánh mật mới.
Ðể đưa ong đi tìm mật, người nuôi thường phải tiền trạm khảo sát địa bàn, tìm những vùng hoa có diện tích tương đương hoặc hơn số lượng đàn ong, đồng thời nguồn hoa nở phải tiết mật khoảng 20%; chọn chỗ đặt đàn ong phải tương đối kín gió; di chuyển đàn ong cũng phải tuân thủ những điều kiện bắt buộc như di chuyển vào ban đêm để không làm ảnh hưởng đến đàn. Theo người nuôi ong, việc di chuyển đàn ong theo mùa lấy mật sẽ giảm chi phí nuôi dưỡng đàn, năng suất, chất lượng mật lại cao hơn.
Trước khi đến mùa hoa nhãn Hưng Yên, những đội nuôi ong lớn trong cả nước đã thu hoạch xong mật hoa cà-phê, cao-su, vựa hoa quả ở đồng bằng sông Cửu Long, hoa vải Bắc Giang... Những khu vườn nhãn bạt ngàn ở tỉnh Hưng Yên có hơn 60 đội đánh mật. Mỗi đội mang từ 400 đến 600 thùng ong. Gặp Hoàng Văn Hoài, 38 tuổi, huyện Krông Pác (Ðác Lắc) người mang đàn ong đến triền đê xã Hoàng Hanh (TP Hưng Yên) đang thu hoạch lứa mật ong nhãn đầu tiên trên vùng nhãn. Hoài kể, 10 năm trước đã bắt đầu hành trình mang ong đi tìm mật. Khi hoa cà-phê nở bung khắp cánh rừng Tây Nguyên là vào vụ khai thác. Ðến tháng 2, nhóm của anh bắt đầu mang đàn ong ra bắc, cho ong hút mật vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), nhãn lồng Hưng Yên, rồi cứ thế xuôi các tỉnh miền trung, thu mật keo, tràm, cao-su, hoa dẻ rừng... Cuối tháng 5, những thùng ong lại ngược về Ðác Lắc để bắt đầu vào mùa nuôi dưỡng đàn ong. Muốn di chuyển 400 đến 600 thùng ong, Hoài phải thuê hai chiếc xe tải loại tám tấn.
Nuôi ong giống như nuôi con mọn, hằng ngày nhóm nuôi ong phải kiểm tra thùng ong để biết chúng có lấy đủ phấn, xem ong có khỏe mạnh, thường xuyên đảo cầu để mật lên đều. Mọi sự thay đổi thời tiết sẽ ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của ong cho nên nếu mưa nhiều, ong không đi lấy mật, bắt buộc phải đổ đường cho chúng ăn. Suốt sáu tháng trời, người huấn luyện ong phải ở trong những lán trại, chịu đựng cảnh sinh hoạt thiếu thốn.
Ðàn ong 600 thùng của anh Nguyễn Văn Xuân (20 tuổi) và năm anh em cùng góp vốn cũng đặt ở Hưng Yên, sắp thu lứa mật thứ hai. Lứa đầu, tổ anh Xuân quay được hơn bốn tấn mật. Ngoài bán tại chỗ, số mật sẽ được đóng vào can, mang về Ðác Lắc, nhập cho công ty mật ong. Nghề nuôi ong giống như đánh bạc với trời. Tìm được nơi nhiều hoa, gặp thời tiết tốt thì chẳng mấy chốc thành tỷ phú. Có những vụ hoa nhãn xum xuê, trời nắng đẹp, mùa hoa kéo dài, lại nhiều mật, cứ hai đến ba ngày là thu được một lứa mật. Lúc đó như nhận được lộc trời, người thợ ráng sức mà khai thác. Nhưng chẳng mấy khi được như vậy. Hành trình của những người nuôi ong thường gặp mưa, nóng, lạnh thất thường. Có những mùa vượt hàng nghìn km nhưng đến nơi thì gặp mưa ròng rã, không thể thu hoạch, lại phải đổ đường cho ong ăn. Chi phí thuê xe, tiền sinh hoạt, thức ăn cho ong xem như là thất thu mùa ấy, Nguyễn Văn Xuân cho biết. Cái khó của nghề là đánh giá thời tiết. Ðến đúng mùa hoa nở và đi lúc nó chưa tàn, nếu không các chủ hộ sẽ phun thuốc đậu quả, nguy hiểm cho đàn ong.
Với hơn 20 năm gắn bó cùng nghề nuôi ong, ông Trần Thọ Thành, thôn 8, xã Hòa Thắng (TP Buôn Ma Thuột) cho biết: nghề nuôi ong không khó lắm. Ðể phát triển đàn ong chỉ cần đầu tư mua thùng, mua giống ban đầu, sau đó tự tách ong chúa sang tổ khác để tăng đàn. Tuy nhiên, muốn thành công đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật và kinh nghiệm dày dặn bởi nghề này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Hiện, gia đình ông có 300 đàn ong, bình quân mỗi năm cho thu hoạch 10 tấn mật. Theo tính toán của ông: nếu thuận lợi thì sau một vụ mật, trừ đi chi phí, lợi nhuận thu được hơn 100 triệu đồng. Tỉnh Ðác Lắc có nhiều triệu phú từ nghề nuôi ong như hộ ông Vũ Tiến Cát ở thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M'gar), nuôi 500 đàn ong nhà đều cho thu hoạch 17 tấn mật/năm; với giá hiện nay khoảng 31 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi gần 400 triệu đồng. Gia đình ông Nguyễn Huy Bát ở phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột cũng nuôi tới 3.000 đàn ong mật, mỗi năm khai thác khoảng 100 tấn mật ong, thu lãi hơn hai tỷ đồng...
Hiện, Ðác Lắc có khoảng 1.200 hộ nuôi ong với gần 200 nghìn đàn. Ðầu ra của các sản phẩm từ ong mật khá thuận lợi, Công ty cổ phần Ong mật Ðác Lắc tích cực hỗ trợ các hộ nuôi ong về kỹ thuật, ong giống đến việc thu mua sản phẩm. Bên cạnh đó, từ khi Liên minh ong mật Ðác Lắc ra đời với sự tài trợ của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Ðác Lắc đã tăng sự hỗ trợ, đầu tư cho các hộ nuôi ong, góp phần làm tăng giá trị sản phẩm mật ong. Những ngày này, Công ty Cổ phần ong mật Ðác Lắc chú trọng việc hướng dẫn đến từng hộ nuôi ong và ra bộ quy chế về nuôi ong an toàn, bền vững để nâng cao chất lượng mật ong, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu mật ong chủ yếu của Ðác Lắc và các thị trường khó tính khác như EU, Trung Ðông, Nhật Bản... Công ty đã hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ nuôi ong mật an toàn, bền vững bằng cách yêu cầu người nuôi ong liên hệ mật thiết với các chủ vườn cây công nghiệp để nắm bắt thông tin về lịch trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, để có kế hoạch đưa ong đi đánh mật hợp lý; tăng cường đưa ong đi đánh mật tại những vùng rừng trồng và rừng tự nhiên để tránh tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong mật ong thương phẩm vượt ngưỡng cho phép của các thị trường xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa. Công ty có quy trình giúp nông dân tạo ra sản phẩm mật sạch, tăng năng suất lên từ 1,3 đến 1,5 lần (từ 30kg mật/thùng lên 40kg mật/thùng) trên mỗi thùng ong, tạo ra thị trường ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển nghề nuôi ong bền vững ở địa phương.
NGUYỄN HỒNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.