Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 17/03/2015
Ngày cập nhật:
21/3/2015
Giống gà Móng của xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên (Hà Nam) là giống bản địa nguyên chủng có nguồn gen quý hiếm không bị pha tạp và mang đậm đặc trưng của gà Việt.
Đàn gà Móng bố mẹ thuần chủng tại trang trại Tuyết Thắm, xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên (Hà Nam)
Sau gần 10 năm được bảo tồn gen, gà Móng đã có chiều hướng phát triển và tăng đàn. Tuy nhiên, giống gà quý này vẫn còn gặp nhiều khó khăn để thực sự phát huy hiệu quả. Đây chính là nguyên nhân để việc xây dựng chuỗi SX và tiêu thụ gà Móng cần được thực hiện để phát huy được đúng giá trị và hiệu quả của con nuôi đặc sản này.
Hiệu quả từ chương trình bảo tồn gen
Nói đến gà Móng Tiên Phong là nói đến giống con nuôi đặc sản bản địa có nguồn gen quý hiếm. Một số đặc điểm nổi bật của gà Móng là thịt đậm, dai, thơm ngon, chịu được khí hậu nóng, lạnh theo mùa, chống chịu tốt với bệnh tật, ăn uống kham khổ phù hợp với chăn thả tự do.
Đây cũng là giống gà lớn nhanh, nuôi 5 - 6 tháng, gà trống đạt trọng lượng 3 - 3,5 kg, gà mái 2 - 2,5 kg… Từ năm 2005 giống gà bản địa quý hiếm này đã được đưa vào bảo tồn quỹ gen và tạo điều kiện để phát triển.
Chương trình bảo tồn gen gà Móng Tiên Phong được thực hiện tại trang trại Tuyết Thắm của anh Nguyễn Văn Thắm. Trên diện tích đất 2 ha, giống gà Móng được phát triển và các cán bộ dự án cùng hộ chăn nuôi chọn lọc để giữ lại những cá thể có độ thuần chủng cao (loại bỏ những con không theo nguyên bản: chậm lớn, hay mắc bệnh, trọng lượng nhỏ…).
Cùng với quá trình bảo tồn gen, đàn gà Móng thuần chủng được nhân giống để nâng cao số lượng đàn. Hiện nay, tại trang trại Tuyết Thắm (cũng là trung tâm bảo tồn gen gà Móng Tiên Phong) đã phát triển được đàn gà bố mẹ lên đến 3.000 con và đàn gà thịt luôn duy trì 8.000 con.
Anh Nguyễn Văn Thắm tâm sự: "Việc tham gia vào chương trình bảo tồn gen chính là tâm nguyện của tôi phải giữ cho được giống gà Móng đặc sản không bị lai tạp và mai một đi…".
Từ chương trình bảo tồn gen, qua công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhiều người đã biết đến giống gà bản địa đặc sản này. Đây cũng chính là điều kiện để đàn gà Móng Tiên Phong không những được duy trì mà đang có chiều hướng phát triển.
Tại Tiên Phong, hiện có khoảng 80% số hộ gia đình đang có nuôi gà Móng, với tổng đàn hơn 30.000 con. Ngoài trang trại Tuyết Thắm có thêm một hộ nữa cũng chăn nuôi gà Móng với số lượng gần 10.000 con.
Bà Vũ Thị Kim Mai, Chủ tịch UBND xã Tiên Phong cho biết: Việc bảo tồn gen giúp giữ lại và phát triển rất tốt được đàn gà Móng của địa phương. Khi đàn gà Móng thuần chủng phát triển trở lại đã giúp loại bỏ được những giống gà khác tại các hộ chăn nuôi do chất lượng và giá trị kinh tế thấp hơn.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Thực tế, đàn gà Móng được phát triển lên với số lượng lớn, nhưng khi đưa ra thị trường không khác là bao so với gà bình thường. Nguyên nhân do người tiêu dùng không biết và phân biệt được giống gà đặc sản này. Do vậy, giá bán không thể theo giá thực của loại sản phẩm đặc sản.
Trong khi đó, chỉ tính riêng giá trị con giống đã cao hơn hẳn so với gà thường… Hiện giá bán gà Móng bình quân chỉ ở mức 120.000 - 150.000 đ/kg. Nếu với giá này, trừ giống, thức ăn (chưa tính công) người chăn nuôi vẫn bị lỗ. Theo tính toán, giá bán của gà Móng phải đạt 170.000 - 200.000 đ/kg gà ngon thì mới bắt đầu cho lãi.
Theo anh Nguyễn Văn Thắm, việc bảo tồn được gen giống gà Móng đặc sản là một thành công lớn, nhưng cũng mới chỉ là bước khởi đầu. Tiếp theo phải là phát triển và phát huy được giá trị đích thực của nó để đem lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, khâu đưa gà Móng ra tiếp cận thị trường đang là vấn đề khá nan giải.
Anh Thắm trăn trở: "Bản thân những người nuôi gà Móng chúng tôi vẫn còn đang bế tắc ở khâu tiêu thụ. Để tìm được đầu ra ổn định với giá chấp nhận được cho sản phẩm, tôi đã đưa gà Móng thịt lên Hà Nội. Cả tuần trời, đi “tiếp thị” các đầu mói tiêu thụ.
Khi ăn thử mọi người đều khen chất lượng thịt gà Móng rất thơm, ngon, da giòn và dưới da không có mỡ bám… Nhưng tất cả đều “lắc đầu” với lý do về giá. Và khách hàng vào ăn lại không có gì để phân biệt, nhận biết rõ loại gà. Như vậy, nếu cứ bán theo đúng giá thực của giống gà đặc sản này thì sẽ mất khách. Chính vì thế, mặc dù nuôi số lượng lớn gà thịt nhưng quá trình tiêu thụ rất nhỏ lẻ và hoàn toàn là trên thị trường tự do".
Cùng với khó khăn về khâu tiêu thụ, giá cả, ngay một số hộ kinh doanh giống gà Móng tại địa phương cũng đang tự làm khó cho mình. Khi gà Móng được nhiều nơi biết và tìm về mua con giống số lượng lên đến cả trăm nghìn con.
Do giá giống gà Móng cao nên một số hộ vì lợi nhuận trước mắt đã trà trộn thêm giống gà thường vào lượng con giống xuất đi. Do vậy, dẫn đến tình trạng hiểu lầm về chất lượng gà Móng thật. Khi ăn phải giống gà lai tạp này sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của giống gia cầm đặc sản.
Bà Vũ Thị Kim Mai thừa nhận: "Có tình trạng một số hộ bán giống làm ăn kiểu “chụp giật” khi bán gà Móng không chuẩn cho người nuôi tại các địa phương khác về mua. Vì là người nơi khác nên khách đến mua gà giống không thể phân biệt được đâu là giống gà Móng thật, đâu là gà khác bị trà trộn vào…".
Để gà Móng có giá trị thực
Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi - Thủy sản Hà Nam tiếp tục phối hợp với Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) thực hiện dự án “Khai thác và phát triển nguồn gen giống gà Móng”, từ năm 2013 - 2015, lựa chọn những con gà Móng bố, mẹ có độ thuần chủng cao để nhân giống chăn nuôi ra diện rộng.
Cùng với đó, đã có những tín hiệu khả quan khi một số đơn vị tiêu thụ gia cần đã về thăm và khảo sát chất lượng gà Móng để có hướng thu mua. Bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thương mại Lan Vinh (Hà Nội) trực tiếp về kiểm tra chất lượng gà Móng và cho biết: "Năng lực tiêu thụ gia cầm mỗi ngày của doanh nghiệp khoảng 10 tấn. Vì thế, Cty hy vọng gà Móng Tiên Phong sẽ trở thành sản phẩm gia cầm đặc sản chủ lực cung ứng cho người tiêu dùng Hà Nội".
Tuy nhiên, làm sao để người tiêu dùng có thể nhận biết rõ và yên tâm khi bỏ tiền mua đặc sản gà Móng (vì giá bán cao hơn các loại gà khác). Như vậy, vấn đề chính là cần xây dựng thương hiệu và có tem, nhãn cho gà Móng Tiên Phong. Cao hơn, hướng tới xây dựng chỉ dẫn địa lý cho giống gà đặc sản bản địa quý hiếm này.
Bà Nguyễn Thị Lan khẳng định: "Cty chỉ nhập và tiêu thụ gà Móng Tiên Phong theo đúng giá trị thực khi có được nhãn mác cho sản phẩm. Theo nhận định, với chất lượng thịt ngon vốn có người tiêu dùng Thủ đô dễ chấp nhận và không ngại bỏ tiền cao hơn để ăn gà Móng".
Ông Đỗ Đức Diện, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thủy sản Hà Nam cho biết, Chi cục sẽ cùng với địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý, nhất là với các chủ lò ấp nở gia cầm tuyệt đối không trà trộn gà khác vào với giống gà Móng bán ra thị trường cho những người có nhu cầu nuôi. Như vậy, chắc chắn gà Móng sẽ thực sự phát huy được hiệu quả của giống con nuôi đặc sản bản địa của vùng đất Tiên Phong nói riêng và Hà Nam nói chung
THANH HỘI
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59
Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.